Chia tay về quê vì Covid-19: Quá kiệt quệ đành tạm xa người Sài Gòn tình cảm, tốt bụng

Thanh Khương
Thanh Khương
25/07/2021 10:38 GMT+7

Trên chuyến xe rời Sài Gòn về quê nhà Quảng Nam, những đôi mắt đỏ hoe . Có người là chồng, là cha, là trụ cột gia đình gần như bất lực vì dịch Covid-19 . Mảnh đất mà khi ly hương họ đã chọn để mưu sinh lo cho tổ ấm nhỏ.

Khoảng 17 giờ ngày 24.7, đoàn xe đón người dân từ TP.HCM về quê Quảng Nam xuất phát tại Trung tâm Văn hóaThể thao quận Tân Bình. Họ là công nhân, người bán vé số,… đang phải chạy “bão” Covid-19 có chung mong muốn sớm quay lại Sài Gòn để tiếp tục cuộc mưu sinh.

Bản tin Covid-19 ngày 25.7: Cả nước 7.531 ca bệnh mới, người dân TP.HCM không ra ngoài đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau

Kiệt quệ vì Covid-19

“Cuộc đời tôi chưa từng nghĩ có ngày lại rơi vào hoàn cảnh cùng cực thế này. Cuộc sống những ngày qua phải nói là rất tệ, tôi gần như kiệt quệ và không thể cầm cự tiếp nếu ở lại…”, đó là lời mở đầu câu chuyện, cũng là lý do ông Nguyễn Đức Dũng (44 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) có mặt trên chuyến xe trở về quê nhà Quảng Nam hôm nay.
Cách đây 5 năm, ông Dũng quyết định vào TP.HCM kiếm sống vì ở quê chỉ có vài sào ruộng, thu nhập thấp, thời gian nhàn rỗi nhiều. Đồng lương ít ỏi từ công việc phụ hồ ở mức 5-6 triệu đồng/tháng, ông chỉ dám ăn tiêu tiện tặn trong khoảng 2 triệu đồng, còn lại gửi về quê cho vợ và 2 con nhỏ. Đầu tháng 5, tần suất đi công trình mỗi tuần giảm dần. Một tháng nay thì nghỉ hẳn khiến cuộc sống ở TP.HCM của người đàn ông này càng thêm chật vật.
Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!1

Ông Trương Đình Độ (51 tuổi) rời Sài Gòn về quê chưa hẹn ngày trở lại

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Sở dĩ ông Dũng không về quê từ sớm là vì vẫn hi vọng, chờ đợi dịch bệnh sẽ sớm lắng xuống. Mưu sinh nơi đất khách quê người, ông buộc phải vay mượn chỗ này chỗ kia gắng cầm cự cho qua giai đoạn khốn khó. Đã có lúc người đàn ông trung niên nghĩ tới phương án chạy xe máy về quê vì không còn chọn lựa khác.
“Không biết đi xe máy về có nguy hiểm không, xe cộ có hư giữa đường không, có về tới nhà bình an không… tôi không thể ở lại chờ chết nên đã nghĩ cách “trốn chạy” khỏi đây. Đó là cảm giác bất lực và vô dụng dù biết dịch bệnh là điều không ai mong muốn”, ông ngậm ngùi nói.
May sao, ông Dũng có tên trong danh sách về quê đợt này. Ông mong tất cả về quê an toàn, không ai mắc bệnh. Còn ước muốn lớn nhất, không chỉ của riêng ông chính là đại dịch chóng qua đi để tất cả mọi người trong xã hội được trở về với cuộc sống thường nhật, để ông có thể quay lại làm việc.
Trước giờ đoàn xe xuất phát về H.Núi Thành, ông Đức Dũng muốn gửi lời tri ân đặc biệt tới Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cũng như chính quyền đã tạo điều kiện đón bà con trở về quê hương, trong đó có mình. Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể cho những ngày tới nhưng chuyến xe nghĩa tình này đã giúp ông phần nào ổn định lại cuộc sống và không còn mất phương hướng như những ngày qua.
Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!2

Nguyễn Trọng Kháng (6 tuổi) tỏ ra hớn hở khi sắp được về quê cùng mẹ

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!3

Người gốc Quảng Nam xếp hàng dài chờ đọc tên

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Sớm gặp lại “người Sài Gòn tình cảm và tốt bụng”

Nhiều người cứ nghĩ Sài Gòn xô bồ, nhưng tôi thấy ai cũng sống tình cảm và tốt bụng. Mặc dù dân ngụ cư tìm về đây mưu sinh nhiều nhưng mọi người đối xử với nhau rất tốt. Đặc biệt thời gian qua, tôi thấy “mọc” nhiều điểm phát lương thực, nhu yếu phẩm miễn phí, nhiều bạn trẻ tình nguyện phát gạo mì, rau củ tận nhà cho các khu vực phong tỏa… thực sự rất ấm lòng”

Ông Trương Đình Độ

30 năm, đó là con số tròn trĩnh mà ông Trương Đình Độ (51 tuổi, trọ Q.12) gắn bó với mảnh đất Sài Gòn sôi động, màu mỡ. Thế nhưng, “bão” Covid-19 càn quét khiến những công nhân xây dựng như ông Độ lâm vào cảnh điêu đứng.
Như bao người khác, ông Độ không nghĩ tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn lại phức tạp và kéo dài, thành thử “mắc kẹt” cho tới giờ. Mất việc, không có thu nhập, ông đăng ký về quê với mong muốn có thể ổn định cuộc sống thời dịch giã. Đợi cho mọi thứ yên ổn nhất định sẽ quay lại vì trong lòng ông, TP.HCM chính là “miền đất hứa”.
Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!4

Người dân được kiểm tra thông tin kỹ càng trước khi lên xe

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!5

Đôi mắt hồn nhiên của một em bé

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Ông Độ cho biết, để giảm bớt áp lực kinh tế gia đình và chăm lo tốt cho 2 con đang học đại học, ông làm việc trong TP, còn vợ sống ở quê. Ở quê cũng có nhà cửa, đất đai nên sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung, ông sẽ về nhà kiếm việc gì đó làm để trang trải cho những ngày này.

Chuyến xe 2 chiều đặc biệt: Mang rau củ cho Sài Gòn, đưa người Quảng Nam về quê

“Nhiều người cứ nghĩ Sài Gòn xô bồ, nhưng tôi thấy ai cũng sống tình cảm và tốt bụng. Mặc dù dân ngụ cư tìm về đây mưu sinh nhiều nhưng mọi người đối xử với nhau rất tốt. Đặc biệt là thời gian qua, tôi thấy “mọc” lên nhiều điểm phát lương thực, nhu yếu phẩm miễn phí, nhiều bạn trẻ tình nguyện phát gạo mì, rau củ tận nhà cho các khu vực phong tỏa… thực sự rất ấm lòng”, ông Độ nói.
Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!6

Tạm biệt Sài Gòn và hẹn ngày gặp lại

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Tạm chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: 30 năm ‘miền đất hứa’, hẹn gặp lại!8

Đoàn xe H.Phú Ninh (Quảng Nam) chở 100 suất quà tặng cho những người còn ở lại TP rồi chở bà con về lại quê nhà

Người đàn ông này nói thêm, trước đó, nhiều người có tiền chưa chắc đã về quê được vì có nhiều vấn đề. Riêng ông cũng rất muốn về quê nhưng nay đã ngoài 50 tuổi, không đủ sức khỏe để chạy xe máy đường dài. Giờ đây, khi sắp sửa bước lên xe để rời Sài Gòn về quê, dường như không có lời nào để ông Độ bày tỏ hết lòng biết ơn, niềm hạnh phúc lớn lao của mình.
Chiều 24.7, trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Phúc, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cho biết, đợt 1 đã đưa khoảng 500 người từ TP.HCM về Quảng Nam an toàn, hiện đang cách ly trên địa bàn tỉnh, tất cả bà con đều tỏ ra xúc động và biết ơn. Đợt 2 gồm có 6 chiếc xe đang trên đường đưa gần 250 người dân của 5 huyện, thành phố về quê. Dự tính đợt 3 (tuần sau) sẽ có 2 chuyến bay đưa bà con thuộc 4 đối tượng: người già, bệnh tật, phụ nữ có thai và trẻ em trở về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.