'Chánh niệm' ẩm thực của diva Thanh Lam

10/03/2019 12:25 GMT+7

“Ồ, hay nhỉ! Đĩa bánh phở cũng được xếp như những phím đàn piano!”. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt không giấu nổi ngạc nhiên trước món phở tại Lam’s Cuisine của diva Thanh Lam. Với cô, tình yêu là “chánh niệm” ẩm thực.

Người phục vụ bê ra một tô đá trên phiến gỗ, đặt trước mặt nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Sau đó, từng đĩa khác cũng lần lượt được xếp xung quanh. Một đĩa tròn sắp vài lá húng, hành xanh trắng, quả ớt và miếng chanh. Đĩa thịt với năm hàng thịt tái, chín, gầu, nạc đủ cả. Vân mỡ trải đều trên từng miếng thịt tái, nhìn nghiêng tưởng như miếng salami. Cuối cùng, đĩa bánh phở tươi trắng ngần. Người phục vụ, đứng phía sau, tay trái đỡ cổ tay phải, nhẹ nhàng rót nước phở từ một ấm sành lớn. Nước phở đổ vào bát đá nung nóng sẵn, kêu xèo xèo vài tiếng, rồi liu riu sủi tăm, lại đưa không gian về tĩnh tại.
Tại Lam’s Cuisine trên phố Khúc Hạo (Hà Nội), nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và người đàn bà hát Thanh Lam cùng trò chuyện về đam mê bếp, về những dại khờ đàn bà trong cuộc sống của cô.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: Tôi quen Lam đã lâu, cũng đã ăn đồ Lam nấu không ít. Lần nào cũng hết sức ấn tượng, dù món có đơn sơ giản dị hay cầu kì phức tạp. Tôi chỉ muốn hỏi, giữa bao nhiêu đam mê phụ nữ của Lam, tình yêu cho ẩm thực được cô xếp thứ mấy?
Nói để xếp thứ thì rất khó. Với Lam, bản thân tình yêu phải là khởi nguyên cho tất thảy. Tình yêu cha mẹ, quê hương vốn ai cũng có. Sau này, lớn lên, Lam biết thêm tình yêu trai gái, và chín chắn hơn nữa, là tình mẫu tử. Thế mà, tình yêu đâu có giới hạn gì! Ngay từ ca hát đến ẩm thực, cái gì cũng phải từ ăm ắp tình yêu, mà nói ngắn gọn chính là cảm xúc sống, là sự dành trọn vẹn tinh thần trong từng việc mình làm. Đạo Phật gọi đây là “Chánh niệm”, làm gì cũng toàn tâm toàn ý với nó, phải có cảm xúc sống trong từng việc nhỏ nhất!
Nghĩ ý tưởng, mua nguyên liệu, chế biến, rồi thực khách thưởng thức. Lam thăng hoa nhất, hạnh phúc nhất khi nào?
Nếu được chọn thì Lam xin được hạnh phúc nhất khi người ta thưởng thức món ăn của mình. Mình thì ăn uống cũng đơn giản thôi, nhưng cảm giác khi người mình yêu thương trân trọng những món mình nấu, nó vô ngần lắm. Nhìn mấy đứa trẻ trong nhà, mắt sáng rực lên trước mỗi món mình dọn ra là lại vui! Mà, thỉnh thoảng cũng có bữa… không ngon. Lúc đấy, bọn nhóc lại huých vai nhau, thì thầm nói: “Mẹ nấu đấy, ăn đi!”. Nghe vừa cảm động vừa “sướng”.
Tình yêu nấu ăn trong mình, làm sao Lam “nghiệm” ra được?
Hôm trước, Lam có xem phim "Chú chuột đầu bếp" với con. Có đoạn cuối phim, nhà phê bình vốn hằn học dữ tợn, ăn được món rau xào vô cùng bình dân, thì bao ký ức lại ùa về. Về người mẹ, về những món ăn giản dị ngày xưa. Lam nghĩ, chuyện của mình cũng từa tựa như vậy.
"Lam muốn, như mình đây, người nấu người ăn mà vẫn thong dong thử thả nói chuyện, mọi thứ nó từ tốn, chậm rãi hơn thì đồ ăn cũng ngon hơn nữa..." Đinh Nguyễn
Hồi đấy, nhớ mãi, mẹ hay vội vàng làm món phở thịt lợn ăn sáng. Cũng chẳng cầu kì gì, chỉ là thịt tươi xào xào qua, chần cùng phở. Ấy thế mà nó vẫn ngon thế! Bây giờ cũng thế, Tết vừa qua, nhà có gì nấu đấy, xào chút tép khô với giò thôi mà hương vị vẫn rất đậm đà, ăn uống rất đầm ấm.
Chẳng cần sơn hào hải vị gì, mà chỉ cần mình dành trọn tình cảm cho nhau, ăn uống sao cho trọn vẹn từng khoảnh khắc, thì món ăn cũng ngon hơn bội phần. Bổn phận của người nấu, do đó, là phải nấu một món ăn với trọn vẹn 100% tình yêu thương và cảm xúc sống. Món ăn cũng phải đưa ra trong một không gian hoàn hảo, từ không gian “vật lý” tới “tâm lý”, tinh thần thực khách cũng toàn tâm toàn ý tận hưởng, thì món ăn mới ngon đến độ “thi vị” được!
Đĩa bánh phở của Lam cũng được xếp như những phím đàn piano!
Cả âm nhạc và ăn uống đều là nghệ thuật cả, sao mình không kết hợp nó với nhau (cười).
Tôi rất thích ý của Lam về việc ngay cả thực khách cũng cần trân quý món ăn như người nấu. Trước đây, Tản Đà có câu, “Thức ăn ngon, người ăn không ngon, không ngon! Thức ăn không ngon, người ăn ngon, ngon!”.
Vâng. Như món phở này này, người ăn cũng góp phần vào nấu. Làm như thế, thì người ăn mới càng thêm trân trọng món ăn mà thưởng thức được trọn vẹn hơn. Lam muốn, như mình đây, người nấu người ăn mà vẫn thong dong thử thả nói chuyện, mọi thứ nó từ tốn, chậm rãi hơn thì đồ ăn cũng ngon hơn nữa. Ở Việt Nam, người phụ nữ thường đứng bếp, mà người đứng bếp cũng tự dưng thành người phục vụ, lúc nào cũng phải vội vàng tất bật, cuối cùng nhiều khi chỉ ăn được đồ cuối nồi, đồ thừa trên bàn. Theo Lam, đấy là một tập tục không hay.
Nhiều khi, mình cũng cố gắng cẩn thận nấu ăn, mà mang ra bàn, thì mỗi người lại một cái điện thoại hay xem phim, nhìn cũng vừa tủi thân vừa nản chí. Thế thì làm sao còn tâm sức mà phục vụ chu toàn được!
Thế nên, ở quán Lam, cái Lam muốn bán là bán một gói trải nghiệm. Ăn uống cho no, cho bổ thì đã đành một nhẽ, nhưng ăn uống ở quán Lam, người ta cũng được trải nghiệm cảm giác an bài, ấm cúng. Không phải đồ ăn nữa, mà là một gói dịch vụ, mà trong đó, đồ ăn chỉ là một nhân tố. Các nhân tố khác, còn phải kể đến phong vị, âm nhạc, không gian, cung cách phục vụ…. Thế nên, Lam’s Cuisine hướng tới những người yêu thương nhau, yêu thương một món quà ngon, một trải nghiệm tròn đầy.
Lam làm gì cũng vừa nữ tính dịu dàng vừa mạnh mẽ từng trải. Có mấy ông họa sĩ còn bảo, may mà Thanh Lam chọn hát, chứ Lam mà chọn vẽ, thì tụi mình cũng phải long đong. Có giây phút nào Lam thấy ân hận vì mình là… đàn bà?
Theo đạo Phật, ai tu chưa đủ mới phải đầu thai làm phụ nữ, còn đủ phước báu thì được làm đàn ông. Cho dù có giỏi thế nào, việc sinh ra là phụ nữ đã là điều phải chịu hệ luỵ, từ thường nhật tới chuyện mang nặng đẻ đau… Bản thân Lam cũng trải nhiều cơ duyên, Lam thấy rằng, làm người phụ nữ, nếu hiểu biết thì đơn giản hơn làm người đàn ông rất nhiều!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.