Chiếc bánh trung thu, lồng đèn nhỏ và ánh mắt của trẻ vùng cao địa đầu

13/09/2019 21:45 GMT+7

Tết Trung thu có thể rộn ràng nơi phố thị nhưng ở những vùng hẻo lánh nhất của Tổ quốc nơi các học trò nghèo, các em còn quá nhiều thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc thì câu chuyện vui chơi trung thu, hạnh phúc với lồng đèn, cái bánh có vẻ là điều quá xa xỉ.

Để các em bé ấy có một ngày trung thu ấm áp, những người trẻ nhóm Thiện nguyện Sài Gòn đã lên đường và điểm dừng chân lần này là vùng đất Y Tý, huyện Bát Xát. tỉnh Lào Cai. Ở đấy đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Hà Nhì. Mặc dù thời tiết những ngày qua không mấy thuận lợi mưa lũ kéo về, đường sá lầy lội... nhưng nhóm vẫn đem cái Tết trung thu ấm áp từ miền Nam ra mảnh đất địa đầu này.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Ngô Đức Hải (Phó chủ tịch Công đoàn trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Y Tý) cho biết: “Ở vùng cao biên giới này có rất nhiều trường học, nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa mà điều kiện vật chất còn quá nhiều thiếu thốn. Các em học sinh nơi đây đa phần đều khó khăn, muốn đi học để tìm con chữ phải vượt qua biết bao con suối con đèo. Ngoài các hoạt động của các thầy cô tổ chức tại nhà trường thì ít khi có dịp các em được đi chơi tập trung hay được tổ chức liên hoan. Nhà trường cũng cảm nhận sâu sắc tình cảm của nhóm Thiện nguyện Sài Gòn gởi gắm trong từng tiết mục trò chơi, câu đố vui, từng món quà trao tận tay các em”.
Hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa đã mang đến những phần quà và suất học bổng giúp các bé đến trường bớt khó khăn
Chú Cuội và chị Hằng trong chương trình vui tết Trung thu dành cho các em
Mùa Trung thu ấm áp với nhiều quà, bánh từ các cô chú ở Sài Gòn
Thành viên nhóm thiện nguyện hóa thân thành những nhân vật trong truyện cổ tích
Trong hành trình 2 ngày của mình, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn vừa tổ chức Tết Trung thu với những trò chơi, câu đố dân gian đồng thời tặng 700 suất quà (trị giá 500.000 đồng/suất) gồm áo ấm, chăn ấm, cặp học sinh, áo mưa, lồng đèn, bánh trung thu và đồ chơi cho các học sinh ở các điểm trường Y Tý, Phìn Hồ, Trung Chải, Mò Phú Chải, Phan Cán Sử, Lao Chải, Sín Chải, Sim San 1, Sim San 2 và Hồng Ngài. Ngoài ra, 3 suất học bổng dài kỳ (6 triệu đồng/năm/em) cho 3 học sinh nghèo đặc biệt khó khăn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Em Chu Mờ Vang, học sinh lớp 4, cho biết: "Mấy năm trước cháu phải đi chặt tre, tìm giấy để tự làm lồng đèn ông sao. Năm nay, cháu được thấy chị Hằng, chú Cuội đến chơi, còn có lồng đèn để đi rước đèn, được ăn bánh trung thu, cùng các bạn tham gia các trò chơi và phá cỗ. Cháu thích lắm!”.
Vừa cùng cháu trai Ly Mờ Xe nhận suất học bổng và quà trung thu, anh Ly Gió Sáng trải lòng: “Đối với các em nhỏ vùng biên giới, nhận được những phần quà giá trị và thiết thực thế này trong dịp đầu năm học mới thật sự vô cùng ý nghĩa. Cháu tôi mồ côi ba mẹ từ nhỏ được nhận học bổng là động lực giúp cho cháu cố gắng hơn trong học tập và hỗ trợ cho gia đình tôi rất nhiều".
Thích thú với các trò chơi
Những đứa trẻ hân hoan với món quà Trung thu ý nghĩa
Nếu bạn không đặt chân đến đây thì ít ai biết được các điểm trường trong các bản làng xa xôi ấy, các thầy cô giáo vẫn đang tranh thủ thời gian ngoài giờ học còn đi đến từng nhà vận động con em đi học, phải chia ca nấu ăn, chăm lo như người cha người mẹ cho các học trò của mình.
Đón cái Tết Trung thu ở vùng cao sơn cước này, những người trẻ thấy lòng ấm áp lạ thường, tiếng cười nói rộn ràng của lũ trẻ hòa lẫn trong tiếng gió vi vu trên những dải đồi cao...
Trong những đêm rằm đẹp như cổ tích ấy, chúng tôi vẫn nhìn lên trời cao lòng thầm mong rằng trên mọi miền của dải đất chữ S này tất cả trẻ em đều có Tết Trung thu. Bởi, nếu sinh ra ở những nơi nghèo khó, ở các vùng cao heo hút ấy vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ nghèo khi nghĩ về Tết Trung thu như một điều gì đó còn quá xa xỉ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.