Chồng xe ôm, vợ vé số đi siêu thị 0 đồng mua đến 400 ngàn: Hạnh phúc đơn sơ

27/07/2021 13:44 GMT+7

Người chạy xe ôm, người bán vé số, gặp nhau ở quán cơm từ thiện rồi đồng cảnh khổ mà nên duyên vợ chồng. Dịch Covid-19 cả hai thất nghiệp nhưng vẫn hạnh phúc chở nhau đi siêu thị 0 đồng để mua ‘thả ga’ 400 ngàn.

Đến siêu thị mini 0 đồng từ sáng sớm, ông Ngô Văn Loan (60 tuổi) mặc chiếc áo tài xế công nghệ bạc màu ngồi riêng ra một góc chờ vợ. Ông nói đùa: “Đi canh bả chứ không người ta ghẹo bả thì sao”. Ngồi cách nhau chừng 5m, bà Đặng Trần Mê Linh (48 tuổi), nghe chồng nói vậy chỉ bật cười “ổng cứ tếu vậy cả ngày, mắc mệt”.
Biết quy định giãn cách hạn chế đi lại, nhưng vì vợ không biết chạy xe máy và cũng không xách được đồ nặng nên ông Loan đi cùng. 3 năm qua, từ lúc nên duyên vợ chồng, ông bà lúc nào cũng như hình với bóng.

Chồng xe ôm, vợ vé số hạnh phúc chở nhau đi siêu thị 0 đồng Sài Gòn ngày giãn cách

“Hai đứa gặp rồi thương nhau”

Siêu thị mini 0 đồng lần thứ 21 này được đặt trong khuôn viên một trường học ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Quanh đó, các chợ truyền thống gần như đều đóng cửa, dây giăng phong tỏa khắp nơi.  
Ông Loan ngồi riêng một góc, nhìn vợ xếp hàng, đôi mắt mờ đục, các nếp nhăn nằm chồng lên nhau nhưng không giấu được niềm hạnh phúc trong lòng. Ông kể, từng có một đời vợ, 9 năm trước, bà qua đời. Ông thì vẫn tiếp tục mưu sinh với đường phố bằng nghề xe ôm truyền thống. Để tiết kiệm chi phí, hằng ngày ông đến quán cơm từ thiện ở khu Bình Hưng Hòa nhận phần cơm trưa. Nhờ vậy, ông gặp bà Linh, thua ông đúng một giáp đi bán vé số.

Bà Linh bị bệnh bạch biến nên dù mới 48 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu

Ảnh: Vũ Phượng

“Hai đứa gặp nhau rồi thương nhau, ở với nhau. Xưa nay tôi đã xác định không sinh con vì bản thân mình còn lo chưa xong mà sao lo cho con được. Bả bị bệnh bạch biến, thua tui một giáp mà tóc bạc trắng hết. Nay tôi đi để lát xách đồ cho bả, rồi chở bả về”, ông chia sẻ.
Theo lời ông Loan, hai người đã về ở với nhau được 3 năm nhờ đồng cảm cảnh nghèo, lao động bám với đường phố. Dịch ập đến làm cả hai đều không kiếm được ngàn nào, nhưng cuộc sống vẫn vui vẻ, hạnh phúc vì còn ít tiền dành dụm và lâu lâu có cơm của anh em cùng nhà san sẻ. Bữa ăn của vợ chồng ông có khi chỉ là gói mì, ít cá khô hoặc có nước mắm thôi cũng qua bữa.

Chuỗi siêu thị mini 0 đồng vừa qua tạo được hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều người cùng chung tay đóng góp

Ảnh: Vũ Phượng

Thấy vợ vừa đi siêu thị xong, đang chờ tính tiền, ông Loan vội ra nổ máy xe, chạy về phía cổng, khi đi ngang vợ còn không quên gọi vào: “Anh ra cổng chờ em nghe”. Nhìn hai vợ chồng nói chuyện tình cảm, người xung quanh đều ngưỡng mộ.
Vừa đỡ cho vợ bịch hàng mua trong siêu thị, ông cười: “Nay đi siêu thị 0 đồng mà mua được 400 ngàn, hai vợ chồng nghèo mà rất là hạnh phúc. Giờ hai đứa về chuẩn bị nấu cơm trưa ăn, nay là có thêm được tí chất tươi cũng đỡ”.

Suýt đói

Sau khoảng 5 phút chờ đợi, anh Vũ Văn Thanh (40 tuổi) được phát giỏ để đi siêu thị. Vừa bước vào, anh lấy vội mấy lốc sữa tươi, vài hộp cá và 4 vỉ trứng. Nhìn anh vội vàng, nhân viên đến hỏi thăm, anh bộc bạch: “Mua trứng ăn cho lâu, còn sữa là để dành cho con”.

Người chờ đi siêu thị ngồi giãn cách chờ tới lượt

Ảnh: Vũ Phượng

Siêu thị tại Q.Tân Phú sẽ diễn ra trong 5 ngày, bắt đầu từ 26.7.2021`

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Thanh ở Đồng Nai, lên Sài Gòn chạy xe ôm và thuê nhà với giá 2 triệu đồng mỗi tháng tại Q.Tân Phú. Ngày không có dịch Covid-19, thu nhập từ nghề xe ôm của anh cũng đủ để lo tiền nhà trọ, ăn uống sinh hoạt trong nhà, nuôi vợ con. Nhưng nay vừa thất nghiệp, tiền tiết kiệm cũng không một đồng dính túi, nên dù chủ trọ đã giảm 50% tiền nhà, anh vẫn phải đi vay mượn để đóng tiền trọ.
“Dịch này quá khổ, không đi đâu được, tiền cũng không còn đồng nào luôn. May là có chương trình siêu thị 0 đồng này, tôi có thể mua được cho con ít sữa, cho nhà vài quả trứng, chứ không là thua luôn”, anh xúc động bày tỏ.

Anh Thanh vội vã chọn vài vỉ trứng bỏ vào giỏ để có thể ăn được trong dài ngày

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Phạm Thúy Nga (63 tuổi) cũng cho biết, cả nhà làm lao động tự do và các ngành nghề dịch vụ nên dịch ập đến, tất cả cùng thất nghiệp. Chồng tài xế, con bà người làm thợ sửa xe, người làm nail… cả 2 tháng nay không có thu nhập. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng trả góp hằng tháng vẫn phải trả đều.
Áp lực, bà Nga cho hay nhiều lần muốn buông xuôi vì nghĩ mãi cũng không có lối ra. Bữa cơm gia đình phải tự cắt bớt gạo, cắt một nửa rau củ như thường lệ để ăn cho qua bữa. “Sợ nhất là mất nhà, còn có gì ăn cái đó, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Nay thì có thêm ít đồ ở siêu thị đây, cuộc sống tốt hơn được bữa nào hay bữa đó”, bà bộc bạch.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng giám mục Việt Nam cho biết vừa ủng hộ 8 tỉ đồng tài trợ chuỗi siêu thị mini 0 đồng để kịp thời giúp đỡ bà con đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Các loại hàng liên tục được châm lên đầy kệ

Ảnh: Vũ Phượng

“Số tiền này là sự đóng góp của tất cả mọi thành phần, không phân biệt tôn giáo. Họ thấy chương trình của Hội đồng Giám mục, Giáo hội Công giáo thực hiện thì cùng nhau đóng góp. Chúng tôi nỗ lực hết sức để hỗ trợ bà con”, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ chia sẻ.
Siêu thị mini 0 đồng tại Q.Tân Phú lần này diễn ra trong 5 ngày, 1.000 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid-19 sẽ được địa phương phát phiếu đi siêu thị, có thể mua hàng trị giá 400 ngàn đồng. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, mỗi ngày sẽ có 200 người đến mua sắm theo thời gian đã được ban tổ chức sắp xếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.