Chợ miền Trung nói giọng Quảng ở Sài Gòn

Quang Viên
Quang Viên
28/07/2019 08:33 GMT+7

Bây giờ chợ Bà Hoa ở khu Bàu Cát đã đổi tên thành chợ Phường 11 (Q.Tân Bình, TP.HCM). Nhiều người bảo tên mới hơi hành chính “vô duyên”. Nhưng cũng không quan trọng gì vì ngoài cái bảng chính thức, hầu hết mọi người vẫn gọi cái tên quen thuộc.

Chợ nghĩa tình
Có tài liệu nói, bà Hoa là người Sài Gòn gốc Quảng Nam, xây chợ từ năm 1967. Nhưng theo những người bán hàng lâu nhất ở chợ này thì bà Hoa là người gốc bắc. Cụ Đinh Thị Kim (65 tuổi) cho biết: “Nghe cô tui, năm ni 79 tuổi, kể lại: Bà Hoa người miền Bắc di cư vô đây từ năm 1954. Bả bắt đầu xây chợ từ năm 1964 rồi sau đó cho mọi người thuê. Ngày khai trương chợ, chưa có khách mô. Bà Hoa khuyến mãi bằng cách ai vô chợ được bà tặng cho chiếc giỏ. Nhờ rứa mà người bán, người mua ngày càng đông”.
Ngoài tài kinh doanh, bà Hoa rất rộng rãi, thương người. Những người di cư (nhiều nhất là người Quảng Nam) đến đây lập nghiệp, được bà Hoa tạo điều kiện giúp đỡ để sinh sống, làm ăn. Theo bà Đinh Thị Kim thì khu vực xung quanh chợ là những dãy nhà trước đây bà Hoa xây bán hoặc cho thuê.
Bà Đinh Thị Ngất (cô của bà Kim) năm 1974 mua của bà Hoa một căn nhà giá 3 cây vàng. Khi thấy bà Ngất nhọc nhằn nuôi 7 đứa con, bà Hoa cho mượn 5 chỉ vàng mua hàng để bán. Nhiều người khác cũng được bà Hoa giúp đỡ vốn liếng. Những người lớn tuổi ở chợ còn nhớ rất rõ và tỏ lòng yêu quý, kính trọng bà Hoa.
“Bà Hoa to như người Pháp. Mà bả tội nghiệp lắm. Nhờ bả mà một số người dân Quảng Nam bỏ quê vô đây bán ở chợ mới có cái ăn để tồn tại đến bây giờ. Sau giải phóng, bà Hoa đi Mỹ định cư. Hồi trước lâu lâu bả về thăm bà con. Bây chừ nếu còn sống tính ra bà gần 100 tuổi rồi”, bà Nguyễn Thị Sáu, tên “thương mại” là Cô Sáu Mì Quảng (76 tuổi) tâm sự.
Chợ Bà Hoa hiện nay khép mình giữa khu dân cư đông đúc, đường sá chật hẹp, nhưng ngày xưa vốn rất thoáng đãng. “Xung quanh chợ nhà cửa còn ít lắm. Nhìn còn thấy đồng lúa, rừng cao su”, bà Sáu cho biết thêm. Vào những ngày đầu thành lập, chợ chỉ bày bán các mặt hàng phục vụ ngành may mặc như vải vóc, kim chỉ và hàng ăn uống. Sau đó, người Quảng Nam đến đây lập nghiệp, tạo nên “thủ phủ” dệt xung quanh khu vực Bảy Hiền, nhiều người bắt đầu chuyển hướng sang buôn bán đặc sản quê hương phục vụ cộng đồng.

Chợ phố mà hồn quê

Chợ Bà Hoa giữa Sài Gòn vẫn giữ nét bình dị chợ quê. Sản phẩm ở đây hầu hết là đặc sản xứ Quảng. Có nghiên cứu cho rằng, vì người Quảng Nam rất bảo thủ nên cả khẩu vị họ cũng “bảo thủ” luôn. Họ đi đâu cũng nhất quyết đem những đặc sản quê hương dù ngọt bùi, cay điếng hay mặn “thụt lưỡi”... nhưng ăn là ghiền theo. Ngọt ngào là kẹo đậu phộng, kẹo mè xửng, bánh in, bánh ít, bánh tổ, bánh thuẩn, đường bát... Mặn mòi có mắm cái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm cá chuồn thính, mắm dưa... Thứ nồng cay có ớt sừng, ớt bột, củ nén... Rồi các đặc sản như mì Quảng, cao lầu, bánh đúc, bánh đập, mít trộn, rau thơm Trà Quế, hải sản “cố xứ”... đều không thiếu ở cái chợ này.
“Tui bán các loại bánh đặc sản của Hội An ở đây 26 năm rồi. Ở cái chợ ni, quê mình có chi là có hết”, bà Hoàng Thị Tính (65 tuổi) chia sẻ. Cạnh gian hàng của bà Tính là sạp rau của cô em ruột tên Chương. Chị Chương cho biết: “Hồi đầu bán bánh kẹo, khoai lang. Sau đó mua rau Trà Quế (Quảng Nam) vô bán thử. Ai dè đắt khách nên bây giờ tui chuyên hàng rau”.
Hồn quê được trình diễn không chỉ qua các mặt hàng quê hương xứ sở thiện lành mà còn ở phong cách mua bán chân thật và chất giọng “đặc sệt” Quảng Nam. Ở đây, hầu như người bán không nói thách. Kiểu khách tới hàng bà Nguyệt (67 tuổi) mua 50.000 đồng bánh đúc cho hai người ăn. Ngồi chò hỏ trên sạp, bà Nguyệt phán: “50.000 hai người ăn không hết đâu. 30.000 ăn tức bụng rồi. Ăn ngon bữa sau tới mua tiếp”. Hay hôm ghé sạp mắm bà Nguyễn Thị Sơn (77 tuổi) mua 4 con cá chuồn thính. Bà Sơn vừa gắp mấy con cá chuồn vừa nói: “Cá chuồn ni mặn lắm. Ăn đái không ra hột nhưng thắm cơm, quen miệng là ăn thủng nồi”.
Cách “tiếp thị” thiệt thà và giọng nói cũng là thứ “đặc sản” của chợ Bà Hoa mà không có chợ nào ở Sài Gòn có được. Bỗng liên tưởng vì sao ca sĩ Ánh Tuyết hát Chiều mưa kỷ niệm rằng: "Nhớ chiều nồ em đến tham anh, hơ bên đường phố đõa lên đèng...”. Phát âm sai bét như vậy lại làm “rụng rời” người nghe, nhất là người xứ Quảng. Bởi vậy, dân Quảng, người yêu xứ Quảng thích ghé chợ này không chỉ để mua mà còn để nghe: “Mua cái chi cô”, “Ba mư boa ngoàn”, “Khế ni chua té đái”, “Ớt tê cay tuột quần”... Nghe răng mà thương mà nhớ quá!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.