Cho con trải nghiệm từ thực tế

21/05/2017 08:32 GMT+7

Nhiều phụ huynh đã có những kế hoạch cụ thể cho con em mình trải nghiệm mùa hè qua các hoạt động thực tế bổ ích theo kiểu “vừa chơi, vừa học”.

Đi dã ngoại và học kỹ năng
Chị Hứa Thị Bích Hằng, đang làm việc cho một chi nhánh ngân hàng tại Q.3, TP.HCM, cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi thường dành những ngày phép năm để xin nghỉ dịp hè vì muốn đưa con đi trải nghiệm thực tế. Năm ngoái tôi dẫn hai đứa nhỏ đi chơi ở Đà Lạt để được thấy tận mắt rừng thông, cây hoa dã quỳ, những cánh đồng rau xanh mướt mà người nông dân phải thức khuya dậy sớm chăm sóc mới có được những sản phẩm tươi ngon trước khi mang ra chợ hoặc siêu thị để bán cho người tiêu dùng.
Còn năm nay, tôi có kế hoạch cho con về các tỉnh ĐBSCL để trải nghiệm về chợ nổi trên sông, vườn trái cây, cánh đồng lúa. Cho con tham quan khu Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), xem cảnh bắt cá, bắt ong ở rừng U Minh (tỉnh Cà Mau)”.

tin liên quan

Mẹ Việt lý giải vì sao phụ huynh Nhật cho con tự đến trường từ nhỏ
  Sau vụ việc đau lòng bé Nhật Linh học sinh lớp 3 bị bắt cóc và giết khi đang tới trường, hẳn nhiều người Việt Nam đặt dấu hỏi tại sao phụ huynh bên Nhật hay cho con mình tự đến trường dù bé còn nhỏ? Sau đây là lý giải của một bà mẹ Việt đang sống bên đó.
Còn chị Bạch Thị Tú, làm việc cho một công ty điện lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bật mí: “Tôi có hai đứa con, đứa học lớp 3, đứa lớp 8. Mấy năm trước, do hai vợ chồng bận đi làm nên hè về là tôi gửi hai đứa nhỏ đến các lớp học thêm, giờ nghĩ thấy tội nghiệp con quá. Năm nay, tôi đã có kế hoạch từ trước là sẽ sắp xếp công việc để đầu tháng 6 đưa hai đứa nhỏ về quê ngoại ở Ninh Thuận nghỉ ngơi và trải nghiệm thực tế”.
Ông Nguyễn Huy Sơn, Trưởng phòng Giáo vụ Nhà thiếu nhi TP.HCM, cho biết đang xây dựng kế hoạch các lớp học kỹ năng hè dành cho thiếu nhi ở lứa tuổi từ 4 - 15 trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho thiếu nhi dễ dàng chọn lựa để phát triển năng khiếu, sở trường của mình.
Sẽ có các lớp võ thuật, cờ vua, cờ tướng, cờ vây, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, thể dục nhịp điệu. Còn ở lĩnh vực mỹ thuật - nghệ thuật thì có các lớp thanh nhạc, đàn organ, guitar, múa hiện đại, hội họa, rèn chữ, robot. Song song đó là các lớp về ngoại ngữ và tin học; học phí các môn học này dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/khóa hè.
Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cũng có chương trình học kỳ quân đội và các lớp kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức rèn luyện nhân cách, học qua trải nghiệm.
Học mà chơi thực nghiệm
Không “buông” kiến thức nhưng học sinh (HS) không phải mệt mỏi với bài tập và sẽ có những ngày hè phát triển năng khiếu, thể chất, bổ sung tính thực tiễn là định hướng của một số trường tại TP.HCM khi xây dựng chương trình hoạt động hè cho HS. Ngoài việc mở cửa trường và các phòng chức năng như thư viện, phòng máy tính để HS có thể đến trường vào bất kỳ thời gian nào, nhiều trường còn tổ chức các câu lạc bộ (CLB) rèn luyện thể dục thể thao.
Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) tiếp tục duy trì các CLB mà HS đã học trong năm như: bóng rổ, cầu lông, võ thuật… Tương tự, thời điểm này, Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình) cũng đang tổ chức chiêu sinh CLB bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, thể dục nhịp điệu khóa hè.
Từ ngày 19.6 đến 28.7, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) triển khai hoạt động hè với 2 hình thức sinh hoạt một buổi và bán trú; tùy nhu cầu, mọi phụ huynh đều có thể đăng ký cho con em tham gia. Từ thứ hai đến thứ sáu, HS lần lượt trải nghiệm qua 24 CLB với 3 nội dung chính là bồi dưỡng, kỹ năng và năng khiếu.
Bắt đầu từ ngày 12.6 và kéo dài trong 8 tuần, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) tổ chức chương trình sinh hoạt hè theo hình thức thực nghiệm. Theo các giáo viên, chương trình được thiết kế với các nội dung không hề có trong sách giáo khoa. Chẳng hạn, môn toán dạy theo chủ đề tư duy thực tiễn với các bài tập như đo thể tích nước hồ bơi và tính số tiền nước phải trả nếu thay, phát hiện các quy luật trong toán học để thiết kế mê cung, dùng vật liệu tái chế xây dựng tháp…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.