Cận cảnh Dinh Thượng Thư trong tranh cãi đập bỏ mở rộng trụ sở UBND TP.HCM

03/05/2018 09:40 GMT+7

Dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo trụ sở UBND TP.HCM có khả năng xóa bỏ dãy nhà cổ theo kiến trúc Pháp tại số 59 - 61 Lý Tự Trọng (Q.1) gây nhiều tranh cãi, vậy tòa nhà này có gì đặc biệt.

Vừa qua, TP.HCM đã ra đề án mở rộng, nâng cấp và cải tạo lại trụ sở UBND TP trên mặt bằng hiện hữu, có khả năng đập bỏ dãy nhà cổ theo lối kiến trúc thuộc địa Pháp, xây dựng năm 1860 tại số 59 - 61 Lý Tự Trọng, còn gọi Dinh Thượng Thư (hiện là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tài Nguyên - Môi Trường, P.Bến Nghé, Q.1).
VIDEO: Khám phá Dinh Thượng thư 158 năm tuổi đang có thể bị đập bỏ trong dự án mở rộng trụ sổ UBND TP.HCM
Khi đập bỏ, nơi đây sẽ được xây dựng lại tòa nhà mới kết nối với trụ sở UBND TP.HCM tạo thành trung tâm hành chính mới. Vấn đề này đã gây nên nhiều tranh cãi giữa các kiến trúc sư, nhà quy hoạch với một số sở - ngành, có nên giữ lại tòa nhà cổ như lưu giữ một phần văn hóa - lịch sử lâu đời của TP.
Tòa nhà Dinh Thượng Thư tại địa chỉ 59 - 61 Lý Tự Trọng vẫn giữ được kết cấu nguyên vẹn ẢNH: AN HUY
Các cánh cổng ra vào tòa nhà được thiết kế hình mái vòm ẢNH: AN HUY
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, tòa nhà Dinh Thượng Thư được đánh giá có lịch sử lâu đời thứ hai của TP (sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790 đang được bảo quản trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục Sài Gòn). Công trình xây dựng với một dãy nhà chính hướng mặt tiền ra đường Lý Tự Trọng và hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa.
Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà. Tuy nhiên, công trình này hiện không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao TP.HCM nên thành phố quyết định không bảo tồn.
Trải qua gần 160 năm kể từ thời điểm xây dựng, tòa nhà vẫn khá chắc chắn với các mảnh tường hoa văn thiết kế đẹp mắt ẢNH: AN HUY
Nếu xóa bỏ công trình cổ xưa Dinh Thượng Thư thì dự án xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM sẽ mở rộng hơn 18.000 m2, với diện tích xây dựng hơn 14.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi.

Công trình với tòa nhà 4 tầng hầm, 6 tầng nổi bao gồm các phân khu chức năng của nơi làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường, tham quan… Trung tâm điều hành “TP thông minh” sẽ được đặt tại đây, sát với trung tâm thông tin, thư viện để phục vụ công tác truy xuất dữ liệu dễ dàng.
Sảnh đón tiếp khách quan trọng của tòa nhà cũ (khối nhà 86 Lê Thánh Tôn được bảo tồn nghiêm ngặt) vẫn được giữ nguyên. Riêng dãy nhà phía sau và trụ sở các sở Nội vụ, GTVT, TT-TT, TN-MT sẽ được tháo dỡ để xây dựng mới, dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.
Tòa nhà vẫn giữ được phần mái ngói đỏ theo kiến trúc thuộc địa Pháp ẢNH: AN HUY
Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù trải qua thời gian dài gần 160 năm nhưng Dinh Thượng Thư vẫn giữ được kiến trúc gần như nguyên vẹn.
Cầu thang gỗ dẫn lên các tầng vẫn chắc chắn, không mục nát; hoa văn trang trí trên tường vẫn được giữ nguyên. Dàn cửa sắt cổng và cửa sổ của tòa nhà thiết kế tinh xảo không bị hoen rỉ theo thời gian. Tuy nhiên, một phần mái ngói đỏ của ngôi nhà đã bị thủng một số chỗ, chưa được khắc phục.
Tòa nhà được thiết kế theo hình chữ U hướng ra đường Lý Tự Trọng
Cửa sổ tòa nhà cũng được thiết kế dạng vòm, với khung sắt còn kiên cố ẢNH: AN HUY
Tòa nhà có khả năng sẽ được đập bỏ để xây dựng khu phức hợp trung tâm hành chính mới của UBND TP.HCM trong thời gian tới
Cầu thang gỗ dẫn lên các tầng của tòa nhà không bị mục nát
Sảnh hành lang bên trong các tầng của tòa nhà Dinh Thượng Thư ẢNH: AN HUY
Các nóc của tòa nhà đều có ô thông gió vào tòa nhà ẢNH: AN HUY
Đây là tòa nhà do người Pháp xây dựng năm 1860
Chóp cửa sắt cổng ra vào tòa nhà được thiết kế tinh xảo, đẹp mắt ẢNH: AN HUY
Việc tháo dỡ hay giữ lại tòa nhà Dinh Thượng Thư vẫn chưa có quyết định chính thức
Ô thông gió đẹp mắt trên phần đỉnh của mái tòa nhà ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Một phần hoa văn của tòa nhà
Phần trước của tòa nhà hiện tận dụng làm bãi đậu xe ô tô ẢNH: AN HUY
Tòa nhà Dinh Thượng Thư được xem là ngôi nhà cổ xưa thứ 2, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của Sài Gòn ẢNH: AN HUY
Phần mái ngói của tòa nhà bị thủng một số chỗ ẢNH: AN HUY
Khu vực tổng thể của trụ sở UBND TP.HCM và các tòa nhà xung quanh dọc trên đường Lê Thánh Tôn - Pasteur- Lý Tự Trọng - Đồng Khởi ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.