Cần bao nhiêu vắc xin Covid-19 để có miễn dịch cộng đồng?

18/06/2021 20:09 GMT+7

Việt Nam đã tiếp cận được khoảng 120 triệu liều vắc xin Covid-19, nhưng đến nay mới nhận được khoảng 2,8 triệu liều, hết tháng 7.2021 nhận thêm 5 triệu liều nữa, mới đủ cho khoảng 12% dân số có chỉ định tiêm ngừa.

Giải pháp sống còn

Thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 17.6, Việt Nam đã tiêm 1.991.059 liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là 89.833 người. Trong ngày 17.6 có thêm 200.263 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại 51 tỉnh, thành. Bộ Y tế cho biết đã tiếp cận được khoảng 120 triệu liều vắc xin Covid-19, nhưng hiện mới nhận được khoảng 2,8 triệu liều. Dự kiến hết tháng 7.2021, Bộ Y tế nhận thêm 5 triệu liều nữa nhưng mới đủ cho khoảng 12% dân số có chỉ định tiêm.
Con số trên rất khiêm tốn so với nhu cầu bởi theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, để tạo được miễn dịch cộng đồng, việc tiêm vắc xin Covid-19 cần phải đạt độ bao phủ từ 70% dân số trở lên. Đây cũng được xem là giải pháp sống còn để đẩy lùi dịch Covid-19. Giải thích về tỷ lệ này, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng trên 70% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Tiêm vắc xin Nanocovax thử nghiệm cho tình nguyện viên - Ảnh Huy Thăng

Tiêm vắc xin Nanocovax thử nghiệm cho tình nguyện viên

Ảnh Huy Thăng

Cũng theo bà Hồng, việc tiêm vắc xin bao phủ 70% dân số của cả nước hiện phụ thuộc nhiều vào tiến độ cung ứng vắc xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Trong trường hợp nguồn cung vắc xin dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế, bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia.
Đã có hàng ngàn người được lựa chọn đủ điều kiện tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn cuối cùng -Ảnh Huy Thăng

Đã có hàng ngàn người được lựa chọn đủ điều kiện tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn cuối cùng

Ảnh Huy Thăng

Chờ nguồn vắc xin nội

Tại “điểm nóng” TP.HCM, sau khi tiếp nhận trên 800.000 liều vắc xin Covid-19, TP.HCM hiện đang triển khai 'chiến dịch' tiêm chủng diện rộng. Ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng, như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; người trên 65 tuổi; công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất... Tuy nhiên, nhu cầu của đối tượng trên ước tính hơn 1 triệu người.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong chiến lược tiêm vắc xin hiện nay là phụ thuộc nhiều vào các nguồn từ bên ngoài. Mặc dù tiếp cận, đàm phán được nhưng thời hạn cung cấp lại không cam kết đảm bảo. Chưa kể chương trình COVAX cũng đang thiếu khoảng 200 triệu liều trong tháng 6 và tháng 7. Bài toán khó đặt ra cho Việt Nam là làm sao đẩy lùi dịch Covid-19 và đạt tác dụng tương đương như miễn dịch cộng đồng sớm nhất trong điều kiện thiếu vắc xin.
Công ty Nanogen đang nỗ lực ngày đêm để sớm đưa vắc xin Nano Covax vào sản xuất phục vụ người dân - Ảnh Huy Thăng

Công ty Nanogen đang nỗ lực ngày đêm để sớm đưa vắc xin Nano Covax vào sản xuất phục vụ người dân

Ảnh Huy Thăng

Có thể nói, một trong những giải pháp được kỳ vọng lớn hiện nay là các vắc xin nội đang có những bước tiến thần tốc, đặc biệt là vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen. Nhà sản xuất này đang nỗ lực ngày đêm để triển khai thử nghiệm trên người giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng cho 13.000 người. Nếu suôn sẻ, sau 42 ngày từ mũi tiêm đầu cho 1.000 người, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn tất thu thập dữ liệu, hồ sơ, bắt đầu quá trình đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vắc xin theo hình thức “tình trạng khẩn cấp trong đại dịch”.
Đến nay, ghi nhận của Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM, 2 đơn vị tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax cho biết đã có gần 1.000 người đăng ký và đủ điều kiện tiêm thử nghiệm vắc xin của Nanogen. Theo lịch trình dự kiến, trong 7-10 ngày, các đơn vị tiêm thử nghiệm có thể sẽ hoàn tất mũi đầu tiên 1.000 người tình nguyện. Sau đó sẽ là quá trình đánh giá hiệu quả sau tiêm, đợi 28 ngày kế tiếp tiêm mũi 2. Dự kiến trong 2 tháng tới, với nỗ lực của Nanogen và các đơn vị tham gia thử nghiệm, dữ liệu ban đầu của giai đoạn 3 sẽ được đệ trình Bộ Y tế, để sớm đưa vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam vào sản xuất và phục vụ người Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.