Bún hến bên làng Vỹ Dạ

08/09/2018 20:32 GMT+7

Không gì tuyệt hơn khi về thăm cồn Hến và thưởng thức một tô bún hến ngay trên mảnh đất này.

Dọc hạ nguồn sông Hương, hến chỗ nào cũng có, đời này qua đời khác cào mãi không hết. Điều đặc biệt là cũng trên sông Hương nhưng hến ở những khúc sông khác không nhiều và ngon bằng hến tại cồn Hến (P.Vỹ Dạ, TP.Huế).
Cồn Hến, một cồn đất chỉ vỏn vẹn hơn 22 ha, nhưng trời phú cho người dân nơi đây một “mỏ” hến. Có người cho rằng, nước sông Hương khi chảy qua cồn Hến trong vắt, ít phù sa và phèn. Đáy sông dưới chân cồn được phủ bởi một lớp bùn sâu, rất thích hợp cho sự sinh trưởng của con hến. Nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi như thế, con hến ở cồn Hến ngon đến nỗi được xếp vào hàng thực phẩm tiến cung cho vua chúa.
Bún hến bên làng Vỹ Dạ1
Ở nơi đây, ngày qua ngày, nhiều gia đình vẫn miệt mài mưu sinh với nghề cào hến. Ngày xưa, người dân cào hến bằng cào tre, được đan làm sao để chỉ lấy hến to, loại hến còn bé không lọt vào. Ngày nay vợt dệt bằng tấm lưới cước hiện đại, đò cào chạy bằng máy nên hến bắt lên đủ loại to, nhỏ. Hến bắt về được luộc rồi đãi tách riêng thịt hến, nước hến mang đi bỏ chợ, nhà hàng khắp phố Huế hoặc người dân cồn Hến chế biến thành các món “gia truyền” của mình như cơm, mì và lạ miệng hơn là bún hến.
Không gì tuyệt hơn khi về thăm cồn Hến và thưởng thức một tô bún hến ngay trên mảnh đất này. Bún hến nức tiếng ở xứ kinh kỳ, không thua gì bún bò, bún nghệ xào lòng... Cũng giống như cơm, mì hến, bún hến Huế phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu. Không thể thiếu các loại gia vị dầu phộng, bì lợn chiên phồng, ớt bột hòa thành nước đặc sệt (tương ớt), hạt tiêu, mì chính, ớt tươi thái lát, hành củ thái mỏng, muối bột... Rau sống ăn bún hến là một ít lõi chuối cây và bắp chuối thái thật mỏng, thơm (dứa) và khế xắt nhỏ, đặc biệt không thể thiếu rau dọc mùng - một loại môn ngọt phổ biến ở vùng đất Huế.
Thịt hến đựng trong tô riêng. Nước hến đựng trong một nồi lớn dưới có bếp than thường xuyên giữ độ sôi. Khi có khách gọi món, chủ quán chỉ xúc vài thìa nhỏ nạc hến cho trên bún, thêm rau sống và nước hến lên trên. Một chất xúc tác quan trọng là cầu nối giữa bún, hến và rau sống là nước ruốc sống - loại ruốc biển Thuận An làm từ con khuyếc (moi), phơi chín nắng. Một tô bún hến, người ăn cho thìa nước ruốc vào để tạo mùi. Trước khi thưởng thức, tất cả được trộn đều, thêm tương ớt, ít đậu phộng rồi mới chan nước hến.
Ai đã lỡ bén duyên với con hến, đến Huế thế nào cũng tìm đường về làng Vỹ Dạ để được chảy nước mắt, thậm chí phỏng miệng và hít hà đến toát mồ hôi theo từng cọng bún hến cay nồng. Ấy vậy mà điều đặc biệt nhất là không hiểu vì sao đã ăn một bát lại muốn ăn hai, ăn một lần lại muốn ăn lần nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.