Cá niên nướng bên bếp lửa bập bùng

06/04/2020 21:10 GMT+7

Tháng 4, nơi vùng cao Quảng Nam đã vơi đi cái lạnh, nước các con sông con suối bắt đầu ấm áp, rủ rê đám cá niên béo tròn tung tăng trên những đoạn chảy xiết, ghềnh đá hẹp.

Không chỉ đi tìm mồi là những thảm rêu xanh mướt dưới hốc đá hay con hà bám trên gờ đá, thi thoảng chúng còn lao vun vút lội ngược dòng sông như đùa nghịch với dòng nước. Đây cũng là thời điểm cư dân sống hai bên bờ sông suối trên địa bàn các huyện Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Tây Giang... giăng lưới, thả câu đánh bắt cá niên.
Đồng bào vùng sơn cước Quảng Nam còn gọi cá niên là Jia-liếc, do cá niên khá giống với cá diếc. Thật ra cá niên “gợi mắt” hơn cá diếc bởi dáng hình thon thả, lớp vảy ngoài sáng bóng, đặc biệt thịt cá trắng, béo ngậy.
Ngày cá niên vào mùa rộ, người dân tha hồ thỏa thích với những món cá niên hấp, nướng, gỏi, nấu cháo, kho nghệ, kho mặn... Cá niên còn mang lại nguồn thu nhập khá lớn, không chỉ chủ những quán ăn, nhà hàng trên địa bàn các huyện thu mua phục vụ du khách gần xa mà nó còn vượt dốc đèo, theo chân thương lái xuống các thành phố trong và ngoài tỉnh như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng...
Nhưng thú nhất vẫn là thưởng thức cá niên nướng bên bếp lửa bập bùng đượm mùi củi khô và lá cây oải mục.
Chọn những con cá niên không quá to, chiều ngang thân cỡ bằng 2 ngón tay là được. Có thể dùng cây nhọn, nhỏ để xiên cá hoặc đặt từng con ngay ngắn trên vỉ. Khi những cục than hồng vừa ánh rực lên, đưa cá vào nướng, chỉ vài phút thôi đã nghe tiếng xèo xèo lách tách từ nước cá tiết ra. Nướng cá phải cẩn thận chú ý, giữ sao cho da cá vàng xém thì đạt yêu cầu. Nếu lơ là một tí, cá bị cháy đen sẽ mất đi vị ngon vốn có.
Nướng cá xong, cứ thong dong, nhẩn nha mà thưởng thức. Đôi khi tỏ ra “cầu kỳ” bằng cách dùng tay gỡ thịt cá, nhẹ nhàng chấm vào chén muối ớt tiêu rừng, đưa lên hít hà rồi mới nhâm nhi. Món ăn dân dã khiến ta như lạc vào chốn đại ngàn...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.