Bôi bẩn đường phố ở TP.HCM

28/06/2017 10:46 GMT+7

Tại TP.HCM, nhiều bức tường, tủ điện ở các tuyến đường trung tâm bị vẽ hình ảnh, viết chữ nguệch ngoạc, trông rất xấu xí.

Muôn kiểu bôi bẩn
Trên các tuyến đường trung tâm như Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo… có rất nhiều hình vẽ bằng sơn loang lổ trên tường, tủ điện, thậm chí trên cửa nhiều nhà dân, các cửa hàng.
Video: Muôn kiểu bôi bẩn đường phố
Ngay góc ngã tư Cao Thắng - Điện Biên Phủ có một dãy cửa hàng bán quần áo trẻ em, thường hay bị viết vẽ bậy trong đêm. “Tôi chẳng hiểu những hình này có ý nghĩa gì, nói về điều gì. Đêm đóng cửa lại, sáng tới đã thấy hình vẽ, chữ viết chi chít đầy cửa, bực mình lắm”, chủ một cửa hàng bán quần áo ở khu vực này cho biết.
Những tủ điện ở mặt tiền các tuyến đường hay các góc ngã tư như Cao Thắng - Điện Biên Phủ, Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt… cũng đầy hình vẽ, chữ viết loang lổ, lem luốc trông rất phản cảm.
“Thành phố ngày càng nhếch nhác bởi những “tác phẩm” quái dị như thế. Nghe nói đó là nghệ thuật đường phố với tên gọi graffiti. Tuy nhiên, khi vẽ không đúng nơi đúng chỗ, nhếch nhác như vậy thì với tôi là hành vi xấu xí chứ chẳng thấy nghệ thuật gì cả”, ông Bùi Văn Dũng, một hộ dân ở đường Nguyễn Đình Chiểu, ta thán.

tin liên quan

5 căn nhà đổ sập xuống sông ở TP.HCM
Rạng sáng 27.6, khi người dân đang ngủ trong nhà thì phần đất ở bờ sông Rạch Giồng - Kinh Lộ thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè (TP.HCM) bất ngờ sạt lở khiến nhiều căn nhà ven sông đổ sập.
Vẽ bậy
Trang Khoa, 22 tuổi, một bạn trẻ có 8 năm chơi graffiti, hiện là thành viên của TFK (một câu lạc bộ graffiti gồm thành viên đến từ các nước Đông Nam Á) cho biết graffiti có nguồn gốc từ Mỹ, trong cộng đồng hip hop. Bước đầu, đó là những câu khẩu hiệu, chữ viết của các bạn trẻ nhằm bày tỏ quan niệm sống, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Sau này, xã hội thừa nhận và nâng graffiti thành môn nghệ thuật đường phố. Có những nghệ sĩ vẽ graffiti nổi tiếng thế giới với những bức vẽ có giá trị cao.
Theo Trang Khoa, graffiti du nhập VN khoảng hơn chục năm gần đây. “Hành vi vẽ trái phép được cộng đồng graffiti gọi là bomb, người vẽ trái phép gọi là bomber. Chỉ cần vài chai sơn, trong 1 - 2 phút, một bomber có thể hoàn thành bức vẽ đơn giản hoặc ký tên mình trên các bức tường, tủ điện, cửa nhà… Các bomber luôn vẽ vào ban đêm, thời gian ít người để ý”, Trang Khoa cho biết.
Coth, nickname của một quản trị trang Facebook Graffiti Việt Nam, chia sẻ: Khi mới du nhập VN, cộng đồng graffiti các thế hệ đầu tiên thường vẽ ở những căn nhà hoang, những nơi xa xôi, hẻo lánh để luyện tay nghề. Dần dần, theo thời gian, các bạn trẻ, nhất là những bạn mới vào nghề, cũng như nhiều người nước ngoài theo trường phái Vandal khi đến VN đã rủ những người cùng trường phái đi bomb. Từ đó, gây nên những hệ lụy như vậy.
Coth cho biết thêm cộng đồng graffiti VN cũng đã thông báo, khuyến cáo các thành viên không được bomb bậy, làm xấu phố phường, ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng.
Cùng quan điểm trên, Trang Khoa nói: “Bản thân tôi không ủng hộ việc vẽ trái phép ở những nơi công cộng. Tuy nhiên, thực trạng bomb vẫn diễn ra. Vấn đề là ý thức của mỗi cá nhân cũng như sự quản lý của chính quyền. Tôi có dịp sang các nước Đông Nam Á giao lưu với các họa sĩ graffiti và tôi nhận thấy, như ở Singapore, cộng đồng graffiti không dám bomb trên phố, lý do là luật pháp bên đó rất nghiêm, hành vi vẽ bậy bị xử lý rất nặng nên chẳng ai dám làm”.
Thiết nghĩ cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường phát hiện, xử lý để những bomber không còn vẽ bậy. Và cộng đồng graffiti cũng cần lên án mạnh mẽ hơn để các thành viên tiêu cực không còn làm xấu phố phường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.