Chó Bắc cực ở Sài Gòn

13/10/2007 23:09 GMT+7

Trong một lần ghé thăm anh bạn đang phụ vợ bán hủ tíu, tôi được cho biết một thông tin khá lạ: Chó Bắc cực kéo xe ở Sài Gòn. Anh bạn bảo: Cứ 9-10 giờ tối mỗi đêm đến nhà anh, sẽ thấy chó kéo xe (vẫn thường thấy trên ti vi, phim ảnh) chạy ngang nhà.

Đến từ vạn dặm

Chó Bắc cực ở vùng xa xôi, giá lạnh của người Eskimo, sao lại vượt qua vạn dặm đến sống ở Sài Gòn nóng bỏng? Thông tin đó kích thích tôi tìm đến người có cái thú chơi chó kỳ lạ này. Tiếp tôi, anh giới thiệu tên là Lê Chính, chuyên kinh doanh ống nước nhựa, ngụ ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, cách nhà anh bạn tôi không xa mấy.
Theo một số tài liệu khoa học, Alaskan Malamutes là một trong những loài chó gần gũi với người sớm nhất và là công cụ lao động không thể thiếu trong đời sống du mục của người Eskimo vùng Bắc cực lạnh giá. Một con Alaska trưởng thành có chiều cao khoảng 63 cm, dài 80 cm và nặng gần 40 ký (tối đa nặng đến 45 ký), là loại chó có lông kép rất dày, lớp trong mịn như len rất khó thấm nước, được coi là "bộ áo cách nhiệt" giúp chó có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt ở vùng Bắc cực. Chó Alaska có hai màu lông cơ bản: xám-trắng hoặc đen-trắng, màu đỏ-đồng cũng có nhưng rất hiếm. Chó Alaska có khả năng kéo xe hàng nặng cả tấn chạy suốt 3-4 giờ liền trên tuyết. Tuổi đời bình quân của loài chó này từ 12-15 năm. (N.T)

Đang nói chuyện chó dưới nhà, chợt tôi nghe một dàn đại hợp xướng "gâu gâu" trên lầu. Anh Chính bảo giang sơn các chú chó trên ấy và đưa tôi lên sân thượng ở lầu 4.  Đó là một khoảng sân trống có hòn non bộ lớn, xen lẫn cỏ cây, nước chảy róc rách. Căn phòng ở phía sau lủ khủ chó. Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy những chú chó Alaska - từ chuyên môn gọi là Alaskan Malamutes. Trông chúng thật mạnh mẽ và kiêu hãnh, ngực rộng, cơ bắp săn chắc. Bề ngang hông của con Alaska rộng ít nhất là 5 tấc. Trong phòng này còn có một con bec-giê Đức, cũng to cao nhưng xem ra không xi-nhê gì so với con Alaska đến từ Bắc cực. Thấy tôi, mấy con Alaska sủa dữ dội. Tôi hơi chùn chân. Nhưng anh Chính bảo: "Không phải nó "cự" anh đâu. Đuôi nó vẫy, nó muốn kết bạn với anh đó". Nghe vậy tôi mới hoàn hồn.

Anh Chính kể, cuối năm 2006 anh mua hai con Alaska ở Mỹ, rồi mua vé máy bay đưa chúng về Việt Nam. Đây là loài rất hiếu động, tò mò, thích chạy nhảy. Đôi khi còn phá phách đồ đạc chung quanh nếu nó có nhu cầu gì đó, "gọi" mà chủ không thèm trả lời. Để kiềm chế bớt sự hiếu động quá mức của chúng, anh Chính thường răn đe bằng các hình phạt. Lỗi nhẹ thì bắt nằm sấp, hai chân trước duỗi ra; nặng thì bắt ngồi yên, giơ hai chân trước lên, không nhúc nhích trong 5-10 phút. Những bài học đầu tiên này do những ông thầy các trường chuyên dạy chó ở Sài Gòn được gia đình mời đến nhà huấn luyện. Các con Alaska của anh Chính nay đã biết nhảy qua vòng tròn, biết giơ chân ra chào khách...

Chó Alaska kéo xe gắn máy trên đường phố Sài Gòn -  Ảnh: C.T.V

Cùng là loài chó thông minh, dễ dạy, nhưng bec-giê trông "ngầu" và trừ chủ ra, người lạ rất khó gần. Ngược lại, chó Alaska tỏ ra rất thân thiện, kể cả với khách. Đặc biệt, nó rất thích chơi với trẻ em. Và cô con gái út của anh Chính là Bảo Ngân, một vận động viên nhi đồng từng đoạt giải bơi lội châu Á, đã “bị” hai con chó Alaska (con đực anh đặt tên Noble, con cái tên Angel) mê hoặc. Chính vì thân thiện với người nên chó Alaska mắc một nhược điểm rất lớn là... không biết giữ nhà! Qua trao đổi, anh Chính phổ biến một kinh nghiệm rất đáng quan tâm đối với những ai có ý định nuôi loài chó này: chó Alaska rất ghét sự... phân biệt đối xử. Nếu nhìn thấy chủ âu yếm con chó khác mà quên mất nó đang ở bên cạnh, thì khi chủ quay lưng đi, hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra. Con chó được chủ ưu ái chắc chắn sẽ bị một trận đòn. Nếu "nựng" chó, phải "nựng" cho công bằng. Đó là điều mà người nuôi chó Alaska không được phép quên.

Thắng áp đảo trên "sân khách"

Ngay trong lần tham dự một Dogshow tổ chức tại Tao Đàn mới đây, con Noble đã "hớp hồn" ban giám khảo lẫn người xem. Anh Chính kể, cuộc thi tổ chức vào dịp 2.9.2007 tại Tao Đàn, TP.HCM, thu hút khoảng 70-80 "vận động viên" chó có nguồn gốc Đức, Nhật, Trung Quốc, Anh và cả chó Phú Quốc đến dự thi. Vợ anh dẫn con Noble, anh dẫn con Angel đến. Hai con Alaska lông đen - trắng, dày hai lớp, chân to, cao, khỏe, thực hiện hiệu lệnh của chủ rất thuần thục nên nhanh chóng vượt qua vòng sơ khảo và đứng nhất bảng.

Đến vòng chung kết, đối thủ của hai con Alaska là con Chihuahua có xuất xứ từ Mexico và "nặng ký" hơn là con bec-giê khá đẹp của một "đại gia" người Đài Loan hiện sinh sống tại TP.HCM. Lúc đó ban giám khảo phân vân giữa con Noble và con bec-giê, không biết chọn con nào thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Khi Noble xuất hiện trên sân khấu, nó đã chinh phục các em thiếu nhi đang sinh hoạt trong khuôn viên Tao Đàn. Những ánh mắt trìu mến, những tràng vỗ tay đều dành cho con Noble. Sự phân vân của ban giám khảo đã được "tháo nút". Con Noble vốn chỉ quen kéo xe trượt tuyết ở Bắc cực, vừa nhập cảnh, lại phải "đá" trên sân có nhiệt độ trên 30 độ C, đã thắng áp đảo ngay trên "sân khách" để đoạt ngôi quán quân một cách oanh liệt.

Kéo xe... gắn máy, nhớ về xứ tuyết

Sau hơn nửa năm "nhập hộ khẩu" Sài Gòn, hai con chó Alaska đã dần quen với cuộc sống phồn hoa đô hội. Ngoài sân thượng trên lầu 4 tạo cảm giác thiên nhiên để chúng đỡ nhớ quê nhà, trong phòng chó ở phía sau sân thượng còn được lắp thêm chiếc máy lạnh công suất hai ngựa rưỡi chạy liên tục từ 9 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Được gia đình anh Chính chăm chút, đôi bạn tình Noble - Angel đã cho ra đời thêm 6 chú Alaska nhí, nâng tổng số đàn chó của anh lên 17 con (hơn một nửa trong đó là chó Alaska). Anh Chính cho biết, bình quân mỗi con ăn hết khoảng 15.000 đồng/ngày, chưa kể các "dịch vụ" tắm rửa, cắt móng chân, tỉa lông... Ước mỗi tháng gia đình anh bỏ ra không dưới 3 triệu đồng cho chúng. Chưa hết, gia đình anh Chính đã lên tận Đà Lạt mua một mảnh đất khá rộng ở ngoại ô thành phố. Không lâu nữa đàn chó Alaska của anh sẽ được chuyển lên đây.

Vợ và con anh Chính cùng 2 chú chó Alaska -  Ảnh: D.Đ.M

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.  Đối với chó Alaska, chạy nhảy, kéo xe là truyền thống tổ tiên chúng truyền lại. Nếu không cho chúng lao động, những phẩm chất quý giá vốn có của chúng sẽ bị thoái hóa dần. Xử lý điều này trong điều kiện đất chật người đông, nắng nóng, khác xa so với ở Alaska là điều không dễ. Nhưng anh Chính vẫn có cách.  Thay vì kéo xe trượt tuyết thì anh cho chúng kéo... xe gắn máy. Mấy con Alaska cũng không lấy gì làm phiền trước cách làm kỳ lạ này của ông chủ. Làm gì thì làm, cứ đến 9 giờ tối anh Chính lại dắt các con chó Alaska ra, nai nịt yên cương cho chúng, rồi buộc một đầu dây vào chiếc xe gắn máy. Anh Chính chỉ cần ngồi lên xe và chỉ hướng đi, không cần nổ máy, các con Alaska sẽ kéo ông chủ chạy bon bon trên đường. Nó còn biết quẹo trái, quẹo phải theo hiệu lệnh đã được dạy trước. Mỗi con có 15-20 phút để làm việc này, lần lượt từng con.  Hôm nào anh quên, hoặc bận công việc, cứ đến giờ là mấy con Alaska lại sủa đòi kéo xe. Anh Chính nói: "Chúng rất thích kéo xe. Nếu cho chạy thoải mái, mỗi con có thể kéo 30-40 km là chuyện thường.  Với chúng, đó mới là phần thưởng".    

Cứ thế, hằng đêm người dân quanh vùng Tân Phú vẫn thường thấy lúc một con, lúc hai con chó kéo chiếc xe gắn máy chạy lòng vòng trong khu công nghiệp Tân Bình. Đó chính là những con chó đến từ Bắc cực xa xôi, lần đầu tiên "nhập hộ khẩu" vào Việt Nam...

 N.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.