Cậu bé sống giữa bãi rác và hành trình tìm mẹ cha khắp Sài Gòn

20/03/2016 07:02 GMT+7

Năm lên 7 tuổi, trong một lần đi chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cậu bé Nguyễn Thế Hoàng bị lạc cha mẹ tại đây. Từ đó, Hoàng lớn lên ở bãi rác rồi trôi nổi qua các khu chợ, gầm cầu…

Năm lên 7 tuổi, trong một lần đi chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cậu bé Nguyễn Thế Hoàng bị lạc cha mẹ tại đây. Từ đó, Hoàng lớn lên ở bãi rác rồi trôi nổi qua các khu chợ, gầm cầu…

Nguyễn Thế Hoàng tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Như LịchNguyễn Thế Hoàng tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Trẻ bụi đời bãi rác
“Trước khi em bị lạc, ngày nào ba mẹ cũng dặn em nhớ tên, tuổi của mình và tên ba mẹ như sau: Mốt ai hỏi con thì nhớ con tên là Nguyễn Thế Hoàng, 7 tuổi; cha tên Tài, mẹ tên Trang”, Hoàng nhớ lại.
Hoàng kể tiếp: “Mùa Vu Lan năm 2002, ba mẹ chở em đi chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Khi ba mẹ thắp nhang trong sân chùa, em thấy một nhóm trẻ đang chơi vui quá nên nhập bọn. Tụi em chơi trốn tìm và rượt bắt trong chùa. Mãi đến chiều tối, em mới nhớ ra ba mẹ nhưng tìm không thấy đâu cả”.
VIDEO: Cậu bé Nguyễn Thế Hoàng với mong muốn tìm được cha mẹ
Sau khi bị lạc cha mẹ, Hoàng đành xin theo đám bạn mới quen. Đó là 5 đứa trẻ bụi đời sống bằng nghề lượm ve chai ở khu bãi rác Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) trước đây.
“Hơn một năm sau đó, em khóc suốt vì nhớ ba mẹ. Mấy đứa bạn dỗ hoài không được thì bực mình, tụi nó bỏ em đi làm, nhưng chiều nào cũng mua đồ ăn về cho em. Em bị cảm lạnh tụi nó cũng chăm sóc. Có đứa còn kể em hay ngủ mớ, la hét… Tụi em sống trong một cái lều cạnh bãi rác, ban đêm trải cái bao xuống nền và cùng nằm chen chúc giữa các đống ve chai. Dần dần các bạn dẫn em đi móc bọc, chỉ cho em cách phân loại phế liệu. Có tụi nó em cũng đỡ buồn và ít bị những đứa nhóm khác bắt nạt, đánh đập”, Hoàng tâm sự.
 Nguyễn Thế Hoàng dù là cậu bé bụi đời nhưng gương mặt rất thư sinh
Hoàng cho biết, trong thời gian đó, ban ngày em và nhóm bạn kiếm sống, đến chiều tối tranh thủ kéo nhau ra học tình thương ở gần chợ Tân Hiệp. Nhờ đó, Hoàng biết đọc, biết viết khá thạo.
Suốt 7 - 8 năm liền cắm mặt trong bãi rác, có những lúc cậu bé Hoàng tưởng chừng quãng đời trước đó sống cùng cha mẹ chỉ là chuyện cổ tích, là một giấc mơ.
Khi chính quyền giải tỏa, di dời bãi rác trên, cả nhóm dắt díu nhau về Cà Mau mưu sinh. Nhưng chỉ sau vài tháng, Hoàng một mình quày quả lên lại TP.HCM, với suy nghĩ: “Nơi đây mình bị lạc ba mẹ thì cũng hy vọng tìm được manh mối gì đó”.
Nguyễn Thế Hoàng tham gia lao động tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Như LịchNguyễn Thế Hoàng tham gia lao động tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
“Đi về nơi đâu tìm được mẹ yêu?”
Hơn một năm sau đó, em khóc suốt vì nhớ ba mẹ. Mấy đứa bạn dỗ hoài không được thì bực mình, tụi nó bỏ em đi làm, nhưng chiều nào cũng mua đồ ăn về cho em. Em bị cảm lạnh tụi nó cũng chăm sóc. Có đứa còn kể em hay ngủ mớ, la hét…
Nguyễn Thế Hoàng
15 tuổi, không giấy tờ tùy thân, không còn bạn bè bên cạnh, Nguyễn Thế Hoàng chật vật tìm kiếm việc làm. Một số người dân thương tình chỉ cho Hoàng làm bốc vác ở các chợ đầu mối và những chành xe (bãi xe trung chuyển hàng hóa).
Hoàng thổ lộ: “Hồi em mới tới làm trong một khu chợ ở quận 5, em bị đám thanh niên đánh bầm mình bầm mẩy. Em không chịu đi nơi khác thì bị đánh tiếp. May mà mấy chủ sạp chạy ra can, họ bảo em: ‘Mầy cứ ở đây sống, cứ nhịn tụi nó là đói dài dài đó!’.
Vài ngày sau, tụi nó tiếp tục gây sự thì các chú ra mặt bênh cho em”. Hoàng nhìn nhận: “Sống bụi đời thì va chạm, đánh nhau là không thể tránh được. Để sinh tồn, có khi em cũng phải hung dữ lên”. Hoàng cho hay, ở những khu chợ, nhiều người quen gọi Hoàng là “nhóc” hoặc “cô nhi”.
Buổi tối đi bốc vác, sáng ra Hoàng mắc chiếc võng ngủ dưới gầm xe, gầm cầu… Cứ làm được một thời gian, Hoàng lại gom ít tiền và nghỉ mấy ngày để đi tìm cha mẹ. Mới đầu Hoàng đi bộ, sau đi xe buýt. Suốt 5 năm qua, đôi chân của Hoàng lùng sục khắp các ngõ hẻm thành phố, nhất là ở những quận: 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, 3, 5, 8…
Trong hành trình đi tìm người thân, không ít lần Hoàng thấy tủi thân, tuyệt vọng. Hoàng bộc bạch: “Trong những lúc em xuống tinh thần, một số người đã động viên an ủi em hãy ráng sống thật tốt, cái gì đến sẽ đến. Những năm tháng sống bụi, em cố gắng tìm kiếm cái gì đó để thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng nhiều khi không có giấy tờ, muốn làm cái cũng khó”.

Cám dỗ nhiều lắm nhưng em từ chối. Cũng may những đứa bạn ở bãi rác mà em sống chung lúc nhỏ không vướng vào mấy thứ đó. Về sau, em được mấy bác lớn tuối kéo vào dặn dò hãy tránh xa cạm bẫy kẻo bị hại đời... Đến giờ em không biết và cũng không thích hút thuốc, nhậu nhẹt.

Nguyễn Thế Hoàng

Hoàng chia sẻ, từ khi thất lạc mẹ cha và sống lang thang, Hoàng từng bị nhiều người rủ rê chơi thử hàng trắng, hút chích và những tệ nạn khác.
Hoàng nói: “Cám dỗ nhiều lắm nhưng em từ chối. Cũng may những đứa bạn ở bãi rác mà em sống chung lúc nhỏ không vướng vào mấy thứ đó. Về sau, em được mấy bác lớn tuối kéo vào dặn dò hãy tránh xa cạm bẫy kẻo bị hại đời... Đến giờ em không biết và cũng không thích hút thuốc, nhậu nhẹt”.
Thay vào đó, Hoàng thường “giải sầu” bằng ca hát. Trong số những bài hát yêu thích, Hoàng nghĩ nhiều đến bài Mồ côi, bởi nó rất gần với tâm trạng và cảnh ngộ của Hoàng. Nói rồi, Hoàng cất tiếng hát da diết: “Từ lúc sinh ra con đâu biết phận mình - Họ hàng thấy đâu, đâu mái ấm gia đình... Ngày tháng trôi qua con khôn lớn nên người - Nhờ trời xót thương bao cay đắng vui buồn - Một mình sớm hôm xa xăm tiếng mẹ hiền - Lòng con tái tê bước chân ngập ngừng - Đi về nơi đâu tìm được mẹ yêu…”.
Chưa nguôi hy vọng
Buổi chiều giữa tháng 3.2016, chúng tôi gặp Nguyễn Thế Hoàng đang thoăn thoắt dán giấy, làm bìa sơ mi trong Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.HCM.
Ông Nguyễn Tấn Quang, cán bộ Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (bìa trái) chia sẻ về hoàn cảnh của Hoàng - Ảnh: Như LịchÔng Nguyễn Tấn Quang, cán bộ Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (bìa trái) chia sẻ về hoàn cảnh của Hoàng - Ảnh: Như Lịch
“Mấy tháng trước, tình cờ có người khuyên em nên đi qua Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM xin làm thanh niên tình nguyện, để sau này được cấp một cái giấy cho tiện làm việc, học nghề. Sáng hôm sau em đang trên đường đi đến nhà văn hóa thì bị mấy chú dân phòng kiểm tra hành chính. Em không có giấy tờ gì nên được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. Sau 28 ngày ở bên đó, em được đưa vào nơi đây”, Hoàng cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Quang, Phó phòng Quản lý đối tượng Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) xác nhận: Nguyễn Thế Hoàng được chuyển vào trung tâm này từ ngày 5.12.2015 đến nay.
Ông Quang nói: “Căn cứ vào nghị định số 49 của UBND TP.HCM, trung tâm tiến hành xác minh địa chỉ, người thân để cho Hoàng hồi gia. Thế nhưng, Hoàng không có địa chỉ, không có người thân, không có gì hết nên chúng tôi đã xin ý kiến của ban giám đốc để đăng vài thông tin cơ bản về Hoàng cùng một số em câm điếc khác lên mạng xã hội Facebook của chi đoàn trung tâm (Chidoan Hiệp Bình Chánh). Qua đó, chúng tôi mong muốn giúp cho các em sớm được đoàn tụ với gia đình mình”.
Theo ông Quang, ngoài việc tham gia làm những nghề thủ công, Hoàng còn thường xuyên giúp đỡ một số người khuyết tật nặng tại trung tâm như lau dọn chỗ ở, sắp xếp lại mền chiếu… cho họ.
Hoàng thẳng thắn bộc bạch: “Ở đây, em được ăn uống, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi. Em thấy mình còn sức lực mà nhiều khi ăn ở không như vậy nên cũng thấy kỳ kỳ. Em muốn được ra ngoài đời tự lao động kiếm sống và tiếp tục đi tìm cha mẹ của mình”.
Cha mẹ Hoàng có nhớ?
Mặc dù lăn lộn ngoài đời từ nhỏ và làm những nghề nặng nhọc để kiếm sống nhưng Nguyễn Thế Hoàng lại có gương mặt sáng, vóc dáng thư sinh.
Bàn tay trái của Hoàng khá đặc biệt: Không có “trái chanh” (khối cơ nhô lên dưới ngón tay cái); Các ngón tay bị cong và ngắn chỉ bằng 2/3 các ngón của bàn tay phải; móng tay bị biến dạng vảnh lên...
Ngoài ra, Hoàng có một vết sẹo dài khoảng 2cm dưới cằm. Theo lời Hoàng kể, hồi nhỏ Hoàng nằm võng bị té tét cằm, chảy máu. Gia đình phải đưa Hoàng vô trạm xá gần nhà băng bó.
Hoàng cho hay, khi bị thất lạc, Hoàng mặc áo thun, quần jean lửng. Trong ký ức của mình, Hoàng nhớ rằng người mẹ tên Trang có mũi cao, da trắng, còn người cha tên Tài có nước da hơi ngăm. Lúc đó, Hoàng là con một trong gia đình.
Những ông bố, bà mẹ nào có con bị lạc hay ai biết tông tích về trường hợp của Hoàng có thể cung cấp thông tin thêm cho báo Thanh Niên qua số Đường dây nóng: 0906.645.777.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.