Bốn mùa trái ngọt ở xứ Phù Tang

03/06/2018 14:06 GMT+7

Trước làn sóng toàn cầu hóa của mọi thứ trên thế giới này, trong đó có trái cây, người Nhật Bản vẫn dành riêng một tình yêu đặc biệt cho những thứ thuộc về cội nguồn quê hương và những gì được dâng lên vua chúa của ngày xa xưa.

Tháng 3 và tháng 4, cây cối nảy chồi, đơm hoa và kết trái nên trên thị trường trái cây Nhật Bản có đủ các loại ngoại trừ cam đắng Daidai. Người Nhật gọi Daidai là “cam trường thọ” bởi giống cam ấy được tìm thấy dưới chân núi Himalaya linh thiêng và ra trái quanh năm.
Tháng 3 và tháng 4, họ ăn cam đắng Daidai để phòng ngừa bệnh cảm cúm bởi từ thế kỷ 7 cam Daidai đã được đưa vào đông y như một loại thuốc gia truyền. Trên mâm trái cây để dâng lễ đất trời vào lúc giao thừa nhất định phải có cam Daidai để mong ước trường thọ.
Từ tháng 5 đến tháng 7, người Nhật thưởng thức hương vị của những quả cherry đỏ hồng nhưng nhất định phải là trái cherry Sato Nishiki của tỉnh Yamagata. Đó là tình yêu và sự tôn vinh dành cho người nông dân Eisuke Sato vốn yêu mến cây cherry, mất 16 năm miệt mài nghiên cứu lai tạo giống để có được giống cherry Sato Nishiki như ngày hôm nay. Vào mỗi mùa hè, tỉnh Yamagata cung cấp 70% sản lượng cherry cho cả nước.
Bốn mùa trái ngọt ở xứ Phù Tang1
Mùa hè của người Nhật còn không thể thiếu mận Ume. Không chỉ được chọn là biểu tượng mùa xuân đầu tiên, đi vào lễ hội, thơ ca, hội họa hay điệu múa, những trái mận Ume phủ lớp lông tơ mịn trên thân còn khiến nhiều người ngẩn ngơ khi chuyển sang màu vàng mơ vào tháng 6.
Người Nhật thưởng thức mận Ume theo 7 cách khác nhau, từ mứt mận Umeboshi với vị thơm nhẹ nhàng, nước cocktail Umeshu giải nhiệt được pha từ rượu Schochu và đường, nước mận muối Umezuke thơm lừng đến bánh gạo Ume Wagashi, nước ép Ume juice, rượu mận Umezu nhẹ nhàng hay thạch rau câu ngon Ume Blossoms.
Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa dưa lưới vàng với vị thơm ngọt ngào, thịt dẻo, nhiều nước đến từ vùng đất bắc Hokkaido. Trong khi đó, tháng 6 đến tháng 9 là mùa của những trái đào màu hồng phấn nhẹ nhàng trên cây. Người Nhật vẫn chuộng nhất giống đào trắng Shimizu ở tỉnh Okayama. Đào trắng Shimizu tròn trái, phớt nhẹ màu hồng trên vỏ, thịt có màu trắng đục như sữa, ngọt và nhiều nước. Xếp sau đào trắng Shimizu là đào màu hồng phấn giống Nikkawa Hakuho đến từ tỉnh Yamanashi hương vị cũng rất mê hoặc.
Bốn mùa trái ngọt ở xứ Phù Tang2
Bốn mùa trái ngọt ở xứ Phù Tang3
Người Nhất thường chọn đi dã ngoại ở tỉnh Nagano từ tháng 7 đến cuối tháng 8 để được cắm trại dưới chân núi thiêng và lang thang vào rừng hái quả việt quất đang chuyển sang màu tím ánh xanh. Vị chua thanh tao cùng vị ngọt của những quả việt quất dại luôn là điểm nhấn của những chuyến dã ngoại.
Từ tháng 7 đến tháng 10, nho Kyoho vào mùa ở vùng đất Shizuoka để làm nên một mùa hè đầy hương vị. Khi gió heo may của mùa thu bắt đầu làm dịu đi bầu không khí oi bức của đất trời, người Nhật nô nức ra chợ để chọn mua những trái cam xanh Kabosu đến từ tỉnh Oita. Kabosu lớn hơn quả chanh một tí, vỏ màu xanh sẽ chuyển dần sang đốm vàng có tác dụng kích thích tiêu hóa. Kabosu còn được chế biến thành nhiều loại nước chấm ngon cho các món cá hay gỏi sống Sashimi và cả để làm nước lẩu.
Từ đầu thu cho đến giữa mùa đông, người Nhật không thể bỏ qua trái khóm (dứa) Shikwasa không quá lớn về hình dáng, có hương vị chua thanh lẫn ngọt của hòn đảo phương nam Okinawa. Khóm Shikwasa dùng làm mứt, nước ép hoặc các loại nước chấm và nước sốt rất ngon. Những vườn táo Fuji của vùng đất Hakone sẽ nở rộ đầy trái từ giữa mùa thu đến giữa mùa đông.
Không nơi nào có thể “qua mặt” được vùng đất Chiba nếu nói về độ ngon của những quả lê. Không chỉ giòn thịt, lê Chiba còn nhiều nước và có vị ngọt thanh. Mùa thu se lạnh còn gì tuyệt vời hơn khi cả gia đình xì xụp bên nồi lẩu bò nóng với nước dùng được nấu từ lê Chiba và nước chấm với hương vị lê Chiba. Lê Chiba còn có mặt trong những chai dầu gội đầu để mái tóc lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương.
Nếu đến Nhật trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng giêng, bạn nên tranh thủ thưởng thức cam Mikan ngọt như mật ong của tỉnh Satsuma và cam sành Sudachi nức tiếng của tỉnh Tokushima từ tháng 10 đến tháng 11.
Một mùa đông sẽ không lạnh nếu nhấm nháp những miếng hồng Kaki màu đỏ cam, dẻo mịn của tỉnh Yamagata. Ngoài ra, bạn sẽ hiểu tại sao người Nhật gọi đây là “viên ngọc trời” hay “cây lúa mì của thần Zeus” khi ngậm những viên kẹo Kanroni được làm từ những trái quất vàng Kinkan của vùng đất Miyazaki. Một nét ẩm thực đặc trưng Kobe chính là hương thơm trộn lẫn ba vị chanh, nho và cam của những trái chanh vàng Yuzu.
Hành trình trái ngọt bốn mùa cứ thế diễn ra và không lúc nào thiếu đi sự nồng ấm như màu sắc đỏ tươi và hương vị ngọt ngào của những trái dâu tây ở tỉnh Ehime và Fukuoka.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.