Chợ lớn - Hương sắc tháng chạp

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
12/01/2020 09:16 GMT+7

Còn có hai ngày nữa thôi là hai mươi tháng chạp. Bắt đầu khoảng thời gian mọi người đếm ngày đếm tháng bằng lịch âm.

Họ sẽ nhắc nhau, hẹn nhau bằng ngày đưa ông Táo về trời, bằng 24, 25 tháng chạp. Và bước qua ngày 28 thì gọi một cách hân hoan là 28 Tết.
Một cách gọi không cần kèm theo tháng dương hay tháng âm. Cứ nghe âm hưởng của giọng nói mà mường tượng ra mùi của tháng chạp, màu của tháng chạp; mùi của Tết, màu của Tết.
Và không đâu mà màu mà mùi của Tết, của tháng chạp lại đặc trưng, biểu cảm như Chợ Lớn.

Màu tháng chạp

Nếu hỏi rằng, để cảm được màu của tháng chạp ở TP.HCM tôi sẽ tìm đến đâu. Ngay lập tức, tôi sẽ lên trạm xe buýt Trung tâm Sài Gòn ngay đại lộ Hàm Nghi, bắt chuyến buýt số 39.
Ngồi lắc lư mấy trạm ngắn ngắn dọc theo đường Nguyễn Thái Bình, đã ra đại lộ Võ Văn Kiệt và bon bon thẳng tiến Chợ Lớn. Chẳng mấy chốc mà đã đến đường Hải Thượng Lãn Ông và mọi người sẽ phải ồ, à lên trước vô vàn những sạp bày biện nào hoa vải, hoa giấy; nào liễn treo, liễn dán; nào lư, nào đèn.
Chỉ hai màu vàng và đỏ đã khiến con đường lệ thường hơi nghiêm nghị với những căn nhà bổ thuốc bắc tự dưng lấp lánh, sặc sỡ hẳn lên.
Chuyện xe pháo lưu thông tầm này cũng là cả một vấn đề. Dọc theo chợ Kim Biên những con đường nhỏ và ngắn như Vạn Tượng, Học Lạc, Nguyễn Thi, Tháp Mười, Mạc Cửu, Gò Công... luôn ken chặt người mua, kẻ bán, người giao hàng.
Tất cả đổ về Hải Thượng Lãn Ông và xuyên ngang qua Trần Hưng Đạo và Hồng Bàng nằm song song theo đó. Dường như, nhịp điệu mua sắm và sự luân chuyển hàng hóa dịp Tết nó sinh động và gấp rút nhất so với các mùa trong năm.
Có lẽ, các cửa hiệu mặt tiền, trong năm bán gì không biết nhưng tới Tết là ưu tiên bày biện những liên quan đến ăn Tết, biếu Tết và chơi Tết. Ở Chợ Lớn, người ta không cần biết “trend” năm nay màu gì, giỏ quà năm nay ra sao.
Quan niệm của người Hoa Chợ Lớn, đã tết là phải màu đỏ, màu vàng mới may mắn. Mà chuyện mua bán ở Chợ Lớn cũng thiệt là hay. Ai bán cái gì cứ chuyên chú một món đó. Tỷ như, có nhà bán toàn là... nơ.
Dễ chừng cả ngàn cái nơ, đỏ rực cả căn nhà. Hay có nhà chỉ bán toàn là... phong bao lì xì và liễn, câu đối. Cũng có nhà chỉ bán toàn là hoa vải chưng Tết. Tất cả đều ngồn ngộn và chừng như rất mất trật tự trong một sự sắp đặt, phân định ngăn nắp vô cùng đặc sắc.
Đây đó, dọc theo các con phố, các miếu, các chùa, đều sơn phết tinh tươm. Từ rằm tháng chạp, theo tục lệ người dân ở đây đi cúng, đã đi thắp nhang vòng. Mùa này, phương Nam nắng rực rỡ. Ghé miếu thờ Quan Công, trước là thắp nhang sau là thưởng lãm cảnh quan. Màu nắng, màu nhang vòng, màu của khói trầm. Đó cũng là màu của tháng chạp!

Mùi tháng chạp

Hôm trước, tôi chạy vào đường Minh Phụng để ăn cải chua. Có mỗi cây cải chua phụ trợ vô mà quán trở nên danh bất hư truyền và tồn tại tới 65 năm nay.
Đang nhấm nháp cọng mì, ngoài cửa tiệm nghe tiếng chào hỏi lao xao. Một anh chàng cao to vừa bước vô đã ào ào: “Chế khỏe hả? Làm em liền hai tô đi chế. Em đi thẳng từ sân bay về quán mình luôn; chưa ghé nhà nữa đó; cả năm nay ở bển em nhớ cái mùi cải chua của quán mình quá…”.
Mà cái cảnh tương tự như vầy cũng quen lắm. Nói đâu xa, mới sáng hôm qua, ghé quán xôi cay Hai Cô ở chung cư Nguyễn Duy Dương.
Vừa xề tới, đã thấy một chị đậm người ghé vô và nói liền: “Tui nói rồi, bà kêu bà ngoại ở bển mở quán xôi đi, Philadelphia cũng bộn bộn người Việt mà. Tui ở bển mà ghiền cái xốt cay sa tế với mùi mỡ hành của quán bà quá chừng.
Tui dành phép về tết là vì cái nồi xôi của bà đó nghen”. Bà chủ quán xôi cười he hé: “Bà làm lố quá nha bà, lát tui gói cho bà hai gói, tính tiền một gói. Tháng này Việt kiều về nhiều dữ. Vé máy bay chắc mắc dữ heng”. Cứ vậy mà xôn xao cả một góc đường.
Mùi tháng chạp còn là mùi của chợ. Tháng này, tiểu thương bổ hàng về bán nhiều hơn. Mấy gian hàng vịt quay heo quay treo lủng lẳng, đỏ rực, thơm lừng. Mấy gian hàng bán bánh lá liễu, bánh hẹ không chỉ đẹp nhờ màu mà thơm mùi bột, mùi tôm khô, mùi lá hẹ.
Gian hàng bán chả cá chiên thì sực nức mùi của khổ qua, của ớt, của cà, của đậu. Mấy bà chế đưa con gái đi chợ, vừa bày cho con mình chọn từng thứ vừa thủ thỉ nói: “Hồi xưa, bà nội hổng có chỉ cho dzú đi chợ như vầy đâu nghen. Gần Tết là dzú bổ một cái toa, ghi hết mọi thứ, rồi tự đi sắm sanh không thiếu món gì…”.
Hóa ra, mùi của tết là mùi của ký ức, của nỗi nhớ quê.
Còn không mấy ngày nữa là Tết tới sát một bên. Khoảng thời gian mà lịch làm việc đã bắt đầu tính bằng ngày của tháng chạp. Tháng chạp là tháng của ký ức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.