Cái tết giản đơn của ‘người hùng’ cứu cả đoàn tàu khi cầu Ghềnh sập

30/01/2017 14:02 GMT+7

Chúng tôi vừa gặp lại ông Huỳnh Ngọc Hoàng (48 tuổi ở P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), người được xem như vị cứu tinh cho đoàn tàu trong vụ sập cầu Ghềnh năm qua.

Giữa trưa 20.3.2016, trên khúc sông Đồng Nai (đoạn qua phường Bửu Hoà, TP. Biên Hòa) có một chiếc sà lan tự hành đang lưu thông bên dưới. Khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh đột nhiên va vào trụ mố cầu giữa sông, làm nhịp giữa cầu gãy, rơi từ trên cao chìm xuống sông.
Đây là cây cầu kết nối tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam đi qua TP. Biên Hòa. Sự cố này đã làm các đoàn tàu từ TP.HCM đi các tỉnh phía bắc bị tê liệt hoàn toàn vào thời điểm đó.
Gặp lại "người hùng" cầu Ghềnh - Thực hiện: Phạm Hữu
“Tôi sẵn sàng đứng giữa đường ray chặn tàu”
“Người hùng” cầu Ghềnh sau 9 tháng xảy ra sự cố sập cầu cũng chẳng thay đổi nhiều, vẫn dáng người gầy gầy, nước da đen nhẻm. Chỉ có điều khác biệt là tấm lòng hào hiệp cùng hành động dũng cảm của ông được nhiều người biết đến, và bản thân ông cũng nhận nhiều bằng khen từ cơ quan chức năng.
Suốt cuộc trò chuyện thân tình ngày cuối năm, ông Hoàng luôn nhắc về buổi trưa không thể nào quên. Khoảnh khắc ấy rơi vào khoảng 10 giờ 30 sáng, khi ông đi làm từ trung tâm Biên Hòa trở về nhà. Như thường lệ ông Hoàng cũng đi qua cầu Ghềnh này.
Đến 11 giờ 30, khi đang ngồi ăn cơm trong nhà, bỗng đâu một tiếng động mạnh phát ra từ hướng con sông, ngôi nhà ông Hoàng bất chợt rung lắc dữ dội. Cả nhà giật mình, hoảng loạn, ông Hoàng liền gọi vợ ôm con chạy ra ngoài. Tiếp đó, ông chạy ào ra bờ sông xem chuyện gì đang xảy ra.
Đứng sát đường ray, chính mắt ông Hoàng chứng kiến nhánh giữa của cầu rơi xuống rồi bị dòng nước nuốt chửng. Kèm theo đó là một cuộn lửa lớn bốc lên từ chiếc sà lan. Ngay tức khắc ông ngoắc đầu quay lại, nhìn về tổ gác chắn đang kéo cổng chuẩn bị đón tàu chạy tới.
Một lần nữa, ông hoảng hồn hú hét rồi chạy thục mạng đến chỗ các nhân viên gác chắn báo tin để phất cờ ra hiệu cho đoàn tàu dừng lại.
“Tôi báo tin cầu Ghềnh sập rồi, nói với mấy anh kia chặn tàu lại đi. Mấy người đó nói tôi giỡn hay gì. Rồi mấy anh đó liền bắt tàu dừng lại. Khi tàu dừng ngay tại ngã tư, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm vì mình nghĩ đã cứu được đoàn tàu, nhất là hành khách trên tàu”, ông Hoàng kể lại.
Theo ông Hoàng chỉ cần ông đứng lại xem lâu hơn, chậm trễ không báo tin vài phút thì không biết hậu quả sau đó sẽ như thế nào.
Đối với ông Hoàng, ngày cầu Ghềnh “lâm nguy” sẽ là ngày ông nhớ mãi trong suốt cuộc đời mình: “Bởi đây là một kỷ niệm không thể nào quên trong 48 năm tôi sống ở đây. Tuy tôi cũng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đoạn đường ray gần nhà nhưng không thể ám ảnh bằng lần cầu sập này”.
Ông Hoàng diễn tả lại cảnh ngày cầu Ghềnh bị sập Phạm Hữu

“Cái gì cứu giúp được cho mọi người là tôi hài lòng lắm, cái gì tôi cảm thấy làm được là tôi làm. Hôm đó nếu mà tôi không báo tin thì giống như tôi đang làm trái với lương tâm của mình vậy. Còn nếu thật sự tàu tiếp tục chạy không ngừng trong lúc đó, tôi dám nói thẳng với trời đất dù tàu có đụng tôi, tôi sẵn sàng ra đường ray đứng cản tàu lại”, ông Hoàng chia sẻ.

Như những cái tết ngày xưa
Trong căn nhà cấp 4 xơ xác nằm gần dốc cầu Ghềnh là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Hoàng cùng cô con gái nhỏ. Phía trên tường nhà, ông Hoàng treo trang trọng những bằng khen mà mình được tặng. Ông khoe với chúng tôi vừa nhận được thêm huy chương cứu hộ, cứu nạn cách đây hơn tháng tại Hà Nội. Ông Hoàng cũng cho rằng đó là niềm vinh dự lớn lao mà ông được nhận.
Tuy nhiên, đến thời điểm bây giờ cuộc sống của ông Hoàng cũng đã trở lại bình thường. Do bị thoái hóa cột sống, mất khả năng lao động nên ông phải bỏ nghề thợ hồ ở nhà trị bệnh. Mỗi ngày ông chỉ làm nghề chế biến mồi câu bán cho các “cần thủ” hay thả câu tại sông Đồng Nai kiếm sống qua ngày.
Ông Hoàng khoe những bằng khen, huy chương mà mình nhận được Phạm Hữu
Hiện tại ông Hoàng cũng đã nghỉ học chữ vì khoảng cách từ nhà đến lớp học quá xa, không sắp xếp được thời gian đi lại. Ông cũng muốn gửi lời cảm ơn đến cô giáo Như và nhiều người đã hỗ trợ mình trong thời gian qua.
Dẫn chúng tôi dạo bước dưới cầu Ghềnh, ông Hoàng cho biết, nơi đây đã gắn bó với ông từ khi còn nhỏ, tính ra cũng đã 48 năm cuộc đời. Ông thuộc lòng khúc sông ở cầu, nhớ rõ từng thời gian tàu chạy qua, khắc ghi những con đường như chính bản thân mình.
Tuy vậy, điều làm ông nhớ nhất là khi còn nhỏ (khoảng 8 – 9 tuổi) cũng trên đoạn sông này, ông cũng đã từng cứu hai học sinh tắm sông suýt chết đuối. Vì ở đây gần cầu Ghềnh nơi phía đáy có một lòng chảo làm nước xoáy rất nguy hiểm đối với những học sinh hay đến tắm.
Khi chúng tôi nhắc đến thời điểm tết sắp đến, ông Hoàng nhẹ giọng hẳn và chỉ biết nói về những cái tết vừa qua của gia đình: “Những ngày cận tết, tôi hoặc vợ ra chợ mua vài chục hột vịt, mấy ký thịt heo để nấu một nồi thị kho tàu để dành ăn qua tết. Nếu có dư dả chút đỉnh thì vợ ở nhà làm vài món mứt dừa, bí này nọ. Nói chung là liệu cơm gắp mắm. Còn tết năm nay cũng sẽ như mọi năm, không có thay đổi gì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.