Câu chuyện chất độc da cam Việt Nam qua ống kính phóng viên quốc tế

08/05/2015 08:49 GMT+7

(TNO) Dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam, phóng viên ảnh Damir Sagolj (hãng tin Reuters) đã tìm đến Việt Nam để kể lại câu chuyện 'hậu chiến tranh' - chất độc màu da cam.

(TNO) Dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam, phóng viên ảnh Damir Sagolj (hãng tin Reuters) đã tìm đến Việt Nam để kể lại câu chuyện 'hậu chiến tranh' - chất độc màu da cam.

Thi hài của những em bé bị nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh: Reuters
Mở đầu loạt phóng sự ảnh, phóng viên Damir Sagolj cho biết ông vẫn quyết định tác nghiệp về đề tài chất độc màu da cam Việt Nam mặc dù đây là một vấn đề đã cũ. Ông lý giải, không cần biết câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần, tôi dấn thân vào thực hiện như lần đầu tiên biết đến nó và là người duy nhất chứng kiến nó.
Ông đã cùng một đồng nghiệp người Việt đi khắp Việt Nam, hơn 1.500 km từ Bắc đến Nam để tìm gặp những nạn nhân nhiễm chất độc khủng khiếp này, dưới sự giúp đỡ của Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).
"Nhưng tôi không chỉ muốn chú trọng vào nạn nhân, tôi muốn kể câu chuyện về những người thân xung quanh họ", Damir Sagolj chia sẻ.
Hình ảnh một đứa bé không có đôi mắt - Ảnh: Reuters
Ông Nguyen Hong Phuc, một cựu chiến binh 63 tuổi, và con trai bị nhiễm chất độc da cam, anh Nguyen Dinh Loc, 20 tuổi - Ảnh: Reuters
Cựu chiến binh, ông Le Van Dan cho biết hai người cháu bị dị dạng bẩm sinh do chất độc da cam. Hai cháu được nhận trợ cấp sữa từ các quỹ bảo trợ của chính phủ - Ảnh: Reuters
Ông Damir Sagolj tiếp: "Câu chuyện về chị Doan Thi Hong Gam, ở tỉnh Thái Bình đã ám ảnh tôi. Đây là một tấm hình có sức tác động lớn trong sự nghiệp cầm máy. Chị nằm dưới nền nhà dơ và lạnh, trùm kín mền. Người ta nói chị Gam có vấn đề thần kinh từ năm 16 tuổi. Trong khi đó, ba của chị, cũng là một cựu chiến binh, nằm co ro ở căn phòng bên cạnh, ốm yếu và bị nhiễm chất độc quái ác này trong thời kỳ còn đi lính".
Chị Doan Thi Hong Gam bị cách ly khỏi cộng đồng vì có vấn đề thần kinh - Ảnh: Reuters
Tại một nơi khác, cựu binh Do Duc Dinh đã dẫn tôi đến nghĩa trang của những em bé chết do chất độc dioxin. Ông ấy nói rằng những khoảng còn trống của khu nghĩa trang sẽ là nơi yên nghỉ cho các con ông, cũng trong hoàn cảnh như các nạn nhân xấu số ở đây, ông Damir Sagolj kể.
Cựu binh Do Duc Dinh bên khu nghĩa trang của trẻ em chết vì dioxin - Ảnh: Reuters
Anh Lai Van Manh, bị nhiễm chất độc da cam, tổn thương về thể chất, lần tinh thần - Ảnh: Reuters
Một cặp vợ chồng trẻ ở Đà Nẵng có 2 người con bị nhiễm chất độc da cam. Người con gái 15 tuổi đã chết và con trai 7 tuổi, hiện gia đình đang phải chật vật chạy chữa. Cả hai vợ chồng nghèo sống trong vùng có chất độc dioxin nhưng không hề hay biết, người chồng đã đi câu cá, bắt ốc và hái rau ở khu vực đó.
"Tôi chụp bức ảnh này khi theo chân gia đình đến bệnh viện truyền máu cho cậu bé" - Ảnh: Reuters
"Những bức ảnh này cho ta thấy được cuộc chiến tranh trong quá khứ đã ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào. Nhưng tôi lo ngại, không chỉ là hiện tại, mà đó còn ảnh hưởng đến tương lai", phóng viên Damir Sagolj chia sẻ. 
Theo VAVA, hiện nay có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc miền Trung và biên giới với Campuchia. Hàng triệu người và cả gia đình, người thân của họn đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc để lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.