Bố vợ bắt chàng rể tương lai phải đi thử 'tinh binh'

16/05/2016 13:21 GMT+7

Anh H.B.N. (30 tuổi) cho biết: “Trước khi chịu cho làm đám cưới, bố mẹ vợ bắt buộc cả hai đứa phải đi khám sức khỏe. Bố vợ còn bảo: “Mày phải đi kiểm tra xem “tinh binh” thế nào. “Lính” khỏe thì tốt, không phải làm khổ con gái “rượu” của bố!”.

Bố vợ bắt thử "tinh binh" trước khi cho cưới
Kinh nguyệt vốn không đều, đến khi quyết định kết hôn, chị N.M.H. (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rất lo lắng. “Vì hai vợ chồng muốn sau khi kết hôn sẽ có con luôn nên mình rất sợ không biết có khó khăn gì trong việc có con không”, chị H. tâm sự. Vì thế, chị và bạn đời tương lai đã quyết định đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Kết quả, cả hai không có vấn đề gì về sức khỏe lẫn khả năng sinh sản. Chị H. cũng thoải mái, “trút” được trăn trở, nỗi lo bấy nay.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trước khi kết hôn biết tình trạng sức khỏe của mình về sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là phát hiện sớm, giúp không chậm trễ trong việc điều trị hiếm muộn
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM)
Trước khi kết hôn, hai bạn B.V.M. (28 tuổi) và N.H.T. (25 tuổi) đã đi xét nghiệm, chích ngừa các bệnh lây nhiễm. “Làm như thế để yên tâm, giữ sức khỏe cho cả mình và vợ/chồng mình. Chuẩn bị sẵn sàng nếu có con sớm hơn kế hoạch thì cũng không bị lấn cấn chuyện có thai mà chưa kịp chích ngừa những vắc xin cần thiết”, chị T. chia sẻ.
Trong khi đó, anh H.B.N. (30 tuổi) cho biết: “Ôi trời, trước khi chịu cho làm đám cưới, bố mẹ vợ bắt buộc cả hai đứa phải đi khám sức khỏe. Bố vợ còn bảo: “Mày phải đi kiểm tra xem “tinh binh” thế nào. “Lính” khỏe thì tốt, còn “hàng ngũ” có trục trặc gì thì can thiệp “chỉnh đốn” sớm. Như thế vợ chồng mới hạnh phúc, không phải làm khổ con gái “rượu” của bố!”.
Nghe xong cũng bật cười nhưng ngẫm lại thấy bố nói không sai nên cả hai cùng đi khám.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn (đơn vị khám sức khỏe tiền hôn nhân), Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM): Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trước khi kết hôn biết tình trạng sức khỏe của mình về khả năng sinh sản, phòng các bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là phát hiện sớm, giúp các cặp đôi không chậm trễ trong việc điều trị hiếm muộn.
“Hầu như các cặp đôi khi quyết định đi đến hôn nhân đều có sức khỏe tốt. Thường gặp là bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C”, bác sĩ Lộc đánh giá.
Tuy nhiên, bác sĩ Lộc thêm: Trong hai năm vừa qua, trung bình mỗi năm có 60-70 trường hợp các cặp đôi đến Bệnh viện phụ sản Hùng Vương khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trong đó, có khoảng 10% (5-6 trường hợp) có chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị hiếm muộn.
“Các trường hợp hiếm muộn bác sĩ đều tư vấn kết quả một cách nhẹ nhàng và vẫn khuyến khích cặp vợ chồng kết hôn cứ để có con theo cách tự nhiên trước. Nhưng nếu một năm vẫn chưa có con thì đến bệnh viện điều trị”, bác sĩ Lộc nói.
Theo đó, các trường hợp đã có chỉ định điều trị hiếm muộn thụ tinh trong ống nghiệm ngay khi khám tiền hôn nhân thì sau khi cặp vợ chồng quay lại bệnh viện điều trị, bác sĩ sẽ cho làm thụ tinh trong ống nghiệm luôn, chứ không phải mất thêm thời gian làm các biện pháp khác.
Khổ vì không trị sớm
“Thật sự, có những vấn đề liên quan đến sức khỏa sinh sản, tình dục mà nếu được khám và tư vấn trước hôn nhân, các cặp vợ chồng sẽ có thể điều trị sớm, tránh được nhiều mâu thuẫn nảy sinh sau này”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân (TP.HCM) chia sẻ.
Bác sĩ Dũng kể, có trường hợp, hai vợ chồng lấy nhau một năm rồi mà vẫn chưa có “đêm tân hôn” vì người chồng không dám “động phòng” với vợ. Yêu nhau là thế, nhưng trước tình trạng kỳ lạ đó của chồng, người vợ đâm ra nghi ngờ, dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Mối ngờ vực chỉ được giải tỏa sau khi người chồng đi khám và được chẩn đoán bị tật lỗ tiểu đóng thấp nên “mặc cảm” và không thể “yêu” vợ.
Đó chỉ là một trong những trường hợp bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân gặp “trục trặc” trong cuộc sống vợ chồng. Mà theo bác sĩ Dũng, nếu cặp vợ chồng trên trước khi kết hôn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì đã không phải “bỏ lỡ” một năm sống “độc thân” sau đám cưới và có những ngờ vực không đáng.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp vợ chồng được điều trị, tư vấn sớm, tránh những gút mắc liên quan đến sức khỏa sinh sản, tình dục - Ảnh: ShutterStock
Bên cạnh đó, có những cặp vợ chồng kết hôn gần 5 năm vẫn không có con. Sau đó mới đi điều trị hiếm muộn.
Lại có trường hợp, hai bạn trẻ lấy nhau và đã “kiêng khem” vì chưa muốn có con sớm. Sau 3 năm, khi muốn có con theo kế hoạch thì không được vì một trong hai người có dị tật cơ quan sinh sản mà không biết. Lúc này mới bắt đầu điều trị hiếm muộn.
“Khi đó, bệnh nhân thấy tiếc cho 3, 5 năm đã trôi qua. Nếu khám tiền hôn nhân thì vấn đề này đã được phát hiện và hai vợ chồng đã có thể điều trị hiếm muộn sớm hơn, có con theo dự định”, bác sĩ Lộc nói. Chưa kể trong điều trị hiếm muộn, chỉ cần can thiệp sớm hơn một năm là khả năng thành công đã cao hơn nhiều.
Theo các bác sĩ, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không phải là rào cản hay trở ngại gì cho việc kết hôn của các cặp yêu nhau. Ngược lại, nó giúp cho quyết định đi đến hôn nhân thêm vững chắc, “người trong cuộc” sẵn sàng, có hiểu biết và lường trước các vấn đề về sức khỏe, có sự tư vấn chuyên môn của bác sĩ.
Như thế, các cặp vợ chồng sau này sẽ không bỡ ngỡ, lúng túng về sức khỏe sinh sản, tình dục và chủ động trong chuyện có con.
Khám tiền hôn nhân ở đâu, như thế nào?
Hiện nay, tại TP.HCM, nhiều nơi đã thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân như Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y dược, Khoa Nam học – Bệnh viện Bình dân,…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn (đơn vị khám sức khỏe tiền hôn nhân), Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cho biết: Khoa khám cả nam và nữ. Cả hai người sẽ được làm các xét nghiệm nhiễm như: HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B, C; chlamydra (vi trùng dễ gây viêm đường chậu, tắc vòi trứng) đối với nữ.
Bên cạnh đó, về phía nữ sẽ được làm huyết đồ (tầm soát các bệnh lý về máu); khám sức khỏe sinh sản như: định lượng nội tiết đầu chu kỳ (tầm soát vấn đề về rối loại nội tiết tố nữ, đa nang buồng trứng,…), siêu âm, tầm soát các dị thường buồng trứng, khám tầm soát khối u, ung thư vú,…
Về phía nam sẽ thử tinh trùng đồ. Nếu tinh trùng yếu thì sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.
Bác sĩ Dũng cho biết: “Khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với nam giúp đánh giá về sức khỏe sinh sản, có đủ khả năng làm cha hay không, khả năng “làm chồng” như thế nào. Trong trường hợp có “trục trặc” trong sức khỏe sinh sản thì người khám và cả bạn đời tương lai sẽ được sự tư vấn của bác sĩ và hướng điều trị sớm nhất”.
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Nguyễn Thị Tố Thư, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khuyên: “Nếu muốn có con ngay sau khi lập gia đình thì cặp đôi phải khám tiền hôn nhân tối thiểu trước một tháng. Khám càng sớm càng tốt”.
“Đối với nữ, khám tiền hôn nhân còn giúp phát hiện các bệnh lây truyền từ mẹ sang con (phát hiện kháng thể Rubella, viêm gan siêu vi B, C, HIV, giang mai, nhóm máu yếu tố Rhesus). Từ đó, người phụ nữ sẽ được tư vấn cách chích ngừa phù hợp”, bác sĩ Như nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.