'Chảy máu' dược liệu rừng: Phải chặn ngay

18/04/2016 14:03 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 17.4 đăng bài “Chảy máu” dược liệu rừng .

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 17.4 đăng bài “Chảy máu” dược liệu rừng.

Kho dược liệu tư thương thu mua ở làng Đắk Boi, TT.Đắk Glei - Ảnh: P.AKho dược liệu tư thương thu mua ở làng Đắk Boi, TT.Đắk Glei - Ảnh: P.A
Quá đau lòng
Nhìn hàng tấn dược liệu rừng quý giá bị khai thác tận diệt, bán cho Trung Quốc với giá rẻ mạt thiệt đau lòng vô cùng. Tại sao chuyện thương lái Trung Quốc vô VN thu mua hết cái này đến cái khác, phá hoại nền kinh tế và môi trường, nhiều nông dân bị dính bẫy…, đến nay nhiều người vẫn chưa tỉnh ngộ. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà tàn phá những cánh rừng hàng trăm, hàng ngàn năm mới có được thì quả là mù quáng. Người dân thiếu hiểu biết đã đành nhưng các thương lái lại tiếp tay cho tình trạng này thì thật đáng trách. Còn chính quyền địa phương ở đâu? Sao không có hành động gì để ngăn chặn tình trạng này?
Đặng Quốc Trung
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Đáng báo động
Việc người dân đổ xô vào rừng tìm, đào thậm chí chặt phá rừng để tận thu thảo dược như trái ươi, cây lông cu ly, cây máu chó… đem bán cho thương lái Trung Quốc đã và đang rất phổ biến, đến mức độ một bộ phận người dân xem đó là bình thường. Tình trạng này đã đến mức báo động cao, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì tài nguyên thiên nhiên của VN chẳng mấy chốc sẽ không còn gì. Chính quyền tại các địa phương một mặt cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên, một mặt cần phải có biện pháp mạnh, nghiêm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép.
Nguyễn Hữu Thi
(thinguyen72@gmail.com)
Không lẽ bất lực ?
Không lẽ chỉ vì các loại dược liệu kia không nằm trong danh mục cấm khai thác thì cứ vô tư để cho người dân muốn làm gì thì làm, tận diệt như vậy sao. Nếu địa phương có trách nhiệm thì phải báo cáo lên cấp trên ngay, tìm hướng giải quyết chứ không thể ngồi nhìn như vậy được. Cần có giải pháp chứ không thể để dược liệu chảy qua Trung Quốc với giá rẻ mạt như vậy. Điều quan trọng hơn là môi trường bị tàn phá mà không thể khôi phục được.
Nguyễn Ngọc Minh
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Phải xử lý nghiêm
Các loại dược liệu này rõ ràng là tài nguyên rừng, mà đã là tài nguyên thì cần phải được quản lý và bảo vệ, không thể để người dân tự tiện khai thác đến kiệt quệ như vậy được. Còn nhớ cách đây không lâu, tại tỉnh Gia Lai người dân đào được mấy cục đá cảnh là ngay lập tức bị cưỡng chế, xử phạt vì cho rằng đá cũng là tài nguyên, khoáng sản. Còn ở đây, việc khai thác dược liệu rừng ồ ạt, đến kiệt quệ thì lại cho rằng không thể xử lý thì thật ngược đời.
Vũ Thanh Khiêm
(TP.Nha Trang, Khánh Hòa)
Kiểm tra, xử lý nghiêm
Theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải xử lý những thương lái này. Cứ kiểm tra thường xuyên, nếu hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có giấy phép của kiểm lâm thì xử lý ngay, không thể để cho họ xuất ra nước ngoài dễ dàng vậy được. Bởi người dân vào rừng khai thác dược liệu đáng trách một thì thương lái đi gom hàng bán cho Trung Quốc càng đáng trách hơn.
Nguyễn Thái Thạnh
(Q.11, TP.HCM)
Nguyễn Ngọc Điền
Nếu chỉ khai thác thảo dược đơn lẻ với mục đích đem về làm thuốc chữa bệnh thì có thể châm chước được, đằng này họ khai thác ồ ạt, khai thác đến kiệt quệ với mục đích đem bán cho Trung Quốc thì chính quyền không thể làm ngơ được.
Nguyễn Ngọc Điền
 (Q.7, TP.HCM)
Nguyễn Ngân Hà
Nếu không có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thì chắc không lâu nữa đâu, đất nước ta không còn tài nguyên gì nữa. Rồi chúng ta sẽ ăn nói ra sao với con cháu mai sau.
Nguyễn Ngân Hà
 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
T.T - Hải Nam
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.