Chị dâu em chồng

09/06/2009 14:26 GMT+7

Khi nói vui rằng tôi và chị dâu cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, mỗi năm chỉ gặp mặt đôi lần nên “nước sông không phạm nước giếng”, nhiều bạn bè ồ lên: “Sao mày may dữ vậy”!

Cãi riết thành... ghiền

“Chứ không ghiền thì tại sao ngày nào cũng kiếm chuyện cãi nhau? Đau đầu nhức óc từ trong nhà ra chòm xóm”, bà Sáu - một bà mẹ chồng hiện đại - rên rỉ như thế. Bà Sáu lớn tuổi, mắc đủ thứ bệnh về xương, khớp, khiến bà quanh năm đi đứng chậm chạp. Nhưng hiện giờ thì bà “đảm trách” các phần việc liên quan đến máy giặt, bếp núc, còn phải nói khéo với con trai là muốn vận động cho khỏe tay khỏe chân, thay vì trước đây con gái bà làm. “Từ hồi có dâu, cứ tưởng trước đã khỏe nay càng khỏe, hóa ra ngược lại. Việc nhà, con chị lơ lơ, con em cũng mặc. Tôi nóng ruột nên làm luôn”.

Bớt sốt sắng trong nhà chỉ vì muốn “nạnh” người mới, không ngờ mẹ mình cực nhọc, cô con gái nổi nóng gây sự ngày một với chị dâu. “Người mới” cũng chẳng nể nang, cãi nhau tới bến. Bà Sáu kể, nhiều lần con gái nói riêng với bà, mẹ có con dâu rồi, tại sao không bảo chị ấy làm mọi việc cho mẹ, lỡ nay mai con đi lấy chồng thì sao? Nhưng bà không thể nghe lời con để sai bảo dâu vì: “Đứa nào cũng có công việc riêng của chúng. Bây giờ tôi chỉ mong hai đứa đừng gây gổ nữa, khiến tôi chẳng những làm mệt mà còn nhức đầu”. Anh con trai luôn phải công tác xa khiến bà vững bụng, vì “có nó ở nhà thì thế nào hai đứa kia cũng... ăn bạt tai”.

Khi một số người trẻ ngồi lại với nhau, họ cho rằng giải pháp chị dâu - em chồng không sống chung một nhà là tốt nhất, rằng sự hòa thuận trong mối quan hệ này chỉ có thể được giữ vững nhờ khoảng cách địa lý mà thôi (?!). Cả ba anh em của anh V. đều là người dịch sách. Tính chất công việc giống nhau, tính nết ba người cũng giống nhau nên ngay từ thời trẻ họ đã quyết tâm sau này lập gia đình rồi vẫn sống chung một nhà như thế. Nhưng họ đã không gặp may vì cô em út đối với hai anh trai thì đồng cảm, còn đối với hai chị dâu lại... ác cảm.

Anh V. nói: “Chúng tôi luôn cần sự yên tĩnh để làm việc, nhưng vợ tôi không để ý. Cả em dâu cũng thế. Hai người đó làm việc gì, nói câu gì cũng rổn rảng oang oang. Vợ mình thì mình ráng chịu, chứ người khác sao chịu nổi. Ban đầu nó (ý chỉ em gái - NV) còn góp ý, thấy không ăn thua thì nói nặng lời, rồi mấy “bà” kia cãi lại, bảo trong nhà lúc nào cũng im ỉm người ta tưởng mới có... đám ma (?!). Xích mích suốt ngày”.

Xưa có, nay còn

Xung đột giữa chị dâu - em chồng mà các vở cải lương hay thể hiện, như chuyện em chồng lén cắt rách quần áo khi chị dâu đem giặt, hay lén bỏ muối thật mặn vào nồi canh chị dâu đang nấu, bịa chuyện chị dâu ngoại tình... đã dựng nên hình ảnh những cô em chồng thật tai ác, vừa bồng bột ích kỷ vừa thiếu tình người. Đó là thời điểm mà bình đẳng còn là một khái niệm hết sức xa xôi, cho nên “phận làm dâu” là một cụm từ không sởn tóc gáy thì cũng thật buồn.

Còn ở thời hiện đại, khi sự bình đẳng được mọi người chú trọng, thì những xung đột kịch liệt khó cứu vãn như trên đã “vắng bóng” rất nhiều. Tuy nhiên, cũng còn những “biến tướng” của nó đang hiện diện trong một góc phố, vùng quê nào đó. Điều rất khác là chị dâu thời nay phần lớn có công ăn việc làm, có thu nhập riêng - chứ không phải “phận sáo sang sông” như thời trước. Những cô em chồng khó bắt nạt được chị dâu, vì chị đâu có “ăn bám” nhà mình! Do vậy, nếu trước kia là ức hiếp “một chiều” thì nay “bình đẳng” hơn: cãi tay đôi. Và nếu chẳng may “cuộc chiến” nổ ra, người đàn ông xui xẻo - một bên vợ một bên em gái - rất có thể là người lãnh đủ.

Anh N.H, làm quản lý tại một khách sạn lớn, lắc đầu đau khổ: “Vợ và em gái tôi đều làm ngành du lịch. Khi giao tiếp bên ngoài, hai người đều hết sức kiên nhẫn, mềm mỏng, nhưng chẳng hiểu sao về nhà họ rất khoái cãi nhau. Ngày nào mà vợ không cằn nhằn, em gái không nhắn tin kể lể những chuyện tranh cãi lớn nhỏ giữa họ, thì tôi thấy mình “có phước” lớn lắm!”. Trút lên người anh chưa hả giận, hai người còn lần lượt kiếm cơ hội đi “méc” với mẹ. Mà mẹ anh lại là người hiền lành, thấy đứa này cũng phải đứa kia cũng đúng, nên chỉ biết khuyên các con “dĩ hòa vi quý” thì hơn. Kết quả là bà không được cảm ơn, còn bị nói lén là người... ba phải!

Tiểu Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.