Cha mẹ làm gì khi đối diện với cái chết của con trẻ?

05/05/2016 12:12 GMT+7

Buổi tối tôi đến đám tang một người chết trẻ. Cháu là bạn học cấp 2 của con tôi.

Cháu mất vì căn bệnh ung thư khi vừa qua 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của đời người. Thật tiếc khi cháu dang dở biết bao dự định và mơ ước, dang dở kỳ thi đại học.
Cha mẹ đều là bác sĩ. Nhưng vì căn bệnh của cháu không có triệu chứng rõ rệt. Tới khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn cuối cùng. Thành thử chỉ còn cách điều trị theo kiểu “còn nước còn tát” và cầu mong vào may mắn .
Trong suốt thời gian từ lúc phát hiện tới khi cháu mất, 8 tháng ròng rã, cha mẹ cháu nghỉ việc và quanh quẩn trông nom con. Những tiến triển của bệnh tật và kết quả điều trị không mấy khả quan, hơn ai hết, cha mẹ cháu hiểu rất rõ. Tuy nhiên anh chị vẫn gắng làm những gì tốt nhất.
Biết cháu yêu thích âm nhạc, biết chơi đàn guitar và hát khá hay, cha cháu bàn với con sẽ mở một câu lạc bộ âm nhạc. Rồi gia đình gom góp tiền bạc, bán căn nhà cũ trong hẻm và chọn mua một căn nhà gần đường mở quán cà phê nhỏ. Có quán, cháu lập ra câu lạc bộ, nghĩ ra nhiều hình thức sinh hoạt lành mạnh. Còn bạn bè cháu ngày nào cũng ghé chơi, tâm tình, trò chuyện và đàn hát vui vẻ.
Tuy rằng không phải ngày nào cũng dễ dàng, bởi có những thời gian cách quãng cháu phải vào bệnh viện phẫu thuật, điều trị, chịu nhiều đau đớn và đi lại khó khăn.
Tuy nhiên, khi về nhà, gượng lại được, cháu lại cùng các bạn đánh đàn, ca hát, nghe nhạc… Cứ như vậy, những ngày tháng cuối đời của cháu trôi qua dường như dễ dàng và có ích hơn…
Cho tới ngày cuối cùng…, cháu ra đi trong vòng tay của những người thân yêu. Và cha mẹ làm đám tang cho con ngay giữa căn phòng vốn là câu lạc bộ âm nhạc của cháu với thày cô, bạn bè và họ hàng.
Tuy rằng ai cũng thương tiếc cháu, một chàng trai hiền lành, vui vẻ , yêu âm nhạc. Nhưng ngay trong đám tang, mọi người đều cảm nhận được cháu đã sống một cuộc sống tốt đẹp cho đến giây cuối cùng.
Và ai biết chuyện cũng đều cảm phục cha mẹ cháu. Anh chị là những con người đầy can đảm và nghị lực, nén lòng vượt qua nỗi đau để đối diện với cái chết đang đến gần của con và giúp cháu đón nhận điều đó dễ dàng hơn trong niềm say mê với âm nhạc và tình yêu thương của mọi người.
Thật không dễ gì để đối diện với nỗi đau đớn hay mất mát tột cùng khi người đầu bạc phải đưa tiễn kẻ đầu xanh… Bởi chỉ có ai đã làm cha mẹ bỏ công bỏ của ra nuôi con 18 năm ròng mới cảm nhận được nỗi đau thương ấy.
Hãy nhìn sự việc theo ý nghĩa khác
Nhưng ở đời “trời kêu ai nấy dạ”. Chuyện sống chết còn là số phận. Có thể sự chăm sóc của cha mẹ dành cho cháu từ khi mắc bệnh đến lúc lâm chung với thái độ bình tĩnh và sáng suốt ấy sẽ làm nỗi đau thương của những người ở lại vơi nhẹ hơn.
Nói như một người thân của tôi cũng là một người cha mất con năm 23 tuổi vì tai nạn giao thông là hãy nhìn vào sự việc theo một ý nghĩa khác.
Ông nói: “Ban đầu tôi rất đã đau đớn vì mất đi đứa con trai độc nhất. Thậm chí tôi muốn quyên sinh để cha con cùng có nhau . Nhưng rồi tôi nghĩ đến gia đình còn lại mà vượt qua được tất cả. Và rồi một ngày kia tôi thấy tự hào. Bởi tôi đã cùng sống với con suốt 23 năm rất đẹp. Chúng tôi vừa là bạn, vừa là cha con, luôn bên nhau trong mọi vui buồn, hòa hợp và đồng cảm. Như vậy là quý hóa lắm. Bởi biết bao nhiêu gia đình cha con xung khắc, hay con bất hiếu, cha bỏ con từ thuở lọt lòng… ”.
Đang ngồi làm việc thì thấy ô chat trên FB của con sáng đèn. Nhìn đồng hồ thấy giờ này mới 4 giờ sáng bên Mỹ, tôi giật mình. Bởi ngày mai, con tôi phải thi mấy môn quan trọng để  kết thúc năm lớp 12. Hỏi con thì cháu nói: "Con không ngủ được, các bạn trong lớp vừa báo tin bạn T cùng lớp hồi cấp 2 mới mất vì ung thư".
Tôi lặng người đi một lúc vì hung tin. Cháu T bằng tuổi con tôi, vừa tròn 18. Sao tự dưng lại vậy? Nhưng rồi tôi đành lựa lời khuyên con bình tĩnh, chớ quá đau buồn sẽ ảnh hưởng tới kỳ thi. Tôi sẽ tới viếng bạn T ngay tối nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.