Chợ Đà Nẵng then cài sau dịch Covid-19, người người chờ khách du lịch quay lại

Huy Đạt
Huy Đạt
25/09/2020 19:41 GMT+7

Đà Nẵng không còn ca nhiễm Covid-19 , nhịp sống quay lại những ngày bình thường. Tại nhiều khu chợ truyền thống, tiểu thương than khổ vì ế ẩm, mong chờ có du khách để cải thiện tình hình kinh doanh .

Khổ sở vì buôn bán ế ẩm

Được đánh giá là khu mua sắm sầm uất bậc nhất Đà Nẵng, chợ Hàn (Q.Hải Châu) không chỉ phục vụ người dân mà còn thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước lui tới tham quan, mua sắm mỗi năm.
Những ngày qua, chợ Hàn không còn cảnh người dân, du khách chen lấn, tiếng í ới gọi nhau mua hàng. Từ lúc dịch Covid-19 xuất hiện, mọi thứ ở khu chợ nổi tiếng này chỉ còn lại sự vắng lặng, các tiểu thương rơi vào cảnh khốn khổ vì ế ẩm kéo dài.

Mặc dù đã được buôn bán trở lại, tuy nhiên nhiều sạp hàng tại chợ Hàn vẫn còn đóng cửa im lìm

ẢNH: HUY ĐẠT

Khu vực bán hàng lưu niệm cho du khách ế ẩm, tiểu thương than khổ chờ đợi khách du lịch quay lại

ẢNH: HUY ĐẠT

Ghi nhận của PV Thanh Niên, dù đã được phép mở cửa trở lại nhưng có khoảng 70 - 80% ki-ốt vẫn tắt đèn, đóng cửa. Các sạp hàng mở bán cũng chịu cảnh "hẩm hiu" vì không ai mua.
Chị Lại Nam Định (42 tuổi, trú Q.Hải Châu) cho biết, dịch Covid-19 khiến tình hình buôn bán của tất cả các tiểu thương rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
"Sau đợt dịch thứ nhất, khách du lịch nội địa tăng lên, việc buôn bán cứ ngỡ trở lại quỹ đạo cũ. Bất ngờ, đợt dịch thứ 2 bùng phát, tại các gian hàng bán những mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa, những mặt hàng khác cũng trở nên ế ẩm. Tiểu thương chúng tôi chỉ mong dịch bệnh chính thức qua đi, Đà Nẵng được an toàn để chúng tôi thoát cảnh ế ẩm", chị Định lo lắng.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng khiến các tiểu thương gặp muôn vàn khó khăn

ẢNH: HUY ĐẠT

Tương tự, tại chợ Bắc Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn), thay vì mời chào khách mua hàng như mọi khi, giờ đây các tiểu thương túm tụm nói chuyện “giết” thời gian hoặc ngồi lướt điện thoại vì không có người mua. Cảnh họp chợ vắng lặng khiến nhiều tiểu thương buồn bã.
Bà Nguyễn Thị Khánh (48 tuổi, trú Q.Sơn Trà, tiểu thương chợ Bắc Mỹ An chuyên bán đồng phục học sinh) cho biết những năm trước vào thời điểm học sinh, sinh viên nhập học cũng là lúc bà tất bật buôn bán, phải thuê thêm người. Tuy nhiên, năm nay sức mua yếu, không có khách khiến hàng bị tồn kho.
"Thường thì đầu năm học, lượng người mua sắm quần áo, cặp sách, giày dép cho con em rất đông nhưng năm nay lại thưa thớt. Dịp này năm trước, tôi phải nhờ chồng ra phụ bán và có thuê thêm người nhưng nay ít khách, một mình bán lai rai. Do dịch bệnh, những thứ thiết yếu lắm người dân mới mua, họ cũng tiết kiệm vì dịch bệnh không làm ra tiền nên buôn bán khó khăn lắm", bà Khánh tâm sự.

Các tiểu thương tại chợ Cồn gặp khó khăn vì ế ẩm

ẢNH: HUY ĐẠT

Chờ khách du lịch quay lại với Đà Nẵng

Chợ Túy Loan (H.Hòa Vang) có nhiều khu vực bị phong tỏa do liên tục phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch bùng phát. Các tiểu thương tại chợ lớn nhất huyện này cũng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Anh Trần Quốc Bình (42 tuổi, trú Q.Ngũ Hành Sơn, tiểu thương tại chợ Túy Loan) cho biết, anh và các tiểu thương đang làm làm đơn để xin được giảm thuế vì buôn bán ế ẩm kéo dài từ đầu năm đến bây giờ. Dù được phép hoạt động trở lại nhưng việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì sức mua giảm rất nhiều.
“Hai vợ chồng tôi buôn bán giày dép. Dịch bệnh ập đến, những mặt hàng nhập từ đầu năm đến bây giờ vẫn còn tồn kho. Di chuyển hơn 20km từ Q.Ngũ Hành Sơn đến H.Hòa Vang để buôn bán, có ngày bán không đủ tiền xăng”, anh Bình than thở.

Mặc dù việc buôn bán bình thường trở lại, tuy nhiên sức mua quá kém khiến việc buôn bán của tiểu thương gặp nhiều khó khăn

ẢNH: HUY ĐẠT

Dịch Covid-19 khiến người dân không còn "mặn mà" với việc tiêu dùng, mua sắm vì tiết kiệm chi tiêu. Điều này kéo theo việc kinh doanh của tiểu thương ế ẩm.
Bà Trần Thị Hồng Nhịp (tiểu thương chợ Cồn, Q.Hải Châu) cũng lo lắng khi buôn bán không được mà tiền mặt bằng, tiền thuế… vẫn phải đóng như thường.
"Buôn bán, ế ẩm vẫn phải đóng tiền khiến chúng tôi càng khổ sở hơn. Chỉ mong được chính quyền các cấp hỗ trợ giảm thuế, đồng hành cùng các tiểu thương trong giai đoạn hiện nay. Nếu được thì đây chính là nguồn động lực tinh thần cho tất cả tiểu thương tiếp tục buôn bán. Được như vậy chúng tôi mới có thể đứng dậy được sau dịch bệnh. Và chúng tôi mong chờ khách du lịch quay lại để chúng tôi buôn bán nhộn nhịp", bà Nhịp tâm sự.

Tiểu thương chợ Cồn mong muốn khách du lịch sớm quay lại Đà Nẵng để việc buôn bán được thuận lợi hơn

ẢNH: HUY ĐẠT

Ông Nguyễn Trung Thành (Trưởng Ban quản lý chợ Hàn) cho biết, toàn chợ có 800 tiểu thương. Hiện chỉ có 15% các hộ kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại do chưa có khách hàng.
“Sở dĩ các hộ kinh doanh trong chợ Hàn chưa hoạt động trở lại nhiều và gặp khó do chợ Hàn là chợ phục vụ đa phần là khách du lịch. Khi dịch bùng phát, các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi rất thông cảm và sẽ có những hướng hỗ trợ bà con tiểu thương, cùng nhau vượt qua khó khăn giai đoạn này”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết thêm, trong đợt dịch đầu năm 2020, Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng (Sở Công thương TP.Đà Nẵng) đã miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương tạm dừng hoạt động trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
"Chúng tôi đã có văn bản đề xuất Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng tiếp tục miễn tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, chợ Hàn đã làm việc với Đội thuế của Chợ để xem xét miễn thuế cho các hộ tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tạm đóng cửa để phòng chống dịch thì sẽ để xuất miễn tiền thuê mặt bằng 100% trong thời gian đóng cửa. Còn các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống sẽ được giảm 30% tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, Ban quản lý cũng miễn tiền điện nước của các hộ kinh doanh trong thời gian tạm dừng hoạt động", ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.