Chống nạn ấu dâm: Cha mẹ dạy gì cho trẻ để tránh bị xâm hại tình dục?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
22/04/2019 14:43 GMT+7

Sau khi ông Nguyễn Hữu Linh bị khởi tố để điều tra hành vi dâm ô bé gái trong thang máy chung cư (Q.4, TP.HCM), nhiều cha mẹ đặt ra câu hỏi: Phải 'trang bị' gì để con trẻ tránh bị xâm hại tình dục?

Trao đổi với PV Thanh Niên, cựu HLV đội tuyển Muay quốc gia Trần Trung Sơn cho biết những vụ hiếp dâm, sàm sỡ phụ nữ và đặc biệt là trẻ em xảy ra trong thời gian vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội.
Theo HLV Sơn, đặc điểm dễ dàng nhận thấy nhất là các nạn nhân đều chưa được "trang bị" tốt khả năng phòng vệ khi gặp chuyện không may. Phụ nữ và trẻ em luôn là những người yếu thế trước các sự việc như vậy.
Cho nên, HLV Sơn cho rằng điều quan trọng nhất là mỗi người, nhất là trẻ em, nên chuẩn bị các kỹ năng cơ bản. Mặc dù khả năng nhận thức và khả năng thực hiện các kỹ năng của trẻ không cao nhưng cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn con mình những phần cơ bản nhất và dễ thực hiện nhất.
HLV Trần Trung Sơn cho hay xét về kỹ năng sống của con trẻ, nhiều phụ huynh vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức.  
Trong trường hợp trẻ bị nắm tay, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ phải giật lại thật nhanh và mạnh. Sau đó vừa la lớn vừa chạy nhanh
Nếu không thoát được vì bị nắm tay quá chặt, trẻ có thể cắn mạnh vào tay đối phương để chạy thoát và la lớn
Đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống, tay chân vẫn còn yếu ớt nên trẻ chưa đủ sức để phản kháng lại các hành động bạo lực. Do vậy, phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu được các tình huống xấu, tăng cường nhận thức và phòng vệ trong điều kiện có thể để tránh được một phần nếu bị xâm hại.
Theo HLV Trần Trung Sơn, 2 yếu tố chính của phòng vệ là khách quan và chủ quan. Về khách quan, cha mẹ không được để trẻ ở chỗ bóng tối, nơi ít người và không ở một mình tại những nơi có lễ hội đông người và trong khu công cộng.
Về chủ quan cha mẹ có thể trang bị cho con mình trạng thái tâm lý tốt nhất, cách giao tiếp với người xung quanh và tăng cường hiểu biết về giới tính. Điều quan trọng tiếp theo là trang bị các kỹ năng, động tác chống trả lại người lạ khi bị tấn công hay bị sàm sỡ.
- Dạy trẻ bỏ chạy, la, cắn, cấu xé và vùng vẫy: Đối với trẻ, cách phòng vệ dễ dàng thực hiện nhất như là bỏ chạy, la, cắn, cấu xé và vùng vẫy trong trường hợp những người có ý đồ xấu chưa đụng được tới trẻ.
- Nếu bị ôm thì giật tay lại và la lớn: Còn với trường hợp trẻ bị nắm tay, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ cách giật tay thật mạnh, sau đó bỏ chạy và la lớn. Trường hợp bé bị ôm cha mẹ nên hướng dẫn trẻ xử lý bằng cách dùng 2 tay ấn mạnh vào mắt người lạ. Hoặc dùng chân đá mạnh vào hạ bộ nhằm đánh lạc hướng để bỏ chạy. Khi bị hôn, trẻ có thể đưa 2 tay đan chéo trên mặt và la lớn và bỏ chạy nhanh. 
- Nếu không thể bỏ chạy thì thu người lại: Trong trường hợp nguy hiểm mà không thể bỏ chạy, HLV Trần Trung Sơn khuyên phụ huynh nên dạy trẻ thu người lại, 2 tay và 2 chân đan chéo nhau. Nếu không trẻ có thể dùng toàn thân, ôm chặt chân của đối phương. Ngoài ra, trẻ có thể dùng "tiểu xảo" là cắn thật mạnh hoặc cố tình tè ra quần để khiến đối phương lúng túng.
Trường hợp trẻ bị ôm vào người, nên dùng 2 tay đâm thẳng vào mắt đối phương hoặc vùng vẫy thật mạnh
 Vùng vẫy thật mạnh cũng là một cách thoát thân hiệu quả
Nếu trẻ bị dồn vào chân tường thì chân là một vũ khí để đạp mạnh vào mặt đối phương
 
Để tránh bị hôn lên mặt hay đầu, trẻ nên để chéo 2 tay trước mặt và không quên tìm cách la lớn và chạy thật nhanh
 
Tuy nhiên, nếu không còn đường chạy thoát, cha mẹ nên hướng dẫn con mình cách co người lại, 2 tay và 2 chân đan chéo vào nhau
Ảnh chụp tại lớp học kỹ năng của HLV Trần Trung Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.