Các 'gấu bố' theo vợ Việt tiến sĩ... đi Tây

05/10/2016 20:52 GMT+7

Khi tôi viết một bài về những “gấu mẹ vĩ đại”, nhiều ông bố đã đặt câu hỏi tại sao không viết về những “gấu bố”, những người "lui vào hậu trường.

Tuần trước, tôi viết một bài báo về những “gấu mẹ vĩ đại”, những người đã sẵn sàng mang con theo mình khi có học bổng đi học tiến sĩ ở nước ngoài dù biết trước rằng có hàng ngàn khó khăn đang chờ phía trước.
Bài viết đã nhận được nhiều chia sẻ của độc giả, trong đó, có một lời nhắn khiến tôi hết sức bất ngờ. Một ông bố tiến sĩ đã đặt câu hỏi tại sao chúng tôi không viết về những “gấu bố”, những người đã chấp nhận hi sinh, lui về hậu trường để ủng hộ vợ phát triển trên con đường học vấn lẫn sự nghiệp.
Những “gấu bố” này cũng vĩ đại không kém!
Vợ ở mô, thủ đô ở đó
Đó là lời khẳng định của anh Phan Quốc Vinh khi chia sẻ với tôi lý do anh theo vợ sang Mỹ khi chị có học bổng. Anh đã không mất nhiều thời gian để quyết định đi cùng chị, mặc dù lúc đó ở Việt Nam anh đang có công việc rất tốt, trưởng phòng kinh doanh kiêm trợ lý giám đốc cho công ty cổ phần du lịch DMZ – Huế.
Nhưng không phải ông chồng nào cũng dễ dàng “bị thuyết phục” như thế. Lý do rất hiển nhiên và dễ hiểu. Không ai muốn từ bỏ công việc tốt ở Việt Nam, thậm chí có địa vị, có thu nhập cao, để ra nước ngoài với vợ dưới dạng “phụ thuộc”.
Không một người đàn ông nào muốn bỗng dưng lại lui về hậu phương, trở thành một ông nội trợ. Chưa kể, đi theo kiểu này khác nào "lái theo thuyền".
Thế nhưng, bằng cách này hay các khác, nhiều bà vợ đã thuyết phục được chồng mình khăn gói cùng vợ lên đường. Có người đi vì muốn ủng hộ, có người đi vì cũng muốn tìm kiếm cơ hội học hành lên cao, có người đi vì muốn giữ hạnh phúc, có người đi vì những giấc mơ ở xứ sở thiên đường, hay đơn giản là “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
“Thiên đường” không như là mơ
Trong mắt của người Việt Nam, cuộc sống ở các nước phát triển là gì? Là nền giáo dục vượt trội, là hệ thống chăm sóc sức khoẻ y tế tiên tiến, hệ thống giao thông hiện đại, là môi trường sạch, là thực phẩm sạch. Là tất cả mọi thứ đều như trong mơ. Nhưng sự thực không hẳn vậy.
Có thể cuộc sống ở các nước châu Âu tương đối dễ thở, nhất là ở Pháp. Sinh viên, nếu học bổng thấp có thể được nhận trợ cấp, được thuê nhà giá rẻ.
Anh Vinh cùng chơi với các con
Trẻ con từ 3 tuổi trở lên đi học không mất tiền, còn dưới 3 tuối, phí giữ trẻ được tính theo thu nhập của bố mẹ nên hầu như còn lại rất thấp đối với các gia đình sinh viên. Vì thế, dù chỉ có một thu nhập, một gia đình có 1 hay 2 con đều có thể sống tạm ổn.
Ngược lại, ở các quốc gia như Mỹ hay Úc, chi phí cuộc sống khá đắt đỏ, sinh viên nước ngoài ít nhận được ưu đãi từ chính phủ nước sở tại. Do đó, để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình nơi đất khách, các ông chồng không thể ngồi yên.
Đối với những người nhập cư từ các nước đang phát triển, cơ hội tìm việc đúng chuyên môn gần như là 0%, do điều kiện về bằng cấp không đủ cũng như những rào cản về ngôn ngữ, văn hoá.
Tất nhiên, cũng có người sang Mỹ theo vợ và được nhận vào một công ty lớn với vị trí kỹ sư trong một thời gian ngắn mà không phải trải qua bất cứ chương trình đào tạo nào ở đây, nhưng thực sự, cơ hội như thế rất hiếm, trăm người, thậm chí ngàn người mới có một.
Chưa kể, khi ở Việt Nam, anh đã có bề dày kinh nghiệm làm ở những công ty khủng, thậm chí đã từng làm chuyên gia ở các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Vì thế, các ông chồng khác chỉ có 2 lựa chọn: một là làm công việc chân tay ở nhà máy hoặc ở nông trại, phục vụ nhà hàng, quét dọn hoặc làm “nail”; hai là đi học nâng cao lên thạc sỹ và sau đó tìm việc.
Công việc ở các nhà máy cực kỳ vất vả, nhất là đối với những người từ bé đến lớn chỉ biết việc học hành, lúc đi làm lại ngồi bàn giấy.
Chị H.T, hiện đang làm tiến sĩ ngành Kinh Tế ở Úc chia sẻ, khi mới sang, chồng chị được những người chồng cùng cảnh ngộ khác giới thiệu vào làm ở một nhà máy lọc thịt gà.
Suốt 2 tháng liền anh ấy phải học việc, đồng nghĩa với việc nhận mức lương “bèo bọt” trong suốt thời gian đó. Công việc đòi hỏi đi sớm về muộn, làm việc liên tục trong suốt thời gian ở nhà máy, cực nhọc vô cùng.
Làm việc ở nông trại cũng không khá hơn, khi người làm thuê phải dậy từ tờ mờ sáng là làm việc đến khi trời tắt nắng hẳn mới được nghỉ. Thậm chí, họ còn phải ở hẳn lại trang trại, làm việc liên tục trong 2- 3 tuần mới được về nhà.
Tất nhiên, những công việc này không đòi hỏi gì về bằng cấp, ngôn ngữ bản địa cũng không cần phải thông thạo, cho nên khá dễ tìm.
Ngược lại, ở Mỹ, các cơ hội việc làm, dù là lao động chân tay, cũng không dễ dàng kiếm được. Thời gian đầu mới sang, anh Vinh tích cực đi rải hồ sơ ở các nhà hàng, anh nhẩm tính chắc phải hơn 50 cái, hoặc đến đăng ký tại các trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng không được nơi nào nhận.
Sau này, nhờ có sự giới thiệu của một người bạn, cộng với lợi thế sử dụng lưu loát tiếng Anh của anh cũng như kinh nghiệm 10 năm làm việc trong ngành dịch vụ, cuối cùng, anh cũng được nhận vào làm ở một câu lạc bộ chuyên phục vụ nhà hàng, tiệc đứng và tổ chức sự kiện.
Với những người không giỏi ngoại ngữ, họ chỉ có thể làm móng trong các tiệm chăm sóc sắc đẹp của các Việt Kiều tại Mỹ. Tuy vậy, thu nhập của những công việc này lại khá cao.
Nếu không muốn lao động chân tay, các ông chồng bắt buộc phải đi học thạc sỹ, với hi vọng rằng sau khi học xong, có thể kiếm được một công việc tốt hơn. Trong khi việc học lên thạc sỹ ở các nước châu Âu như Pháp, Bỉ tương đối đơn giản bởi học phí thấp, từ 500 – 1000 euros/ năm, trong khi ở các trường đại học công lập, ở Mỹ hay Úc, học phí có thể lên đến hàng chục ngàn/năm.
Thế nên, không phải ai cũng có cơ hội để làm điều này. Hoặc nếu có, thì gánh nặng tài chính dồn hết lên vai người vợ.
Chị Hoàng Nga chia sẻ, trong thời gian chồng đi học thạc sỹ, để có tiền lo cho học phí của chồng, phí gửi trẻ cho con, chị đã phải làm thêm để kiếm tiền ngoài giờ làm nghiên cứu ở trường. Đó là quãng thời gian hết sức vất vả của cả nhà chị.
Qua cơn bĩ cực...
Mặc dù trước khi lên đường, các ông chồng đều đã được xác định tư tưởng trước nhưng khi sang đến nơi, những khó khăn cuộc sống đã không ít lần đe doạ hạnh phúc gia đình.
Chị H.T kể, thời gian đầu mới sang, những gánh nặng về tài chính, những cú sốc văn hoá, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ nơi đất khách đã khiến vợ chồng chị không ít lần cãi vã căng thẳng.
Chị thầm nghĩ, có thể, những lúc ấy, chồng chị cũng ít nhiều cảm thấy hối tiếc vì đã sang Úc theo chị.
Trong lúc đó, chồng chị Nga luôn cảm thấy mặc cảm vì gánh nặng tài chính trút hết lên vai chị khi toàn bộ việc học hành đều do chị lo liệu, 25 ngàn đô Úc/ năm là một con số không hề nhỏ đối với một sinh viên tiến sĩ như chị.
Chưa kể, hầu như các ông chồng rất ngại chia sẻ với bạn bè ở Việt Nam về công việc mà họ đang làm ở nước ngoài, dù rằng, công việc đó của họ thậm chí còn cao hơn học bổng của vợ.
Những lời dèm pha ác ý coi họ là những “kẻ thua cuộc (losers)”, hay tỏ vẻ thương hại như “không đành lòng nhìn chồng làm những công việc khổ sở đấy” là những nhát dao độc ác gây tổn thương không nhỏ tới những người trong cuộc.
Dù rằng, việc họ sống như thế nào, làm gì ở nước ngoài không gây hại tới ai, nhưng cũng không thể ngăn những người ở lại buông những lời soi mói ác ý, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình.
... tới hồi thái lai
Sau một năm rưỡi học thạc sỹ, giờ đây chồng chị Nga đã tìm được một công việc tốt tại một chuỗi siêu thị lớn thứ hai của Úc.
Giờ đây chị Nga không còn phải làm thêm nữa mà chỉ phải tập trung vào việc học hành, nghiên cứu mà thôi.
Trước, lúc chị phải làm thêm kiếm tiền, anh giúp chị việc nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc con; còn giờ đây, ngoài việc đó, anh còn lo việc tài chính của gia đình để chị yên tâm học hành.
Sau những khó khăn ban đầu về tài chính, gia đình chị H.T đã dần ổn định. Chồng chị, cũng như nhiều ông chồng khác tháp tùng vợ sang Úc, hài lòng với công việc ở nhà máy. Gần đây, vợ chồng chị sung sướng đón thêm thành viên thứ tư của cả gia đình.
Tuy rằng vất vả và cực nhọc, nhưng thu nhập của họ đủ để trang trải các chi phí cuộc sống cho cả nhà, ngoài ra vẫn có khả năng để dành được một khoản tiền kha khá nếu biết cách quản lý tốt chi tiêu.
Thậm chí, việc cả nhà cùng đi du lịch ở bang khác hoặc nước ngoài là điều trong khả năng, khi vào kì nghỉ hoặc “nhân cơ hội” vợ đi hội thảo.
Luôn nhìn ở mặt tích cực của cuộc sống, anh Vinh rất hài lòng vì công việc phục vụ trong câu lạc bộ hiện tại cho anh rất nhiều cơ hội để học hỏi về cách thức phục vụ khách hàng, cách quản lý cũng như xây dựng mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp nước ngoài.
Những kinh nghiệm quí báu này giúp anh xây dựng và phát triển công ty hiện tại của anh ở Việt Nam, nơi anh vẫn tham gia điều hành online. Anh cho rằng, dù anh làm công việc chân tay, nhưng trí óc của anh luôn hoạt động để học hỏi không ngừng.
Nhìn chung, dù lao động chân tay hay trí óc ở nước ngoài, sau những năm tháng sống ở đây, hầu hết các ông chồng mà tôi đã gặp đều cảm thấy không hối hận vì đã đi cùng vợ.
Cuộc sống ở những quốc gia đang phát triển giúp con cái của họ được hưởng một nền giáo dục vượt trội. Ngoài ra, có cơ hội mở rộng mối quan hệ xã hội với các gia đình từ những nền văn hóa khác cũng mở rộng tầm nhìn và kĩ năng “làm cha mẹ” cho các bố mẹ Việt Nam. Đây có lẽ là một trong những lý do chính để họ quyết tâm ra đi.
Ngoài ra, sự ưu việt về chăm sóc y tế, độ tin cậy về an toàn thực phẩm, môi trường sống trong lành và con người thân thiện cũng là những ưu điểm lớn. Hơn thế nữa, sống ở nước ngoài, dù làm việc gì, họ cũng không bị ai soi mói hay dèm pha, khiến cho cuộc sống tinh thần nhẹ nhõm và yên ổn hơn hẳn.
Khi nói về chồng của mình, các bà vợ tiến sĩ tương lai không giấu nổi vẻ tự hào và biết ơn. Nếu như không có sự hi sinh của chồng, chắc hẳn họ sẽ khó có thể tiến xa trên con đường học hành và sự nghiệp.
Hoặc nếu có, họ sẽ phải sống trong những ngày tháng dài đằng đẵng cô đơn một mình nơi xứ người, nhớ chồng nhớ con khôn xiết. Những ông chồng lý tưởng này, chẳng những chịu khó làm việc vất vả, mà còn biết chăm lo tới đời sống tinh thần vợ và ra sức động viên vợ học hành.
Họ không nề hà lo toan việc cơm nước, chợ búa, chăm con cái những lúc vợ bận rộn viết báo cáo. Ngày cuối tuần, dù mệt mỏi, nhiều lúc chỉ muốn ngủ cả ngày để “tái sản xuất” sức lao động, nhưng họ vẫn tranh thủ đưa vợ con đi chơi đây đó cho đỡ buồn.
Dù rằng trong cuộc sống có lúc không tránh khỏi cãi vã, nhưng vợ chồng con cái được sát cánh bên nhau luôn là điều tuyệt vời nhất. Anh Vinh còn vui vẻ nói đùa, anh muốn bà xã tập trung công việc nên luôn “dành lấy” nhiều phần việc nhà, nhưng nhiều lúc vẫn bị vợ cáu, vì ... phụ nữ thường vậy mà.
Tất nhiên, cuộc sống không chỉ toàn màu hồng và không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu.
Bỏ cuộc
Mặc dù đã cố gắng học thêm bằng thạc sỹ, nhưng không thể xin được việc làm, anh Hùng đành phải rời Mỹ về Việt Nam, trong khi vợ anh ở lại Mỹ để làm việc sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ.
Anh đã quá chán với những ngày tháng chỉ quanh quẩn ở nhà với những công việc nội trợ, trong khi ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội đang chờ đợi anh. Thế là, vợ chồng anh đành đóng vai Ngưu Lang, Chức Nữ, chưa biết ngày nào mới lại hội ngộ.
Cũng có trường hợp, khi sang đến “thiên đường”, các ông chồng đã vỡ mộng về một cuộc sống lý tưởng; việc tốt không tìm được, việc chân tay không muốn động vào, bạn bè không có, ngôn ngữ không thông.
Họ đã quyết định dứt áo quay về quê hương tìm hạnh phúc mới, bỏ mặc vợ con tự vật lộn với nhau. Khi chia sẻ điều này với tôi, chị Nhân buồn bã nói, có lẽ chị đã chọn nhầm người, có khó khăn mới hiểu lòng nhau, chứ chị chưa bao giờ hối hận về việc đi học cả.
Được nhiều hơn mất
Anh Phan Thành, một nghiên cứu sinh ngành xã hội học ở Úc, cho rằng trong suốt nhiều năm ở Úc, việc người chồng/vợ bỏ việc ở Việt Nam để theo người kia ra nước ngoài đang dần phổ biến hơn.
Hiện nay, ở trong nước, có quá nhiều vấn đề nội tại như giáo dục không đồng đều, chất lượng y tế không đảm bảo, ngoài ra còn có những mối lo hàng ngày như thực phẩm không sạch, môi trường ô nhiễm v.v. khiến cho những ông bố bà mẹ sẵn sàng hi sinh “sự sĩ diện” của bản thân họ để con cái được hưởng cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài.
Họ hi vọng rằng, với những trải nghiệm quí báu ở các nước phát triển, con cái họ sẽ trải qua những năm đầu đời trong điều kiện tốt nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện về sau.
Mặt khác, mặc dù công việc ở Việt Nam của những ông chồng này “có vẻ” tốt, được xã hội coi trọng, nhưng xét cho cùng, thu nhập cũng chẳng đủ cho họ mua nhà, mua xe, hay lo cho con cái học hành ở những trường tốt nhất.
Khi đó, việc ra nước ngoài làm các công việc chân tay cũng là một giải pháp lý tưởng, vì những công việc này được trả lương khá cao, cao hơn cả học bổng của một tiến sĩ nhiều lần.
Đó là một tâm sự thật lòng của một giảng viên đại học tôi đã gặp, khi chị bộc bạch chồng chị muốn chị đi học tiến sĩ ở Úc, chồng theo chị vài năm và kiếm một công việc ở nhà máy. Có như vậy, vợ chồng chị mới có đủ tiền để mua một căn hộ ở Hà Nội, nếu không, chắc suốt đời sẽ chỉ ở nhà thuê.
Dù lý do họ chấp nhận đi cùng vợ là gì, những ông chồng này đều là những “ông xã number-one (số 1)”. Họ là những người đàn ông sống có trách nhiệm, văn minh và biết yêu thương, biết chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ cùng với người bạn đời của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.