Chợ cỏ 'độc nhất' miền Tây: Lặn lội đến vùng giáp biên, ngâm mình dưới đầm nước

18/08/2020 12:12 GMT+7

Không đất canh tác, không việc làm ổn định… nhiều phụ nữ xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, An Giang phải nhọc nhằn mưu sinh bằng công việc cắt cỏ để bán. Chợ cỏ độc nhất miền Tây cũng vì thế tồn tại.

Chợ 'độc nhất' miền Tây

Không giống những khu chợ khác, chợ cỏ xã Ô Lâm, H.Tri Tôn) chỉ bán duy nhất một thứ là cỏ. Người bán hầu hết là những phụ nữ Khmer nghèo, họ chọn công việc này làm kế mưu sinh vì khó có thể tìm được việc nào khác.

Chợ cỏ Ô Lâm chỉ bán duy nhất một thứ là cỏ

ẢNH: DUY TÂN

Chợ nằm trên mảnh đất trống dọc bờ kênh Ninh Phước, được xem là một trong những khu chợ độc đáo ở miền Tây. Chợ họp lúc giữa trưa và không có cảnh chèo kéo khách. Điểm độc đáo là không có quầy sạp, người bán chỉ cần chất cỏ hai bên bờ, người mua sẽ đến lựa chọn những bó cỏ trông đẹp và non. Từng bó cỏ dài gần 1m được cột gọn gàng, to vừa một vòng ôm.

Điểm độc đáo của chợ cỏ Ô Lâm là không cần quầy, sạp, cỏ được chất hai bên đường để khách lựa chọn

ẢNH: DUY TÂN

Người dân địa phương cho biết, nhiều năm trước, nghề nuôi trâu, bò phát triển mạnh nên nhu cầu tiêu thụ cỏ rất lớn. Một số người cắt cỏ cho trâu, bò nhà nuôi ăn còn dư nên bán lại cho hộ chăn nuôi khác. Thấy bán cỏ có thu nhập ổn định, dần dần nhiều người rủ nhau đi cắt về bán.

Cỏ được người dân đến thu mua chở đi

ẢNH: DUY TÂN

Dậy từ 4 giờ sáng đi cắt cỏ

Đa phần người cắt cỏ để mưu sinh là những phụ nữ lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn, không đất đai canh tác, không có công ăn việc làm ổn định. Công việc này rất cực khổ. Mỗi ngày, từ 4 - 5 giờ sáng, họ đã chuẩn bị dụng cụ đi cắt cỏ ở đồng xa.

Đa phần người gắn bó với nghề cắt cỏ là những phụ nữ lớn tuổi và nghèo khó

ẢNH: DUY TÂN

Đến chợ cỏ Ô Lâm sẽ rất dễ bắt gặp những phụ nữ ngồi bó cỏ hoặc vác cỏ lên xe kéo... Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông, nhưng lại là “cần câu cơm” của những phụ nữ miền sơn cước. Bà Néang Sary (50 tuổi, ngụ xã Ô Lâm) có hơn 10 năm cắt cỏ bán, cho biết: “Gia đình tôi nghèo khó, chủ yếu sống nhờ vào… cỏ. Lúc trước, tôi theo người ta đi cắt cỏ về bán cho các hộ nuôi trâu, bò trong vùng rồi gắn bó cho đến nay. Nhờ công việc này mới sống nổi tới giờ”.
Hằng ngày, bà Néang Sary lọ mọ trong rừng từ 4 giờ sáng để kịp cắt cỏ đem ra chợ bán. Những ngày hiếm cỏ, bà phải lặn lội đến tận vùng đầm nước xa xôi giáp biên giới để tìm cắt. Khó khăn nhất là đi cắt cỏ ở vùng trũng sâu, phải ngâm mình dưới dòng nước đen kịt ngập ngang ngực để cắt được từng nắm cỏ.

Nhiều phụ nữ phải đi đến những cánh đồng thật xa tìm cỏ cắt và nhọc nhằn khuân vác

ẢNH: DUY TÂN

Trầm ngâm một hồi, bà Néang Sary nói tiếp: “Nhiều lúc nghĩ thấy cực thiệt. Cỏ cắt ngứa lắm, có hôm bù mắt đậu cắn khắp mặt không thể cắt được. Chưa kể nước ăn nứt nẻ hết tay chân, tới việc bị cảm lạnh, bị bệnh phụ khoa do ngâm mình dưới nước lâu và dơ… Vì miếng cơm, manh áo nên đành cố gắng thôi”.
Còn bà Néang Riêng (45 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết: “Đêm chúng tôi chỉ ngủ chừng vài tiếng. Rạng sáng, sau khi lo cơm nước cho con cái xong, hai vợ chồng tôi lấy ghe đi cắt cỏ. Lắm lúc phải xin theo ghe lớn để đi sang tận Kiên Giang mới có cỏ để cắt”.
Thời gian gần đây, việc buôn bán rất ế ẩm vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số lượng cỏ cũng được bà con giảm cắt lại vì khó bán. So với lúc trước, hiện nay mỗi người chỉ bán được từ 20 - 30 bó cỏ/ngày, giá chỉ 10.000 đồng/3 bó (5kg). Vậy nên thu nhập giảm rất nhiều.

Việc buôn bán cỏ gần đây ế ẩm, cuộc sống của nhiều phụ nữ làm việc này càng thêm khó khăn

ẢNH: DUY TÂN

Cảnh mua bán cũng không còn nhộn nhịp như trước. Dưới kênh, ghe máy, xuồng máy dùng chở cỏ từ các đồng nước xung quanh tụ về cũng vắng vẻ hơn. “Lúc trước, mỗi ngày hai vợ chồng tôi ráng cắt cỏ bán cũng được gần 200.000 đồng. Còn giờ dù cố gắng mấy cũng chỉ hơn 100.000 đồng, chẳng đủ đâu vào đâu. Chỉ tội tụi nhỏ đói, khổ”, bà Chau Riêng nói.
Theo bà Néang Riêng, có hôm cỏ đem ra chợ bán ế, một số người đành vác những bó cỏ xanh đi bỏ mà bụng tiếc hùi hụi. Nhưng với bà, mưu sinh bằng nghề cắt cỏ dẫu có nhiều cực khổ, thậm chí đánh đổi sức khỏe… nhưng bù lại thu nhập hơn hẳn việc đi làm lúa thuê.

Người dân TP.HCM giữ tâm lý bình tĩnh đi chợ trong dịch Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.