Cần xóa bỏ định kiến với nghề giúp việc

26/01/2016 07:35 GMT+7

Định kiến của xã hội, mặc cảm về nghề là nguyên nhân chính khiến người lao động ít lựa chọn nghề này. Định kiến này lớn hơn cả sức hấp dẫn về sự ổn định và thu nhập mà nghề giúp việc nhà mang lại.

Định kiến của xã hội, mặc cảm về nghề là nguyên nhân chính khiến người lao động ít lựa chọn nghề này. Định kiến này lớn hơn cả sức hấp dẫn về sự ổn định và thu nhập mà nghề giúp việc nhà mang lại.

Nghề giúp việc nhà còn chịu nhiều định kiến - Ành: Đào Ngọc ThạchNghề giúp việc nhà còn chịu nhiều định kiến - Ành: Đào Ngọc Thạch
Nghề “ở đợ”?
Bà Phạm Ngọc Hiền, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, Hội LHPN TP.HCM, cho rằng cách nhìn nhận về nghề giúp việc nhà là nghề “ở đợ” vẫn còn tồn tại ở cả người sử dụng lao động và người lao động. Khi triển khai thành lập các ủy ban về nghề giúp việc nhà tại các quận, huyện để hỗ trợ người lao động, chính trung tâm cũng phải đổi tên gọi thành “Ủy ban dịch vụ gia đình”. Đáng mừng là đã có một số thay đổi nhỏ. Tại trung tâm đã từng tiếp nhận vài sinh viên đến xin làm việc này để kiếm thêm thu nhập và có trải nghiệm thực tế cuộc sống.
Giúp việc gia đình là một nghề chính thức
Theo bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012, lần đầu tiên giúp việc gia đình được công nhận là một nghề và được luật hóa. Ngày 7.4.2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Kèm theo đó là Thông tư số 19 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27. Trong đó, quy định chi tiết một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, lao động là người giúp việc gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi xảy ra tranh chấp với chủ sử dụng lao động...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết từng tiếp xúc với nhiều lao động nữ muốn tham gia làm nghề này nhưng cuối cùng lại từ bỏ để chuyển sang làm việc khác. Lý do chính là họ không vượt qua được mặc cảm xem nghề này là nghề “ở đợ”. Suy nghĩ người giúp việc nhà là người nghèo không còn phù hợp với xã hội hiện nay nữa. Vì thu nhập của những người làm nghề này còn cao hơn một số ngành nghề khác.
Ngay cả người đang làm công việc này vẫn còn những mặc cảm nhất định. Chị N., đang làm nghề giúp việc nhà tại khu Thảo Điền (Q.2), cho biết dù thu nhập khá tốt nhưng ít khi chia sẻ về công việc với người khác vì bản thân vẫn còn thấy mình làm nghề không được “cao sang”. Ngay cả con gái chị cũng không muốn cho bạn bè biết mẹ làm nghề gì.
Đây cũng là nguyên nhân mà Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng những năm vừa qua mở lớp đào tạo nghề giúp việc nhà không có học viên. Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết người lao động mặc cảm về nghề của mình nên không muốn đến lớp học để nâng cao tay nghề. Lý do khác nữa là họ không muốn công khai mình làm nghề giúp việc.
Dưới góc độ xã hội học, PGS-TS Nguyễn Lộc, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết điều này còn đến từ định hướng ngành nghề, giáo dục đào tạo có nhiều vấn đề. Cha mẹ nào cũng muốn con vào ĐH, học xong làm công việc đúng chuyên môn. Vì thế, sinh viên ra trường không dám làm việc này vì định kiến xã hội, sợ làm công việc không đúng ngành học. Ở VN thường gắn giá trị nghề nghiệp vào công việc, không xét riêng về bản chất công việc. Vì thế, nghề này phải đối diện với tâm lý e ngại của mọi người.
“Bao giờ nghề giúp việc nhà được chuyên môn hóa, được xem như một công việc bình thường, có khóa học, khóa huấn luyện chuyên nghiệp và rộng rãi, được đào tạo bài bản, coi như một công việc thì mới xóa bỏ được tâm lý mặc cảm của người lao động và định kiến của xã hội. Bối cảnh xã hội hiện tại còn có cả nhiều SV ĐH cất bằng cử nhân để đi làm công nhân nữa cơ mà!”, ông Lộc nói.
Chủ nhà cũng phải thay đổi
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM), cho rằng nguyên nhân của định kiến xã hội về nghề này là từ truyền thống, văn hóa từ ngày xưa. Đó là người giúp việc là người phải đi hầu hạ người khác. Nhưng thời đại bây giờ đã khác. Nói vui thì tiếp viên hàng không cũng là lo cơm nước cho người khác nhưng lại được đề cao, trong khi người giúp việc lại bị đánh giá thấp. Ngay cả ở quê hiện nay cũng không nhiều người muốn làm nghề này. Nhiều người đang đánh giá sai về ý nghĩa công việc.
“Cần đưa người giúp việc nhà về đúng vị trí, họ cần được tôn trọng và đánh giá cao. Vì không có họ thì trong gia đình con cái thiếu người chăm sóc, bữa ăn thiếu người nấu nướng, nhà cửa không được quét dọn… Chế độ làm việc của người giúp việc cũng cần được chăm sóc. Như trong nhà tôi, tôi mua cả BHYT cho người giúp việc, cuối năm cũng còn có cả tháng lương thứ 13. Người chủ phải trân trọng thì vị trí người lao động mới dần thay đổi được. Rất nhiều nhà trả lương rất cao nhưng mãi không thuê được người giúp việc vì chưa tôn trọng họ như một người lao động bình thường”, bà Thúy nói.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng còn một số nguyên nhân khác khiến nghề này bị “chê”, nhất là đối với giới trẻ. Đó là hiện nay hầu như người giúp việc nhà không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Họ cũng không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Gia chủ cũng chuộng người ngoài độ tuổi lao động vì vừa có kinh nghiệm nội trợ lại vừa có sự an toàn nhất định trong mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.