Chồng mất vì tai nạn, vợ ung thư ôm hai con nhìn chủ nợ siết nhà

23/10/2019 12:08 GMT+7

Chồng mất vì tai nạn, một mình chị Trần Thị Cẩm Nhung (39 tuổi, Đắk Lắk) chăm sóc 2 con nhỏ. Mới đây, chị ôm hai con nén đau nhìn chủ nợ siết nhà vì không có tiền trả nợ lúc chị nằm viện trị ung thư.

Dù câu chuyện về cuộc đời bất hạnh, nhưng chị Trần Thị Cẩm Nhung không bao giờ than thở hay trách móc số phận. Chị luôn lặng lẽ gồng mình, ôm các con vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác.

Còn đau đớn nào hơn?

Ngày mới lấy nhau, chị Nhung làm kinh doanh tự do nhưng thất bại, chồng chị làm lái xe tuyến Buôn Mê Thuột – Tam Kỳ. Sau một vụ tai nạn giao thông vào năm 2012, chồng chị vĩnh viễn ra đi để lại chị cùng hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học.
Quặn thắt trong lòng, chị Nhung lo liệu đám tang cho chồng xong vội vã gồng mình chuyển sang nghề nấu bếp cho một xưởng công nhân để có thu nhập ổn định lo cho các con.

Chị Nhung trong buổi fashion show dành cho bệnh nhân ung thư của Hoàng Thùy

NVCC

Hai năm trước, chị đưa bé gái sau đi khám phụ khoa, tình cờ nhìn thấy bảng giới thiệu dịch vụ chụp nhũ ảnh nên định… chụp cho vui. Nào ngờ, bác sĩ bảo chị có khối u 9-12mm ở ngực đã có chân bám, 99% là ung thư.
“Lời kết luận của bác sĩ bỗng ù đi bên tai, tôi nhìn bé gái bật khóc nức nở. Các con của tôi đã mất ba rồi, giờ tôi lại như thế này thì tương lai các cháu sẽ như thế nào. Ra khỏi bệnh viện, ngồi cà phê vỉa hè nước mắt tôi cứ vậy rơi tòng tòng. Bác sĩ nói mổ luôn nhưng sắp đến đám giỗ của chồng nên tôi về quê, định rằng lo đám xong sẽ xuống điều trị”, chị Nhung kể.

Trả giá đắt vì nghe lời khuyên…dân gian

Nào ngờ....
Vừa lo xong đám giỗ chồng, chị lo sợ vì nhìn tới nhìn lui thấy ai ung thư đi mổ xong hóa trị cũng chết vài năm sau đó, nên ai giới thiệu cách nào chị cũng đều áp dụng. Ban đầu, chị dùng thuốc tiêu u, rồi chuyển qua dùng tam thất xạ đen, bông đu đủ đực và cây xả nấu nước uống, xông lá hẹ…. Ba tháng rưỡi sau, chị đi xét nghiệm lại xem u tiêu chưa thì ngã quỵ khi bác sĩ thông báo khối u đã lên đến 5 cm, cần mổ gấp nếu không khối u vỡ nguy hiểm đến tính mạng.
Chị nhớ lại: “Lúc đó, tôi xin bác sĩ về Đắk Lắk chơi với con 2 ngày rồi xuống mổ. Về quê, tôi lựa tấm hình đẹp nhất rửa làm hình thờ, ra chỗ mộ chồng mua mảnh đất dành cho mình. Xong xuôi tôi xuống lại Sài Gòn để bắt đầu mổ”.

Vẻ mặt chị Nhung luôn tươi tắn dù là bệnh nhân ung thư giai đoạn 4

NVCC

Cảm xúc tự mình đi rửa hình thờ, mua đất huyệt với chị Nhung là điều gì đó nghẹn đắng ở trong lòng. Đau đớn, tủi thân, nhưng cũng không còn cách nào khác. Chị động viên mình phải tự lo nếu không các con sẽ bị bỡ ngỡ khi chị nằm xuống.
Sau ca mổ 11 ngày, bác sĩ báo chị phải nhập viện để làm thêm các xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm chuyên sâu cho thấy, chị đã bị ung thư vú giai đoạn cuối, di căn xương sọ, xương chậu, xương đùi, xương sườn, xương cột sống.
Tuyệt vọng.
Một lần nữa chị muốn gào lên khóc khi nghĩ đến tương lai của các con mình. Gần 1 tháng sau, chị tiếp tục mổ buồng trứng để kéo dài sự sống. Chị nhập viện trong tâm thế đời người ai rồi cũng chết 1 lần, cậu con trai nhắn tin: “Mẹ, mẹ có buồn không mẹ?” khiến chị bừng tỉnh. Chị không cho phép bản thân mình yếu đuối thêm một giây phút nào nữa…

Ôm con đi ở nhờ vì bị siết nhà

Hai lần phẫu thuật, chị được bố cho 60 triệu để lo viện phí. Đó là toàn bộ tiền bảo hiểm dưỡng già của bố chị, nhưng không còn cách nào khác, chị phải nhận để điều trị.
Sau hai ca phẫu thuật, sức khỏe ổn hơn, nhưng chị vẫn phải đi lại thường xuyên, 3 ngày nằm viện ở Sài Gòn, 3 ngày về lại Đắk Lắk.

Chị Nhung luôn lạc quan để chiến đấu với ung thư

NVCC

“Như người ta sẽ chọn thuê trọ ở Sài Gòn để tiện đi lại, nhưng thời gian của tôi không còn nhiều nên tôi muốn có nhiều thời gian bên con hơn mà chấp nhận tốn kém tiền đi lại”, chị Nhung chia sẻ.
Suốt thời gian điều trị, để có tiền lo cho các con chị phải đi vay mượn ở ngoài. Chị Nhung cũng tham gia vào dự án SCI của Thủy Muối để tinh thần lạc quan, vui vẻ chiến đấu cùng bệnh tật. Mới đây, vì không có tiền trả lãi nên chị bị siết nhà. 3 mẹ con ôm nhau qua ở nhờ nhà em gái. Ngày giao nhà cho chủ nợ, chị Nhung đau đớn nhưng chẳng thể rơi nổi một giọt nước mắt. Cũng phải thôi, vì chị đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn suốt thời gian qua, thêm một chút ngặt nghèo nữa có hề gì.
Vì bệnh đã di căn gần hết khung xương nên mỗi tối trời lạnh, chị lại đi cà nhắc và ê ẩm hết mình mẩy. Hai đứa con một trai, một gái thương mẹ nên hễ thấy mẹ nhăn mặt vì đau là lại xoa bóp tay chân, chăm sóc mẹ.
Dù vậy, vẻ ngoài của chị Nhung lúc nào cũng toát lên thần thái sang trọng, không giống như một người bệnh. Bên cạnh những người khen động viên, chị cũng gặp phải bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười.
Chị Nhung kể: “Có lần tôi đưa bé gái nhỏ cùng xuống Bệnh viện Ung bướu để khám bệnh. Đóng tiền xong trong túi chỉ còn đúng 10 ngàn nên tôi đi xin sữa cho con uống dằn bụng nhưng không ai cho. Họ bảo tôi phải cho bé chứ sao lại đi xin giùm. Tôi nói tôi là bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 mà không ai tin. Hai mẹ con đành nhịn đói…”. Kể tới đây, chị Nhung lặng giọng rồi lấy tay quệt nước mắt.
Ra đời vào năm 2016, dự án Sáng kiến Ung thư Muối - Salt Cancer Initiative của Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) là một doanh nghiệp xã hội nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. 
Với nhiều nỗ lực trong suốt 3 năm qua, SCI không ngừng tạo cầu nối trong cộng đồng bệnh nhân ung thư Việt Nam, chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng mà chính họ là nhân vật trung tâm để lan toả nghị lực sống tích cực. Liên kết giữa bác sĩ chuyên gia và bệnh nhân để qua đó trao đổi, chia sẻ các kiến thức y khoa chuẩn xác trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.