Chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: Nước mắt, nụ cười ngày trở lại Huế thương!

26/07/2021 13:46 GMT+7

Những giọt nước mắt rơi, những ánh mắt rạng rỡ nụ cười sau lớp khẩu trang, những cuộc chia tay và nỗi mong đợi đoàn viên… hòa lẫn nhau giữa ‘ngày trở về’ của 240 người Huế xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất , TP.HCM sáng 26.7.

Hơn 7 giờ 30 phút sáng, nhiều người Thừa Thiên - Huế đang “mắc kẹt” tại TP.HCM đã có mặt tại sân bay để làm các thủ tục, đúng 13 giờ cùng ngày chuyến bay khởi hành đưa họ về quê. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện của riêng mình nhưng tất họ đều có duy nhất một nỗi niềm: Mong được trở lại Huế thương!

“Mệ ơi, ba sắp về rồi"

Trời nắng gắt, thấy hàng dài người đang xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay, chị Ngô Thị Quỳnh Hương (21 tuổi) dẫn mẹ là bà Võ Thị Chiên (65 tuổi) ra một góc có bóng mát để ngồi chờ. Chị tranh thủ nằm bệt dưới đất chợp mắt một tí cho đỡ mệt trước khi đi làm thêm các thủ tục để trở về xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy.
Trong lúc chị Hương nghỉ ngơi, bà Chiên tâm sự với PV rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà một mình từ Huế vào TP.HCM làm giúp việc được gần 3 năm nay. Thu nhập của bà ở đây không quá cao, song đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt cũng như dành dụm được một ít để gửi về quê.

Hàng dài người đã có mặt từ sớm để làm thủ tục được trở về

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hàng người ngồi chờ đợi trong lúc chờ tới lượt xét nghiệm Covid-19

ẢNH: CAO AN BIÊN

Đầu tháng 6, trong lúc đang làm việc, bà bị té dẫn đến rạn xương không đi lại được, con gái bà bỏ việc công nhân ở Huế tức tốc bay vào để chăm sóc mẹ. Dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, hai mẹ con bà Chiên bị kẹt lại. Không thể đi làm, không có nguồn thu nhập, những ngày qua hai người nương tựa vào nhau, sống tằn tiện bằng số tiền tích cóp được cũng như nhờ sự hỗ trợ từ người thân ở quê.
Khi hay tin tỉnh Thừa Thiên - Huế đón người dân đang ở TP.HCM trở lại quê nhà, hai mẹ con bà mừng rơi nước mắt. Lập tức, chị truy cập link và điền form để đăng ký. Ngày nhận được điện thoại thông báo rằng mình đã được duyệt, hai người vỡ òa xúc động.
“Biết tin hôm 24.7, tôi mừng không ngủ được, lúc nào cũng nghĩ tới cảnh được về lại quê hương. Tôi biết mình đã may mắn hơn nhiều người nên lại càng quý trọng tấm vé lần này. Cảm ơn Huế đã dang rộng vòng tay đón những người con đang xa quê trong lúc khó khăn”, chị Hương bày tỏ.

Bà Hồ Thị Sung (62 tuổi) đến từ rất sớm, tuy nhiên vì không thể sử dụng điện thoại thông minh nên bà không thể khai báo y tế điện tử mà chờ khai báo bằng giấy. Vào TP.HCM hơn 20 năm, bà Sung lấy cá ở chợ Bình Điền về bán ở vỉa hè. Dịch ập tới, vợ chồng bà không có việc làm, không thể trụ nổi ở TP nên đăng ký về quê. Chiều 25.7 khi được thông báo mình được duyệt về, bà mừng đến không ngủ được

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Lê Cường (45 tuổi) bán vé số ở TP.HCM nhiều năm nay. Tai nạn lao động năm 25 tuổi đã vĩnh viễn lấy đi đôi tay của ông, từ đó ông chỉ có thể làm nghề này kiếm sống. Ở đất Sài Gòn, ông dễ sống vì thu nhập cũng đủ trang trải nhưng từ ngày không thể đi làm vì dịch, ông chỉ có thể sống bằng số tiền tích cóp những năm qua. “Tôi lên đây làm một mình, về cũng một mình nhưng không thấy tủi thân vì biết rằng cha mẹ ở quê cũng mong ngóng mình về. Hẹn một ngày không xa sẽ được trở lại Sài Gòn”, ông tâm sự

ẢNH: CAO AN BIÊN

Đứng gần đó, anh Phan Tiến (39 tuổi) vừa video call vừa tâm sự với gia đình ở đầu dây bên kia: “Mệ ơi, ba sắp về rồi. Mệ vui rồi nhé!”, tiếng cười rộn rã vang lên giữa sân bay. Anh Tiến nói hôm nay mình có mặt ở đây, nhưng chỉ là đưa ba và con trai về Huế, còn mình thì vẫn ở lại với vợ.
Nhân dịp cháu nội được nghỉ hè, ông Phan Lực (68 tuổi) dẫn cháu vào TP.HCM thăm hai vợ chồng anh Tiến rồi bị mắc kẹt ở đây vì dịch. Nhìn ba đang xếp hàng để test Covid-19, anh nói hơn 2 tuần nay, từ ngày hay tin mệ anh ở quê bị bệnh, ngày nào ông cũng buồn buồn không ăn uống nói năng gì. Nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh nhà cũng như Hội đồng hương Huế tại TP.HCM, ba và con trai anh Tiến được về khiến anh không giấu được niềm vui.
“Từ lúc hay tin, ông cười suốt, ăn uống cũng được hơn. Lần này ông về để chăm bà đang ốm, cũng là để cháu đi học vì sắp vào năm học mới rồi”, anh bộc bạch.

Anh Phan Tiến (39 tuổi) vừa video call vừa tâm sự với gia đình ở đầu dây bên kia: “Mệ ơi, ba sắp về rồi. Mệ vui rồi nhé!”

ẢNH: CAO AN BIÊN

Sở dĩ anh không chọn về quê vào lúc này là vì anh nói dù thất nghiệp nhiều tháng nay, song anh và vợ vẫn có thể ráng trụ thêm một thời gian nữa. Anh mong muốn những người có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được về trong lần này, đợi đến đợt sau anh và vợ sẽ đăng ký.

Bật khóc giữa sân bay

Trước sảnh chờ, cả gia đình anh Nguyễn Hữu Hòa (38 tuổi) với 6 thành viên đang chuẩn bị lại hành lý, mặc đồ bảo hộ. Anh nói lần này, mình ra sân bay để tiễn vợ, mẹ vợ cùng với 3 người con, tính luôn đứa con trong bụng vợ mình là 4.
Từ Huế vào TP.HCM làm công nhân, cả gia đình anh Hòa ở trong căn phòng trọ 12 mét vuông, nương tựa nhau mà sống. Dịch ập tới, không ai có việc làm, 2 tháng qua anh tìm cách mua vé để vợ con về quê nhưng không được.

Chị Ngô Thị Quỳnh Hương (21 tuổi) dẫn mẹ là bà Võ Thị Chiên (65 tuổi) ra một góc có bóng mát để ngồi chờ. Chị tranh thủ nằm bệt dưới đất chợp mắt một tí cho đỡ mệt trước khi đi làm thêm các thủ tục để trở về xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cả gia đình anh Nguyễn Hữu Hòa (38 tuổi) với 6 thành viên đang chuẩn bị lại hành lý, mặc đồ bảo hộ. Anh nói lần này, anh ra sân bay để tiễn vợ, mẹ vợ cùng với 3 người con, tính luôn đứa con trong bụng vợ của anh là 4

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Ban đầu, tôi cứ nghĩ vài tuần là dịch sẽ qua nhanh thôi nhưng không ngờ số ca nhiễm ngày một nhiều. Tôi mua vé ở Sài Gòn không được thì đặt vé ở Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng cuối cùng họ đều trả vé, tới giờ vẫn chưa lấy được tiền. Vậy nên lần này vợ con đều được về nhà, tôi mừng rơi nước mắt, vô cùng biết ơn Huế không lời nào diễn tả được”, anh xúc động nói.
Anh kể để đến được sân bay ngày hôm nay, gia đình anh đã rất may mắn. Sống ở P.Tân Hưng Thuận (Q.12), anh nói hẻm nhà mình chỗ nào cũng bị phong tỏa, may sao “chừa nhà mình ra”.
Nhắc đến vợ đang mang thai tháng thứ 8, anh bật khóc nhưng tay chẳng thể lau giọt nước mắt đang thấm vào lớp khẩu trang. Với anh, lần chia tay này không biết đến khi nào gặp lại vợ và các con. Anh nói ngày vợ sinh chắc chắn mình không thể ở bên cạnh nên thấy tủi thân, nhưng cũng không còn cách nào khác, chỉ mong vợ ở quê nhà vượt cạn bình an.

Anh Hòa bật khóc khi nghĩ đến cảnh phải xa vợ chưa hẹn ngày gặp lại, ngày vợ sinh không thể có mặt

ẢNH: CAO AN BIÊN

240 người được về Huế lần này là những người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về tỉnh để điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh

ẢNH: CAO AN BIÊN

Khi được PV hỏi: “Sao anh không đăng ký về với vợ lần này”, anh bộc bạch rằng riêng gia đình mình đã là 5 suất được về nhà rồi, anh vẫn còn trụ lại được nên nhường cơ hội lại cho những người khó khăn hơn. Một mình sống ở đây, anh không lo đói vì cho biết nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức thiện nguyện. Anh cũng mong khi vừa hết dịch mình có thể sớm trở lại với công việc để có tiền nuôi thêm thành viên nhỏ sắp chào đời.
“Tôi tin, sớm thôi Sài Gòn rồi sẽ khỏe lại như trước. Lúc đó, tôi lại được đoàn viên cùng với gia đình nhỏ của mình”, anh bày tỏ.

Những người đầu tiên được vào làm thủ tục bay

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Trần Thuận Hóa - Đại diện Hội đồng hương Thừa Thiên - Huế tại TP.HCM cho biết trong đợt 1 đón 240 bà con đang mắc kẹt về lại quê hương lần này, có nhiều người đã được xét duyệt, tuy nhiên vì đang bị phong tỏa hoặc có nhiều lý do khác nhau họ vẫn phải ở lại. Sau đó, nhiều trường hợp đã được xem xét bổ sung vào danh sách. Những người không phải là đối tượng được ưu tiên, không nằm trong danh sách xét duyệt đợt này sẽ được xem xét, bổ sung vào đợt sau.
“Sáng nay, chúng tôi tổ chức đón người theo đúng quy định phòng dịch, liên tục nhắc nhở bà con phải tuân thủ 5K. Chúng tôi cũng phát đồ bảo hộ để bảo vệ an toàn cho bà con từ lúc tới sân bay đến lúc về đến Huế”, ông Hóa thông tin thêm.
Trước đó ngày 24.7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo về việc đón người dân (đợt 1) gồm 240 người, là người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về tỉnh Thừa Thiên - Huế để điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh, bằng đường hàng không ngày 26.7. Địa phương cũng đang lập kế hoạch đợt II (dự kiến từ 27.7 đến 30.7) bằng tàu lửa hoặc máy bay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.