Chỉ là ‘vui miệng hỏi thăm’!

31/01/2016 10:45 GMT+7

'Con bé Su nó cũng lớn bộn rồi à, vợ chồng coi năm nay kiếm thêm đứa nữa, cho có nếp có tẻ đi chứ!'

'Con bé Su nó cũng lớn bộn rồi à, vợ chồng coi năm nay kiếm thêm đứa nữa, cho có nếp có tẻ đi chứ!'

Đôi khi những lời hỏi thăm sẽ gây khó chịu cho người đối diện - Ảnh minh họa: Văn NguyễnĐôi khi những lời hỏi thăm sẽ gây khó chịu cho người đối diện - Ảnh minh họa: Văn Nguyễn
Chị Hoa cố lắm để không nhíu mày trước câu “đề nghị” xởi lởi đã được nghe đi nghe lại nhiều lần từ hôm cùng chồng về quê ăn tết. Chị khẽ liếc qua chồng. Mặt anh đanh lại, chịu đựng. Chị Hoa vừa thương chồng vừa bực mình với bà con họ hàng. Sao mà họ cứ mải lo giùm chuyện của thiên hạ như thế không biết!
Từ hồi sinh bé Su, vợ chồng chị vốn đã hay lục đục chuyện kinh tế, việc nhà, giữ con này nọ. Rồi một dịp anh chẳng may mắc bệnh quai bị, biến chứng, bác sĩ cho biết khó có thể sinh con lần nữa. Nên gặp mấy tình huống “hỏi thăm” khích lệ như… ra lệnh kiểu này, thật là khó đỡ! Lúc vui vẻ xởi lởi, anh trả lời, con cái là của trời cho, một đứa là vui cửa vui nhà rồi, lo nuôi dạy cho tốt là được. Lúc căng thẳng mỏi mệt, anh tự dưng thấy… mặc cảm thì phải, trở nên cáu gắt nếu bị nhắc tới chuyện con cái. Vì đề tài này mà vợ chồng chị Hoa từng nhiều lần nói qua nói lại gay gắt với nhau vài lần rồi…
Cái cảnh bị (hay được) hỏi xem bao giờ có chồng, lấy vợ, kết hôn lần nữa, khi nào sinh con hoặc sinh đứa thứ hai cho nó có chị có em là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhỏ nhặt lắm, có gì đâu mà phải lăn tăn nhỉ? Văn hóa chúng ta nó thế rồi! Được quan tâm thôi mà, sao khó tính thế! Hẳn nhiều người sẽ cho rằng như vậy. Nhưng cứ thử tưởng tượng, bạn là một cô gái tết này tuổi đã chạm mé hàng “băm”, tuy bản thân chẳng có gì là vội vã lo “thoát ế”, nhưng sẽ ít nhiều chạnh lòng xen lẫn bất mãn nếu cứ bị săm soi hỏi, sao, bao giờ thì cho cô/ thím ăn kẹo thế này? Kén quá cũng không nên con ạ. Năm nay sao vẫn chưa chịu dắt người yêu về ra mắt nữa? Có đang quen ai không hở cháu? Cái thằng lần trước đâu rồi, thấy nó cũng được mà, chắc cháu lại chê bai cái gì nữa hả? Đại khái thế. Đặc biệt là cái màn “hỏi cung” ấy thường diễn ra công khai ở chốn đông người, bằng mức âm lượng đủ khiến cho cả thiên hạ đều nghe thấy! Khổ chủ chỉ có nước lí nhí đỏ bừng hoặc gồng lên căng cả cơ mặt, tức thầm trong bụng, thề rằng sang năm chẳng thèm đến hay về đây nữa, thật phiền! Thậm chí có người còn tỏ thái độ trên các trang cá nhân, rằng làm như chẳng có chuyện gì đáng quan tâm hay sao mà cứ gặp là phải hỏi hay nhắc tới việc đẻ đẻ đẻ!
Ngoài mảng “hạnh phúc lứa đôi” ra thì công danh sự nghiệp cũng hay được chiếu tướng. Lương thưởng năm nay thế nào? Ờ thì tàm tạm. Tàm tạm là ba chục triệu hay bảy chục triệu? Những câu hỏi xoáy đáp xoay vào đời tư và thông tin cá nhân như thế không phải là hiếm gặp. Cười cười kiểu “khó quá bỏ qua” thì dễ nhận được câu nói hờn lẫy, là thương, là quý nên hỏi thăm vậy thôi, chứ có định mượn hay xin đâu mà phải ngại ngùng lấp liếm tránh né! Bó tay thật!
Người nhà em thật là quá rảnh! Một ông chồng đã cằn nhằn vợ như thế khi được “khuyên” năm nay nên… sắm ô tô mà đi cho ra dáng, đã bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài, tự làm ông chủ lâu thế rồi mà. Nào ai biết, ông chồng đang ngập trong nợ nần, và các câu hỏi vui vẻ của họ hàng nhà vợ đề cập tới “năm nay chắc ông giám đốc dư được tiền tỉ rồi hen” làm cho ông chồng cảm giác như bị “hỏi xỏ”, vừa nghi ngờ vợ đã chia sẻ thông tin với gia đình, vừa kết luận: họ đang cố tình làm cho ông mất mặt đây mà. Mặc cho chị vợ khó khăn giải thích, ông chồng vẫn hậm hực suốt mấy ngày đón xuân ở nhà vợ.
Nhiều người thanh minh rằng, chỉ là nhân tiện “vui miệng hỏi thăm” hoặc lấy câu chuyện làm quà. Nhưng xin lỗi, cái thứ quà đó chỉ khiến người hỏi “vui miệng”, chứ người nghe thêm áp lực hoặc khó chịu. Đôi khi nội bộ bất hòa với nhau vì sự vô ý của người ngoài. Là tôi quan tâm thôi, làm gì mà dữ vậy?! Chẳng phải chưa từng có “khổ chủ” bất chấp việc đánh mất mối quan hệ, để phản ứng trước sự quan tâm có phần thô lỗ và mất lịch sự kiểu ấy. Nhưng thói quen khó bỏ, rồi thì người ta vẫn hồn nhiên hỏi nhau các câu tưởng vô thưởng vô phạt đó, mà quên đặt mình ở vị trí của người được hỏi.
Đôi khi các câu hỏi dạng ấy xuất phát từ chính người thân trong nhà. Và là sự quan tâm thật sự, chứ chẳng phải cố tình xỏ xiên gì. Nên phản ứng sẽ mất vui, mà ngậm bồ hòn làm ngọt thì bổn cũ năm nào cũng được soạn lại, khiến người trong cuộc vừa khó xử và khó chịu! Nhiều người đành than thầm, rằng đầu năm mà đã gặp phải mấy người vô duyên vô dùng, không phân biệt được sự quan tâm và phán xé, soi mói, chẳng hiểu “hỏi thăm” và “hỏi khó” nó khác biệt nhau, để mà làm ơn lưu ý giùm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.