Chống dịch Covid-19, TP.HCM ngưng vé số: Những ông bà cụ ngồi nhìn nhau

09/07/2021 15:37 GMT+7

Trong căn nhà vé số gần chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM), những người bán vé số quê Phú Yên ngồi ăn cơm chung nồi canh lõng bõng nước và ít mắm trộn tiêu than thở: ‘Trầu quơ, trầu quơ...’.

Từ 0 giờ hôm nay,  TP.HCM ngưng hoạt động vé của đại lý và bán vé số dạo trên địa bàn để phòng dịch Covid-19. Điều này khiến những người bán vé số lo lắng, vì giờ về quê cũng không được, ở lại thì không biết lấy gì ăn, đóng tiền nhà trọ.

Đùm bọc nhau qua ngày

Ngày 8.7, ông Ngô Văn Tiến (60 tuổi, quê Phú Yên) nhận tin từ đại lý thu hồi hết vé số xổ ngày mai, bà con bán hết hôm nay rồi nghỉ nên lật đật gom hết vé số trong nhà ra trả. Ông Tiến được gọi vui là “tổng quản” của căn nhà vé số ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM).

Hơn chục năm trước, ông đến đây thuê nhà cùng 5 người bán vé số khác, dần dần gặp đồng hương ngoài đường thì rủ nhau về ở chung, chia tiền chia cơm cho tiết kiệm. Thời điểm đông nhất, căn nhà lên đến 43 người. Rồi nhiều biến cố, căn nhà còn 32 người bán vé số trụ lại.

Người bán vé số thất nghiệp ngày TP.HCM giãn cách: ‘Chắc nấu cơm chan mắm thôi’

Căn nhà 32 người, nay chỉ còn 10 người ở lại vì dịch Covid-19

Ảnh: Vũ Phượng

Đợt dịch này thì chỉ còn 10 người, những người khác về quê ăn mùng 5.5, gặp dịch bùng phát mạnh nên không thể quay trở lại TP.HCM để tiếp tục công việc.
Chiều qua, mây đen mù trời, trong căn nhà vé số bốn bức tường mốc meo, đồ đạc treo lỉnh kỉnh khắp tường, 7 người bán vé số đang cùng nhau quây quần bên nồi canh đu đủ lõng bõng nước cùng nồi mắm kho quẹt. Gọi mắm kho quẹt cho ngon, thực ra đây chỉ là chút mắm, đường, bột ngọt, tiêu trộn lại với nhau, nấu cho keo lại để ăn cùng cơm cho mặn mặn dễ nuốt.

Mỗi người bán vé số có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng giờ đây, ai cũng cùng chung nỗi lo

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Tiến tâm sự: “Ăn bữa lửng lửng giờ trưa không ra trưa, chiều không ra chiều thế này cho tiết kiệm. Năm ngoái, vé số ngưng mọi người về quê hết. Năm nay thông báo vội quá, xe ngưng hết rồi, có muốn về cũng không được, ở lại thì tiền trọ vẫn 6 triệu cả nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, ôi đủ thứ tiền”.
Ông Tiến vừa dứt lời, vài người trong nhà lại nhìn nhau cười méo xệch, nói qua nói lại bằng giọng xứ nẫu quen thuộc: “May còn được cho gạo cho rau nên nấu được bữa cơm ăn qua ngày, chứ vừa qua dịch đã ế, gặp mai ngưng luôn, có chỗ trú thân giữa đất Sài Gòn này đã là tốt lắm rồi”.

Cụ bà 72 tuổi, bán vé số 11 năm ở Sài Gòn mấy ngày qua phải băng chân lại để đi cho bớt đau

Ảnh: Vũ Phượng

Ngày thường, mỗi người trong nhà vé số bán được 180 – 250 tờ vé số, lời được tương đương 180.000 – 250.000 đồng, nghỉ buổi sáng. Còn từ khi dịch diễn biến phức tạp, người Sài Gòn từ bỏ “ước mơ sau 5 giờ chiều”, vé số ế thảm thương. Mỗi ngày 18 – 20 tiếng ngoài đường, họ chỉ bán được giỏi lắm 100 – 120 vé.
“Không bán không có thu nhập thì mình chỉ nấu cơm ăn rồi có mắm ăn mắm, có muối ăn muối cho nó qua ngày, tiền đâu đi chợ, đi chợ cũng có ai bán gì đâu mà đi chợ. Những người đi bán vé số ở chung một nhà đây ai cũng có hoàn cảnh riêng hết, người ta cũng có con chứ không phải không, già rồi ráng đi bươn chải kiếm thêm, con nó không đủ lo con nó nữa mà đâu lo tới mình cho được”, ông Tiến nói.

Người bán vé số rơi nước mắt trong nỗi lo thất nghiệp dài ngày vì Covid-19

Đợt này khó khăn nhiều đây

Đã đến giờ xổ số, 3 người nữa vẫn chưa về ăn cơm, 7 người trong nhà nhìn nhau lo lắng: “Chắc lại chưa bán hết nữa rồi”. Trời cũng đã bắt đầu mưa, ăn cơm xong, mỗi người lại một góc nhà, nhìn ra phía con hẻm thở dài.
Cả 2 tháng qua, hàng quán đóng cửa, vé số đã ế ẩm, kiếm từng đồng tiền đã khó. Giờ đây, vé số ngưng hết, không biết những ngày tới thế nào. Mấy người ngồi nói qua nói lại, rồi mọi coi chuyện đều kết thúc bằng câu: “Thâu tới đâu tới” (thôi tới đâu tới - PV).

Vợ chồng ông Quý mất sạch tiền tiết kiệm từ Tết đến nay

Ảnh: Vũ Phượng

Buồn nhất trong căn nhà vé số này có lẽ là vợ chồng ông Nguyễn Thành Quý (58 tuổi) và bà Lê Thị Dung (57 tuổi). Sau đợt bão lũ năm ngoái, vợ chồng ông bà cùng vào TP.HCM đi bán vé số. Tiền bán vừa đủ Tết vừa rồi về thăm quê và quay trở lại TP vào mùng 8 tháng Giêng. Hơn nửa năm trời, hai vợ chồng chỉ ăn cơm từ thiện và cơm ở nhà, không dám chi tiêu gì, dành dụm được 12,5 triệu đồng.
Đùng cái, cha già ở quê bệnh nặng, ông Quý định bụng 16.5 âm lịch sẽ gửi tiền về cho cha mua thuốc, thì ngày 14.5, ông bị lừa mất sạch hết cả tiền và vé số.

Nhiều nỗi lo, chẳng biết ra sao ngày mai trong nhà vé số

Ảnh: Vũ Phượng

Rơm rớm nước mắt, ông Quý kể: “Hôm tôi đi bán gần cầu Kênh Xáng (Q.8) gặp một cô nói chú, chú đưa tui ủng hộ vé số cho. Sau đó tôi không biết gì nữa, đến khi định thần lại được thì mở bóp thấy chỉ còn vài chục lẻ, vé số cũng hết sạch. Vội hỏi người gần đó họ nói cô đó vừa chạy vào hẻm, tôi lật đật chạy theo nhưng không thấy ai nữa. Về báo với vợ, bả khóc như mưa”.
Ngay khi bài viết về nhà vé số được đăng tải, một bạn đọc cũng là đồng hương Phú Yên với những người bán vé số tại đây đã liên hệ qua Báo Thanh Niên và đến tận nhà vé số gửi 3 tháng tiền nhà (18 triệu đồng) và gửi hỗ trợ mỗi người ở lại 500.000 đồng trong những ngày vé số TP.HCM tạm ngưng. Nhận số tiền trên, 10 người trong nhà vé số đều xúc động cảm ơn vì "gánh nặng" tiền bạc được chia sẻ, những nỗi lo phần nào vơi bớt cùng lòng tốt của người Sài Gòn.
Một người cùng nhà vé số với vợ chồng ông Quý chọc: “Gớm, ông cũng khóc chứ đâu phải mình bả”. Ông Quý mới vừa cười ngượng ngùng vừa nói tiếp: “Có mười mấy triệu, hai vợ chồng giành nhau giữ, tôi nói tôi đàn ông giữ an toàn, ai ngờ bị đập vai một cái rồi không biết gì như vậy đâu”.
Bà Dung tiếp lời: “Gọi điện thoại về cho cha ở quê nói lại vậy, ổng nói thôi mất thì thôi, của đi thay người, giờ lo làm lại rồi tiền tới đâu nó tới. Hai vợ chồng lại cặm cụi đi bán vé số lại, tích cóp lại từ đầu. Mà giờ vé số ngưng rồi, cũng không biết tới đâu luôn”.

Tiền nhà trọ cho căn nhà vé số này là 6 triệu/tháng, các bức tường đều bị mốc meo

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Dương Thị Như Mai (62 tuổi) – bán vé số nuôi con tâm thần thì bộc bạch, bình thường bà đi bộ từ Q.1 đến Q.7 để bán, 3 giờ sáng bán hết sạch 180 vé, về ngủ ngon lành cả sáng hôm sau. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, bà bán đến 2 giờ đã thấy đường phố không bóng người, phải đi bộ về, sáng hôm sau dậy sớm bán tiếp số vé còn dư.
“Con tôi thấy mẹ đi bán cũng lo, nhưng mà tụi nó cũng khổ, mình tự lo là chính chứ không trông chờ. Bán ở quê người ta mua ít lắm, nên tôi phải vào TP.HCM chịu cảnh xa nhà. Mấy bữa dịch ế quá, đi bán may được cho cơm, cho gạo đỡ qua ngày. Giờ không ra khỏi nhà, trầu quơ (trời ơi - PV), mấy ngày tới tiền đâu ăn, tiền đâu đóng trọ không biết”, bà Mai nói.
TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vé số ngưng bán, tiếng mưa lộp độp trên mái tôn. 7 con người cùng ngồi trong căn nhà trọ có hoàn cảnh khác nhưng nhưng đều mang chung một nỗi lo, lo cho người thân ở quê, lo cho miếng ăn của chính mình, không biết rồi 15 ngày tới sẽ thế nào…
Chiều nay các đài vẫn xổ số nhưng là ngày đầu tiên người dân TP.HCM không chơi vé số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.