Chồng Tây lai khờ khạo, con thiểu năng: Vợ bán vé số khắp Sài Gòn mưu sinh

22/08/2019 13:42 GMT+7

Cuộc sống như một thách thức ngày càng lớn với bà Bé bởi người chồng mang 2 dòng máu Việt - Pháp sức khỏe yếu, con trai 27 tuổi mà như đứa trẻ lên 3. Nhưng chưa bao giờ bà có ý nghĩ sẽ rời bỏ hai cha con.

Bà Nguyễn Thị Bé (62 tuổi) và ông Nguyễn Trưng (70 tuổi, mang hai dòng máu Việt - Pháp) sống cùng người con trai là Nguyễn Phú Khải (27 tuổi, tên ở nhà là Long) trong phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP.HCM. Căn phòng này do một người hảo tâm thuê cho ông bà khi nhìn thấy cả gia đình ngủ ngoài hiên, bên mé sông nước bẩn.

Con 27 tuổi mà như một đứa trẻ

Hai ông bà gặp nhau khi còn làm việc tại chợ Phú Lâm. Ngày đó, ông Trưng hay sang giúp bà Bé những công việc nặng nhọc. Bằng sự chân thành, ông Trưng đã chiếm được cảm tình của bà Bé. Được mẹ ông chấp thuận, hai người về ở với nhau đầm ấm.

Bà Bé rất dễ xúc động

Cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc khi ông bà chào đón đứa con trai đầu lòng. Nhưng hạnh phúc vừa chớm nở, bà hụt hẫng khi biết con trai bị thiểu năng trí tuệ. Anh Long giờ đã 27 tuổi, ở độ tuổi mà nhiều người đã yên bề gia thất thì anh vẫn như một đứa trẻ, ngây ngô nhìn đời.
Ông bà, vốn không biết chữ, đã từng gửi Long vào trường học nhưng cô giáo trả về vì anh không học được. Ngồi trong lớp, anh nhìn bạn bè rồi cười, cô dạy gì cũng không nhớ. Nhiều người thấy thương, đưa anh về dạy nghề nhưng rồi cũng gửi lại vì anh học đâu quên đó.
“Bé Long không nhớ gì hết, nói thì được, nhưng tiếng đực tiếng cái. Mợ Ba có thể cho Long đi học được nhưng mợ biết khả năng của Long. Người ta cho Long 10 ngàn thì Long biết vậy chứ không biết giá trị của nó tới đâu”, bà Bé xưng mợ Ba khi kể câu chuyện của con trai mình. 
Bán vé số nuôi con trai thiểu năng, người mẹ già vẫn hạnh phúc vì có con

Ông Trưng là người vui vẻ, thân thiện. Ông hay ngồi trước cửa vừa để giải khuây vừa để ý anh Long trong lúc bà Bé đi làm. Hỏi ông có thương vợ, thương con không, ông nói: “Có, thương chứ!”

“Hôm trước, mợ mới gội đầu cho bé Long, nó không biết gội đầu. Sáng mợ kêu nó đi tắm, mợ đứng ngoài này dòm vô. Thấy nó không làm được gì, mợ nhào vô tắm cho nó luôn. Mợ kêu bé Long lau nhà, bé Long cứ đẩy đẩy vậy thôi chớ nhà không sạch. Mợ thấy khó chịu nên đành lau lại. Mợ chỉ cắm nồi cơm điện mấy lần mà Long cũng không nhớ. Mợ đi bán không dám đi xa, đặng còn về lo cơm nước cho hai cha con”, bà Bé cười.

'Giờ bỏ nó mợ chịu không nổi đâu'

Vừa ngồi xuống nói chuyện với người viết, bà Bé đã nước mắt lưng tròng. Cuộc sống cực khổ từ nhỏ, bà đến với ông cũng vì cảm mến sự chân thành, thật thà dù ông khá khờ khạo. Dẫu vậy, bà Bé chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ hai cha con. 
Ngày trước, bà dắt ông đi bán vé số để ông đi lại, vận động cho khỏe người. Hai vợ chồng đi bán vui một phần thì lại thêm phần cực cho bà. “Cậu Ba bán vé số bị lạc hoài à! Cậu bán cho người ta mà hôm thì lấy thiếu tiền hôm thì mất vé. Nói cậu là cậu giận, người ta đưa đủ tiền mà về cứ nói mất hoài à!”, bà tâm sự.
Bà bảo bà không giận mà còn thương ông hơn sau những lần như vậy. Bây giờ, ông bị bệnh tim nên ở nhà, một mình bà Bé đi bán, lo tiền ăn uống rồi gom góp để dành lo cho hai cha con.
Bán vé số nuôi con trai thiểu năng, người mẹ già vẫn hạnh phúc vì có con

Anh Long đã 27 tuổi nhưng suy nghĩ chỉ như một đứa trẻ lên 3

Bà kể đi đâu về, anh Long đều khoanh tay chào cha, chào mẹ. Mỗi khi đi bán hay lấy giấy dò về, bà phải đi tìm, xem anh đang ở đâu, làm gì mới yên tâm. Hai lần đi lạc đã trở thành nỗi sợ hãi trong cả anh và mẹ. Dù thích đi chơi, anh chỉ dám đi quanh xóm. “Mợ đi bán là dặn cậu ở nhà coi con, đừng để nó đi lung tung. Nó mà đi lạc là mợ không biết đâu để kiếm, Sài Gòn mênh mông quá. Người ta còn biết đường sâu, đường xa, con mình có biết gì đâu, đi là đi suốt luôn”, bà Bé xúc động nói.
Trong thâm tâm, bà chưa từng nghĩ sẽ bỏ anh Long lại một mình. “Mợ sẽ nuôi bé Long tới hết sức mình, được tới đâu hay tới đó. Mợ hết sức rồi thì mợ nhờ người ta cưu mang Long giùm. Bé Long không có anh chị em gì hết, mợ mà đi thì Long chỉ có một mình. Giờ bỏ nó mợ chịu không nổi đâu, sợ nó nhớ mẹ đi kiếm thì tội nó lắm”, bà tâm sự.
Bán vé số nuôi con trai thiểu năng, người mẹ già vẫn hạnh phúc vì có con

Thấy con trai đi chơi về đến nhà là bà Bé nở nụ cười

Khổ nhưng ấm êm

Khi người viết đến thăm nhà bà Bé, anh Long đang chơi bên nhà hàng xóm. Bà Bé lật đật chạy qua gọi anh về. Vừa về, Long liền khoanh tay chào. Hỏi anh có thương mẹ không, anh nói ngay: “Có!”. Bà Bé nở nụ cười, lấy tay lau hàng nước mắt lăn dài trên má. Với một người mẹ, chẳng điều gì bằng đứa con một tay mình nuôi lớn thấu hiểu được những hy sinh, vất vả. Bà nói với tôi: “Ai cũng thương bé Long hết. Mợ Ba đang buồn mà thấy bé Long về là mợ cười lên luôn á. Bé Long ở đâu thì mợ ở đó, mợ không bỏ bé Long lại được đâu”.
Sợ anh đi lạc, bà Bé nhờ người viết thông tin liên lạc và địa chỉ nhà lên tờ giấy, rồi làm thẻ đeo cổ cho anh. Nhưng anh không chịu, nói nó kỳ. Bà cứ nghĩ “đứa trẻ lên 3” ấy sẽ không biết cái gì đẹp, cái gì xấu. Phản ứng của anh khiến bà thoáng chút ngỡ ngàng nhưng lại vô cùng hạnh phúc. “Mợ thấy gia đình mợ nhiều khi cũng xuôi nước mắt mà cũng có lúc vui vẻ”, bà cười chia sẻ. Lâu lâu anh nựng mẹ, ôm mẹ một cái như muốn nói con thương mẹ nhiều.
Bà Bé không buồn việc con mình bị bệnh. Bà coi anh như người bình thường và việc một người mẹ nuôi con là chuyện thường tình trong cuộc sống. Với bà, anh là niềm an ủi sau một ngày bán vé số cực nhọc. Nhà có gì ăn nấy, anh Long thích ăn thịt nhưng cũng không đòi hỏi mẹ phải mua. Ông Trưng cũng vậy nên chưa bao giờ ông nói nặng, nói nhẹ bà. Cả gia đình 3 người luôn bên nhau, thủ thỉ tâm tình. Những điều giản đơn như vậy đã giúp gia đình bà Bé luôn ấm êm dù không đủ đầy về mặt vật chất.
Lại một mùa Vu Lan nữa qua đi, bà Bé không mong con trai báo hiếu với cha, với mẹ. “Bé Long mà muốn báo hiếu với mẹ thì cũng không có gì để làm hết. Nó đẩy nhà còn dơ đây mà, bát mợ cũng rửa, cơm nước mợ cũng lo. Mợ Ba nuôi bé Long thì mợ chỉ biết vậy thôi. Mợ không mong anh nuôi mợ với cậu đâu”, bà tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.