BOT Thái Nguyên - Chợ Mới phải giảm phí về mức thấp nhất

01/06/2018 10:19 GMT+7

Phương án được lựa chọn để xử lý những lùm xùm xung quanh dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là giữ nguyên 2 trạm thu phí, đồng thời thực hiện miễn, giảm tối đa cho các phương tiện và người dân khu vực lân cận.

Chiều qua 31.5, các bộ ngành và chính quyền tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã họp về thu giá dịch vụ hoàn vốn dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100. Trước đó, nhà đầu tư dự án này đã nhiều lần có văn bản cho biết đang chịu lỗ nặng do doanh thu thu phí quá thấp so với phương án tài chính ban đầu.
Nhà đầu tư cũng đồng thời đề xuất 2 phương án thu giá dịch vụ hoàn vốn. Phương án một: thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký giữa nhà đầu tư và bộ GTVT là thu giá ở cả 2 trạm, miễn giảm cho các phương tiện khu vực lân cận trạm theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên. Đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận nói trên) giảm 30% giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các loại xe. Thời gian hoàn vốn của dự án tăng từ 16 năm 1 tháng lên 19 năm 5 tháng.
Phương án hai theo kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện miễn giảm như phương án 1, đồng thời bổ sung nâng cấp, cải tạo quốc lộ 37 đoạn từ đèo Khế đến Bờ Đậu với kinh phí khoảng 250 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo các đơn vị liên quan, phương án 1 khả thi hơn do nằm trong các điều khoản thực hiện hợp đồng BOT của Dự án, không bị vướng mắc về pháp lý, đặc biệt mức thu giá đã giảm sâu tối đa. Trong khi phương án thứ 2 sẽ phát sinh nhiều vấn đề về mặt pháp lý khi lấy tiền từ dự án này đầu tư sang dự án khác.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định, việc cho thu tại 1 trạm và tạm dừng thu 1 trạm khiến nhà đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn. Hiện tại phương án bỏ 1 trạm hoặc Nhà nước đứng ra mua lại dự án đều không khả thi. Phương án khả thi nhất là giữ nguyên 2 trạm thu phí hoàn vốn cho dự án như hợp đồng và tiến hành miễn, giảm giá cho các phương tiện giao thông và người dân khu vực lân cận.
Theo phương án 1, nhà đầu tư cho biết sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên thống nhất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho người dân lân cận trạm thu giá trên QL3 (huyện Phú Lương, huyện Đại Từ, huyện Định Hóa và thành phố Thái Nguyên) với phạm vi giảm giá dịch vụ khoảng 30 km, đây là phạm vi giảm giá lớn nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ hợp tác công tư (PPP) nếu thực hiện theo phương án 1, đây sẽ là dự án BOT giảm giá sâu nhất từ trước tới nay. Ông Nhữ Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, quá trình thực hiện dự án vấp phải sự phản ứng của người dân, vì vậy phải đưa vào chủ trương miễn giảm sớm.
Để sớm giải quyết nút thắt lùm xùm tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các bên hoàn tất các nội dung phương án cụ thể để chốt lại số phận cho dự án trong tháng 6 này.
Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có tổng mức đầu tư 2.746 tỉ đồng, thông xe từ tháng 3.2017. Sau 7 tháng từ khi dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng (tháng 5.2017), trước phản ứng của người dân và chính quyền địa phương, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho Nhà đầu tư thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ cuối tháng 1.2018 tại 1 trạm (Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới), 1 trạm chưa thu. Tuy nhiên, sau 3 tháng chỉ thu đạt 6,7 tỉ đồng, thiếu hụt so với phương án tài chính theo hợp đồng BOT khoảng 47,5 tỉ đồng. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí vận hành thu giá, chi duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và đóng thuế cho Nhà nước chỉ còn khoảng 1 tỉ đồng, trong khi hằng tháng nhà đầu tư phải trả lãi và gốc 16,5 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.