Chủ tịch TP.Móng Cái đề xuất dừng dự án hút cát ở vùng biển biên giới

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
16/07/2021 16:08 GMT+7

Do Dự án hút cát ở vùng biển biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) gây sụt lún đất, không được người dân địa phương ủng hộ, nên Chủ tịch UBND TP.Móng Cái đã đề xuất dừng triển khai dự án.

Ngày 16.7, giải trình tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP.Móng Cái, đề xuất xin dừng triển khai dự án khai thác cát tại vùng biển biên giới (P.Bình Ngọc, TP.Móng Cái).
Theo ông Hồ Quang Huy, thời gian vừa qua, dự án khai thác cát san lấp mặt bằng tại vùng biển P.Bình Ngọc do Công ty CP Đông Bắc A triển khai không được người dân địa phương ủng hộ. Đáng chú ý, quá trình hút cát doanh nghiệp còn gây sụt lún đất, nếu tiếp tục triển khai nguy cơ mở rộng vùng ảnh hưởng.
“Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị tới UBND thành phố và UBND tỉnh về vụ việc hút cát của doanh nghiệp. Địa phương đã tổ chức lấy ý kiến độc lập từ phía người dân nhưng phần lớn đều không đồng tình để dự án được triển khai”, ông Huy nói.
Trước đó, tháng 5.2019, trước kiến nghị của người dân địa phương, UBND TP.Móng Cái từng đình chỉ hoạt động khai thác cát của dự án. Chính quyền TP.Móng Cái yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục nhưng đến nay do không được người dân đồng thuận dự án vẫn chưa thể triển khai.
Cũng tại kỳ họp, ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết UBND TP.Móng Cái đề xuất như thế nào thì tỉnh sẽ đồng ý với phương án đó.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tháng 12.2018, Công ty cổ phần Đông Bắc A (TP.Móng Cái) được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát) theo phương pháp lộ thiên tại mỏ Bình Ngọc với diện tích 100 ha, công suất 4,5 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết nhưng từ cuối tháng 4.2019, Công ty cổ phần Đông Bắc A đã ồ ạt khai thác, ký nhiều hợp đồng với các đơn vị bên ngoài.
Đáng chú ý, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, địa điểm khai thác trên gần khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, xung quanh khu vực này còn có các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản truyền thống của người dân trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.