Chiều một mình… ăn tô phở Việt ở New York: Nhớ mẹ ở Nha Trang lắm

06/10/2020 21:11 GMT+7

Chiều xuống thật lạnh trong tiết giữa thu ở khu Brooklyn ( New York ). Tôi chợt có cảm giác thèm ăn 1 tô phở - đặc sản quê hương vào ngày cuối tuần cần sự thư giãn.

Tôi lái xe đến khu phố Tàu Brooklyn, chọn một quán quen với trang trí đơn sơ: hàng rào phên tre nứa, ghế mộc mạc từ trong ra ngoài.
Thực đơn ở đây đầy đủ các món ăn Việt Nam nhưng ngon nhất là món phở. Một tô phở đầy với thịt mềm, thơm, nước dùng vừa vặn, rau, giá tươi ngon. Tôi vừa ăn vừa hít hà vì vị cay nồng của tiêu và ớt. Người chủ hào phóng mời tôi một ly trà Bắc nóng. Màu trà nâu nâu, vị trà đậm đậm gợi tôi nhớ vị trà mẹ hay pha cho ba mỗi sáng thưởng thức trong khoảnh vườn nhỏ có hồ cá trước sân nhà.

Người già Châu Á ở Brooklyn

Suýt xoa áp hai bàn tay vào ly trà nóng hổi, cái lạnh của buổi chiều thu Brooklyn gần như tan biến trong phút chốc.

Người già Châu Á ở Brooklyn

Ngồi ngắm phố phường qua lại, đập vào mắt tôi là hình ảnh những người già châu Á đang chậm rãi bước trên đường. Giờ này mới 2 - 3 giờ chiều. Con cái họ chắc đã đi làm cả rồi. Nếu có cháu thì cũng đang ở trường học. Một số người đi thẩn thơ vào chợ hay ngồi nghỉ trên các ghế đá công viên. Họ đi chậm như muốn kéo dài thời gian trở về nhà vì về nhà lúc này cũng chỉ có 4 bức tường chật hẹp. Nhà ở New York mà, có đâu rộng, to.

Đại dịch Covid-19 làm khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ xa hơn nữa

Tôi thấy một cụ ông đi rất chậm, đến cửa hàng nào cũng dừng lại ngó nghiêng, nhìn vào trong rồi lại lững thững đi tiếp. Nhìn cái dáng bé nhỏ chìm lấp giữa dòng người và dòng xe hối hả tấp nập, tôi nhớ đến ba mẹ mình đang ở quê nhà, tuổi một dần cao.
Tôi lại nhớ đến những cuộc điện thoại gần đây:
Mẹ nói: “Bà Tám vừa mới vào bệnh viện nằm con ạ, gần 80 tuổi rồi mà”. Rồi mẹ tiếp: “Nhà neo người bà phải thuê người giúp việc chăm lo công việc trong ngày nên cũng đỡ vất vả”.

Bà ngoại đi Mỹ trông cháu

Bà giúp con gái chuẩn bị bữa tối

Tôi vô tư trả lời: “Mẹ sau này già sang ở với tụi con”.
Mẹ trầm ngâm:”Mấy đứa đi làm cả ngày, ba mẹ ở nhà với ai”.
Rồi mẹ nhìn xa xăm nói tiếp: “Thuê người chăm sóc người già bên đó tốn kém lắm, ở Việt Nam thì dễ dàng hơn”.
Ở Việt Nam thì mẹ lại nhớ con. Mỗi lần nhớ con quá ba mẹ tôi lại cố gắng bay một đường dài thăm thẳm vượt đại dương thăm con, mang theo nào là túi nhỏ túi to, nào hạt sen, nào sắn dây. Chị em tôi hay càm ràm: “Bên này cái gì cũng có hết. Ba mẹ đem theo chi cho nặng. Xách cực lắm”.
Nhưng khi ở với con lại nhớ nhà ở Việt Nam, lại sốt ruột nhà không ai trông, nhớ con chó con mèo… Tôi nhớ có một mùa đông mẹ sang đây, tuyết rơi trắng xóa, đi làm về tôi thấy mẹ đứng thẫn thờ ở khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, tôi thương mẹ quá vì biết mẹ đang nhớ Việt Nam, nhớ bạn bè, nhớ chòm xóm.
Còn một điều bận tâm nữa, cha mẹ Á Châu mong con cái thành tài rồi lại mong chúng ổn định gia đình, dựng vợ gả chồng có con có cái. Họ vẫn muốn giữ truyền thống “Trẻ cậy cha, già cậy con”.

Con làm sao đúng, mẹ ơi?

Mẹ tôi hay nói: “Lập gia đình có con để mẹ qua chăm sóc lúc còn khỏe”. Tiền chăm sóc một đứa trẻ ở Mỹ là rất đắt đỏ nên giới trẻ cũng ngại lập gia đình và có con. Điều này thật khó khăn vì nếu cha mẹ phải qua chăm sóc lâu dài thì phải bay ngàn dặm sang Mỹ xa cuộc sống họ đã quen gần cả đời người. Còn khi họ ở nhà thì lại xót con, xót cháu không ai đỡ đần. Như mẹ tôi hay nói: “Mẹ cứ như phải phân ra làm 2, một nửa ở Mỹ vì có 2 đứa con mẹ ở đó, một nửa là ở Việt Nam vì mẹ quen sống ở nhà rồi”.
Đó là những nỗi lòng của những ông bà, cha mẹ có con đi du học và định cư ở nước ngoài.
Tôi chợt nhớ lần cuối cùng về thăm nhà là 3 năm trước. Cuộc sống bận rộn ở xứ Mỹ làm tôi không có thời gian về thăm nhà nhiều. Tôi đã có công việc làm ổn định, có nhiều bạn bè bản xứ, có những chuyến đi du lịch ở những miền đất mới gần gũi hơn là những chuyến bay dài dằng dặc làm tôi đôi khi chùn chân mỗi khi lên kế hoạch về nhà.
Tôi vừa nhận được tin nhắn của cô bạn Tàu đồng nghiệp, cô đang tiễn mẹ về lại Trung Quốc sau mấy tháng ở đây chăm con, chăm cháu. Cô nói: “Mẹ mình nhớ quê, nhớ ba, nhớ hàng xóm lắm rồi. Tội nghiệp mấy tháng ở đây trừ đi chợ còn lại chỉ loanh quanh ở nhà lau dọn, nấu ăn, chăm cháu để mình đi dạy”.
Nhìn theo cái bóng nhỏ bé, lụm cụm của cụ ông khuất dần trên đường phố Brooklyn, tự dưng lòng tôi nhói lên một câu hỏi: “ Con phải làm sao cho đúng đây mẹ ơi?”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.