Chàng trai cụt chân 'đốn tim' cô nữ sinh bằng vọng cổ 'Anh khổ nhiều rồi'

25/10/2016 15:32 GMT+7

Cô nữ sinh xinh đẹp về nhà chồng với anh chàng khuyết tật hai chân, khó khăn bộn bề khiến mẹ và bà khóc hết nước mắt. Thế nhưng cuộc hôn nhân của họ chưa bao giờ khiếm khuyết và vẫn vẹn tròn sau hơn 40 năm.

Có với nhau 2 mặt con, 2 cháu nội và 2 cháu ngoại, sau hơn 40 năm chung sống, ông bà Trần Thị Thu Vân và Nguyễn Văn Quang mới biết đến đám cưới. Hai vợ chồng đã bước qua tuổi 60, thế nhưng, họ vẫn gọi nhau là anh – em rất tình và xưng “cô ấy”, “anh ấy” đầy trìu mến khi kể về nhau.
Tỏ tình bằng câu vọng cổ
“Ngày rước dâu là em chồng tui đi rước. Sau khi tui và anh ấy đã thành vợ chồng rồi tui mới dẫn anh ấy về nhà ra mắt. Lúc đó, mẹ và bà nội tui chỉ biết khóc. Bà nội tui giận tui hơn một tháng. Dần dà, thấy tui thương anh ấy, anh ấy thương vợ, chịu khó mần ăn, sau nhà tui ai cũng thương ảnh”, bà Vân tâm sự.
VIDEO: Hai ông bà hạnh phúc sau bao năm mạnh dạn đến bên nhau
Còn với ông Quang, ông vẫn vừa háo hức, vừa lúng túng như chàng trai tuổi thanh niên khi nói về người bạn gái thời ấy.
Bà Vân và ông Quang quen nhau từ thời đi học. Khi đó, cô ấy là bạn thân của em gái “anh ấy” nên hay đến nhà chàng chơi. Ban đầu, cả hai chỉ là bạn bè bình thường và dần dần cảm mếm nhau.
Tuy nhiên, chưa ai ngỏ lời thì chàng nhập ngũ, vào quân đội 2 năm, rồi tui bị thương cụt hai chân và xuất ngũ.
Cặp vợ chồng già rất tình - Ảnh: Độc Lập
“Hai nhà cách nhau khoảng 2km, mà tuần nào cô ấy cũng đến thăm tôi hai lần. Cô ấy quan tâm, chăm sóc tôi. Bà nội tôi nói: “Thấy con Vân có tình cảm với mày. Nó thương mày đó. Mày có tình cảm với nó thì tìm cách ngỏ lời đi”, ông Quang kể lại mà cảm xúc nghe chừng vẫn còn hồi hộp như thuở nào.

Từ đó tới giờ, tui chưa bao giờ nuối tiếc hay thấy thiệt thòi về quyết định của mình. Tui luôn hãnh diện về chồng mình. Anh ấy có thể khuyết tật nhưng có lẽ không có ai thương tui hơn anh ấy. Anh ấy lúc nào cũng thương vợ, thương con, có thể chịu thiệt về phần mình để dành cho vợ con.

bà Thu Vân

Hỏi ông có nhớ lúc tỏ tình với cô Vân không? Ông cười, nhớ chứ sao không. “Mình cũng suy nghĩ lắm mới dám ngỏ lời. Hôm đó, buổi tối cô ấy ở lại nhà tui chơi. Tui mới rủ cô ấy ra ngoài. Mình cũng chân thật, có sao nói vậy thôi. Vân à, anh nói thật với em là cuộc đời anh khổ nhiều rồi. Giờ có khổ thêm cũng không sao. Em cứ nói thật với anh đi, em có đồng ý làm vợ anh không?”, ông Quang kể lại chuyện tỏ tình hơn 40 năm trước.
“Ảnh không nói không đâu mà ảnh ca. Ảnh rất giỏi ca vọng cổ và còn hay sáng tác nhạc tặng tui. Hôm ấy, ảnh ca bản “anh khổ nhiều rồi” đó để tỏ tình với tui. Nghe sao không thương cho được”, bà Vân xúc động và bẽn lẽn kể.
Từ tình cảm thương yêu “anh ấy” vì anh ấy chín chắn, bộc trực, nói đâu làm đó. Rồi đến sự chân thành khi thổ lộ tình cảm. Vậy là cô thiếu nữ xinh đẹp ngày ấy đã đồng ý lấy anh chàng khuyết tật làm chồng. Thời kỳ khó khăn, cả hai không có điều kiện làm đám cưới, chỉ làm mâm lễ, ra mắt hai bên gia đình, người lớn. Thế mà, vợ chồng họ đã bền chặt 40 năm nay.
Bí quyết đi đến "đám cưới vàng" 
Cuộc sống vợ chồng qua 40 năm trải qua không ít khó khăn. Trong đó, “khó khăn lớn nhất là mưu sinh”, ông Quang nói.
Ông làm từ nghề thợ hàn, đến làm nón, rồi giờ là bán vé số. Còn bà tần tảo buôn gánh bán bưng. Đặc biệt, ông vừa trải qua hai năm chữa bệnh gan. Gia đình phải bán nhà để điều trị. Giờ hai vợ chồng phải ở nhà thuê ở quận Gò Vấp. Thế nhưng, ngôi nhà không vì thế mà thiếu đi sự đầm ấm.
Bà Vân "nâng khăn sửa túi" cho ông Quang từng li từng tí - Ảnh: Lê Nam
“Từ đó tới giờ, tui chưa bao giờ nuối tiếc hay thấy thiệt thòi về quyết định của mình. Tui luôn hãnh diện về chồng mình. Anh ấy có thể khuyết tật nhưng có lẽ không có ai thương tui hơn anh ấy. Anh ấy lúc nào cũng thương vợ, thương con, có thể chịu thiệt về phần mình để dành cho vợ con”, bà Vân xúc động.
Còn với người đàn ông 60 tuổi này thì vợ chính là “hậu phương” vững chắc nhất. “Cô ấy làm tui tự tin, không mặc cảm từ ngay trong cách cô ấy quan tâm, chăm sóc, đối xử với tui. Bươn chải, gánh nuôi cả gia đình nhưng tui không thấy nó nặng vì đi ra ngoài có thế nào thì khi về nhà mình cũng thấy bình yên. Không ai hiểu tui như cô ấy và đặc biệt không ai nấu ăn ngon như cô ấy”, ông Quang chia sẻ.
Nhìn cách cả hai quan tâm, chăm sóc nhau, trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ rất nhỏ, người đối diện dễ dàng cảm thấy “để được vậy, cả hai cô chú phải yêu nhau nhiều lắm”.
Chia sẻ niềm hạnh phúc sau đám cưới với cháu nội - Ảnh: Nguyên Mi 
Đã là hôn nhân, thì không phải lúc nào cũng yên ả. Chuyện vợ, chuyện chồng, sẽ có những lúc lời qua tiếng lại. Thế nhưng, hàng xóm, người thân chưa ai thấy hai vợ chồng to tiếng, gây chuyện ồn ào. Bởi lẽ, cả hai đều tôn trọng một điều “xấu chồng thì xấu vợ” và ngược lại.
“Đã là người thì ai cũng phạm lỗi lầm. Đã là vợ chồng, tức có tình cảm, tình thương với nhau rồi thì phải cố gắng nhường nhịn nhau. Còn có cả con cái nữa thì chính con cái là sợi dây nối kết tình cảm”, ông Quang chia sẻ bí quyết “giữ lửa” gia đình.
Bà Vân nâng niu tấm hình cưới - Ảnh: Nguyên Mi
Với tâm niệm, “quan trọng nhất là bản thân mình phải biết kiềm. Cố gắng không bao giờ để to tiếng dù rất giận”, hai vợ chồng ông bà đã giữ mái nhà luôn đầm ấm.
“Mỗi lần vợ chồng tui có chuyện gúc mắc, thấy nói vài ba câu mà lớn tiếng là tự động một người im ngay, đi ra ngoài. Tui sẽ đi đâu đó cho nguôi giận thì về. Khi đó, người kia cũng nguôi. Và cả hai cũng có thời gian tự kiểm mình đúng sai thế nào. Về nhà là hòa”, ông Quang nói.
Chỉ với sự chân thành và bí quyết đơn giản thế thôi mà cặp vợ chồng ấy đã nắm tay nhau đi gần trọn cuộc đời. Sống với nhau 40 năm mới cưới. Để đến khi cùng nhau mặc áo cưới, trao nhau nhẫn, rót rượu cham-panh, cắt bánh kem trong đám cưới tập thể cùng 59 cặp đôi khuyết tật khác vừa qua, đó cũng là đám cưới vàng của cặp vợ chồng lớn tuổi nhất này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.