Chọn mua trái cây an toàn thế nào khi hóa chất độc hại không thể 'tẩy' sạch?

17/07/2018 08:09 GMT+7

Trái cây “ngậm” hóa chất độc hại không thể “tẩy” sạch, do đó cần thận trọng khi mua trái cây trái mùa, trái cây nhập khẩu .

“Sống lâu” nhờ hóa chất
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các loại trái cây có trên thị trường hiện nay rất phong phú. Ngoài hoa quả trong nước, còn có nhiều loại được nhập từ nước ngoài, nhưng điều làm nhiều người lo lắng là có những sản phẩm trái mùa không phải là sản phẩm ra đời nhờ công nghiệp trồng cây trái mùa sản xuất, mà do bảo quản trái cây bằng hoá chât độc hại rẻ tiền.
Với cách làm này, trái cây có thể giữ được lâu khác thường, có những loại để từ mùa hè hoặc đầu thu đến tết âm lịch vẫn đem ra bán được giá cao, vì trái mùa khan hiếm. Có nhiều loại trái cây như lê, táo, cam, quít… để cả tháng vẫn tươi nguyên; hoặc có những quả cà chua đẹp mã để ngoài trời rất lâu vẫn đỏ bóng, trong khi cà chua của nông dân mang ra chợ bán chỉ để được 3 - 4 ngày đã thối hỏng. 
Cần tìm hiểu nguồn gốc khi mua trái cây nhập khẩu Ảnh (minh họa) của Cục An toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm lưu ý, trái cây bình thường không thể để được nhiều tuần, nhiều tháng, mà thường bị hỏng nhanh vì 2 lý do thường gặp: do quá trình hô hấp, trong trái cây vẫn diễn ra quá trình tự chín, rồi tự thối rữa; do khi đã hái khỏi cành, trái cây sẽ bị các vi sinh vật xâm nhập theo núm, đẩy quá trình thối rữa diễn ra nhanh hơn.
Cũng vì vậy, trước đây cách bảo quản truyền thống là bôi vôi vào núm một số trái cây để ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập, nhưng đến nay, việc dùng hoá chất lại phổ biến hơn. Hiện các loại trái cây được bày bán trên thị trường vẻ ngoài rất tươi ngon, đẹp mắt, mua về có thể để rất lâu không hỏng, nhất là những loại trái cây nhập từ nước ngoài. Nếu những trái cây này được bảo quản bằng các biện pháp an toàn thông thường, thời gian bảo quản của chúng sẽ rất ngắn.
So sánh đơn giản có thể thấy, quả vải, quả nhãn chỉ để tươi được 3 - 4 ngày, mận khoảng 10 ngày, cam cũng chỉ kéo dài nhất được hơn một tháng, trong khi trên thị trường hiện có những loại trái cây giữ được tươi tới 5 - 6 tháng không hỏng. Rõ ràng, những trái cây này đã được bảo quản bằng hoá chất, ăn vào rất có hại cho sức khoẻ.
Theo Cục An toàn thực phẩm, có nhiều hoá chất đang được dùng để bảo quản trái cây, trong đó sử dụng phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và một số hoá chất độc hại khác. Hoá chất được nói đến nhiều là chất chống nấm dùng trong xây dựng, rất rẻ tiền. Trái cây sau khi được nhúng dung dịch này, các vi sinh vật bám vào sẽ bị chết ngay, nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu.
Thậm chí, có nơi, người ta còn dùng cả chất 2,4 D - một loại thuốc diệt cỏ, để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hoá chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước nhanh bất thường; đồng thời, còn làm chậm quá trình lão hoá, giúp trái cây tươi lâu...
Khó nhân diện quả "ngậm" hóa chất 
Việc phân biệt trái cây tự nhiên với những loại được bảo quản bằng hoá chất rất khó, không thể chỉ quan sát bình thường. Các biện pháp đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Cục An toàn thực phẩm khuyên người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua trái cây, nên chọn mua những loại có dáng vẻ tự nhiên và cảnh giác với những loại nom quá bóng bẩy, đẹp mã.
Đối với cam quít, nên chọn những quả còn cuống và lá. Tốt nhất nên lay thử nhẹ cuống xem có đúng cuống thật hay được dính bằng keo, mua trái cây ở những cửa hàng có tín nhiệm, có địa chỉ rõ ràng, không nên mua những loại quả không rõ nguồn gốc. Những trái cây (nhất là hàng nhập ngoại) được bảo quản theo các phương pháp an toàn thường được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng đựng.
“Người dân nên ăn những trái cây trong nước thu hoạch theo mùa và không mua những quả trái mùa nếu không biết rõ chúng được bảo quản bằng phương pháp gì, có an toàn không”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.