Cay nồng vị mứt gừng quê

28/01/2019 20:08 GMT+7

Vào những ngày giáp tết lạnh giá, đi quanh xóm làng đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm của gừng. Ở quê tôi mứt gừng không chỉ xuất hiện vào những ngày tết, mọi người đã nhâm nhi nó từ cả tháng trước tết cho ấm bụng.

Mẹ tôi đã mất được 4 năm, năm nào chị gái cũng thay mẹ làm những mẻ mứt gừng đón tết. Để làm được một mẻ mứt gừng truyền thống cũng khá đơn giản, nhưng lại cần sự khéo tay và kinh nghiệm.
Gừng chọn làm mứt là những củ gừng thẻ già, củ nhỏ, chắc và rất cay, sau khi rửa sạch phải dùng dao cạo vỏ. Tôi hỏi “làm nhiều vậy gọt vỏ bao giờ mới xong”, chị bảo “nếu không gọt vỏ mứt sẽ không trắng”. Trắng ở quê tôi là nhờ sự kỳ công chứ không sử dụng hóa chất tẩy.
Sau khi sơ chế, gừng được đem đi bào bằng tay. Cái máy bào được gắn sẵn trên một chiếc ghế, người ngồi trên ghế mang bao tay dày và bào từng củ gừng. Gừng cắt lá, đem ngâm nước cho bớt cay, rồi vớt ra rổ, để ráo nước. Tiếp đến, cho gừng vào thau cùng đường cát trắng và vắt thêm nửa quả chanh, ướp gừng trong 2 - 3 tiếng cho đường tan ra rồi đưa lên bếp sên.
Sên mứt là công đoạn gian nan nhất. Để giữ được vị ngon truyền thống, người ta phải sên mứt trên bếp củi, một tay điều chỉnh ngọn lửa, tay còn lại đảo mứt.
Lúc gừng mới bắc lên bếp, không cần đảo nhiều, đến lúc mứt sắp ráo thì đôi tay cần hoạt động luân phiên. Mứt đảo đều đến khi phấn trắng của đường bám quanh thành nồi cũng là lúc mứt được sên xong.
Rất nhanh chóng mẻ mứt được đổ ra trên 1 tờ giấy lớn, bốn năm người chụm lại nhanh tay “bắt mứt” để miếng gừng không dính vào nhau, lát gừng trải đều, đẹp mắt. Để khoảng 30 phút cho mứt ráo nguội rồi đóng bịch.
Chị nói: “Mứt gừng là phải cay, bây giờ người ta làm mứt gừng ngâm đủ thứ để át bớt vị cay, vậy còn đâu hương vị gừng?”.
Tôi đặt gói mứt đầu tay chị vừa làm xong lên bàn thờ thắp nhang cho mẹ. “Mẹ à, trời gió lạnh, mẹ ăn miếng mứt cho ấm bụng mẹ nha, một cái tết nữa sắp đến rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.