Bỏ phố về ở ngoại ô: Đổi 6 ngày 'đánh vật' lấy 1 ngày thư thái

Lê Quân
Lê Quân
22/12/2020 10:25 GMT+7

Nhiều dự án bất động sản đang nở rộ để đón đầu xu hướng bỏ phố về ngoại ô, nhất là các khu đô thị lấy tiêu chí xanh để hút khách. Nhưng làm việc ở nội thành, về ở nhà vùng ven sướng hay khổ?

6 ngày 'đánh vật' với tắc đường lấy 1 ngày thư thái

Ai đến căn nhà ngập cây và hoa, có cả vườn, ao của chị Quỳnh ở H.Văn Giang, Hưng Yên cũng phải trầm trồ, thèm muốn. Bản thân chị Quỳnh và chồng cũng tự hào vì căn nhà trên mảnh đất hơn 300 m2 được xây dựng giữa năm 2019 này là tâm huyết của 2 vợ chồng.
Mỗi sáng cuối tuần, chị ra vườn hái hoa về cắm, vặt nhúm rau trong vườn là cả nhà có bữa canh ngọt lành. “Nhưng có ai biết, mỗi sáng trong tuần, nhà tôi như phường chèo. Bố hò con lớn, mẹ gào con nhỏ. Dậy từ 5 giờ thì khoảng 6 giờ mới ra được khỏi nhà. Đưa con cái đến trường xong đến văn phòng ở quận trung tâm Hà Nội vẫn kịp trước 8 giờ, nhưng đúng là như đánh vật”, chị Quỳnh chia sẻ.
Chị Quỳnh kể, năm 2019, đang ở một chung cư tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội, vợ chồng “bắt trend” bỏ phố về quê, ra ngoại thành xây nhà sống cho thư thái. Nhưng kỳ thật, thư thái chỉ đến vào những ngày cuối tuần, còn lại 6 ngày trong tuần là 6 ngày cả nhà chị phải đánh vật với việc di chuyển từ nhà ra chỗ làm, chỗ học. Chọn trường cho con gần cơ quan để tiện đưa đón nhưng cung đường về mỗi chiều, với chị Quỳnh, là nỗi ám ảnh. Hầu như ngày nào cũng lo về sớm để ngày mai còn kịp đi sớm, không còn thời gian cho bạn bè ở phố.
Cũng giống như chị Quỳnh, không ít người đang có xu hướng “bỏ phố về quê”. Không thể phủ nhận xu hướng sống xanh, tận hưởng thiên nhiên an lành vùng ven, song thực tế cho thấy, với nhiều người, sống xanh chưa chắc đã là sống sướng.

Thông thường, giao thông qua cầu Thanh Trì buổi sáng dễ bị ùn tắc chiều vào trung tâm thành phố, buổi chiều ùn tắc hướng từ trung tâm ra ngoại thành

Ảnh Lê Quân

Anh Nguyễn Xuân Tùng, nhân viên một công ty tài chính tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội, đang sở hữu một căn chung cư tại khu đô thị Ecopark (H.Văn Giang, Hưng Yên), cho biết anh đang kế hoạch chuyển nhà về lại gần cơ quan vì quá mệt mỏi với quãng đường đi làm.
“Về ở bên đây cũng thích thật. Cây xanh khắp nơi, cuối tuần ngồi uống cà phê ngắm cây cũng thấy nhẹ nhõm, nhưng những ngày trong tuần thì ám ảnh thực sự”, anh Tùng chia sẻ.
Làm nhân viên văn phòng, anh Tùng phải chấm vân tay vào 8 giờ hàng ngày. Thời gian di chuyển trên đường từ nhà đến văn phòng là nỗi ám ảnh với anh. Hôm nào đường thông thoáng, anh Tùng mất khoảng 40-50 phút để đi từ nhà sang công ty, nhưng vì cầu Thanh Trì thường xuyên tắc vào buổi sáng, nên hầu như tuần có 5 ngày đi làm thì 3-4 ngày anh đi làm muộn.
Buổi chiều, 5 giờ anh Tùng đứng dậy để về thì cũng phải 18 giờ 30 phút đến 19 giờ mới về được đến nhà. “Ban đầu tôi đi xe bus, nhưng đi muộn nhiều, đành cố mua ô tô cho chủ động hơn, nhưng cũng vẫn không cải thiện được”, anh chia sẻ, và nói thêm sống xanh lý thuyết là sướng, nhưng quãng đường đi làm vừa xa vừa tắc là điểm không dễ khắc phục.

Không phù hợp làm căn nhà thứ nhất

Theo khảo sát của Thanh Niên, thời gian vừa qua, các dự án vùng ven phát triển rầm rộ, phần do khu vực nội thành quỹ đất hạn chế, phần để đón đầu xu hướng di chuyển ra ngoài vùng ven của nhà đầu tư và người dân. Bên cạnh những dự án lấy tiêu chí thiết kế, giá bán, thương hiệu thì cũng có dự án lấy tiêu chí “xanh” làm điểm nhấn trong chiến lược bán hàng. Nhưng thực tế, các vấn đề khác về giao thông, sự bất tiện trong lịch trình sinh hoạt của các gia đình vẫn làm việc, học tập ở nội thành, thì không chủ đầu tư hay đơn vị bán hàng nào đả động đến.
Anh Trần Văn Quang, một nhà đầu tư bất động sản, thẳng thắn nhìn nhận mua nhà ở các dự án vùng ven để ở rồi di chuyển vào nội thành thì nên cân nhắc đường đi. Từng nhắm đến một căn chung cư tại toà nhà mới mở bán của dự án Ecopark ở H.Văn Giang, Hưng Yên vì quá thích thiết kế cũng như không gian sống tại khu đô thị này, song phút cuối anh Quang đành bỏ kế hoạch vì không tìm ra phương án tối ưu giải quyết chuyện đi lại.

Đường dẫn lên cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc

Ảnh Lê Quân

“Bỏ qua các vấn đề khác, khi tôi phân tích vấn đề giao thông từ dự án vào nội thành với việc cầu Thanh Trì hầu như ngày nào cũng tắc thì môi giới chào bán căn hộ cho tôi không nói được giải pháp. Nếu quá thích không gian cây xanh, hồ nước, nên thử trải nghiệm bằng cách thuê nhà rồi đi lại giữa ngoại ô và trung tâm một thời gian sẽ rõ bất tiện như thế nào. Nếu mua đầu tư mà chỉ có khách 2 ngày cuối tuần thì thu hồi vốn còn mệt mỏi. Còn nếu mua làm căn nhà thứ hai, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trên thị trường như trái phiếu, chứng khoán đang sôi động như thế này, thì rõ ràng không nên”, anh Quang nhìn nhận dưới góc độ nhà đầu tư.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, với các dự án xanh, ngoài cây xanh thì tiêu chí kết nối được với giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng một cách thuận lợi, cũng là tiêu chí quan trọng. Vị này cho hay những dự án có vị trí xa trung tâm sẽ không phù hợp để làm căn nhà thứ nhất.
Theo ông, người dân đô thị hiện nay vẫn chủ yếu dùng phương tiện giao thông cá nhân do giao thông công cộng chưa thực sự thuận tiện, hạ tầng cũng chưa thực sự tốt nên nếu chọn dự án quá xa để ở trong khi làm việc tại khu vực nội thành thì không phải là lựa chọn tối ưu.
Còn theo lời một chuyên gia khác trong lĩnh vực bất động sản, người dân, nhà đầu tư nên tỉnh táo, tham khảo thông tin về các dự án cho kỹ, tránh bị dẫn dắt bởi một nhóm người hay cảm xúc trước chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp bán hàng.
“Cần đặt câu hỏi rõ ràng là dự án đó hot vì sao, vì giá trị mang lại hay chỉ vì trào lưu, mua xong xác định để ở hay đầu tư, nếu ở thì có thuận tiện không, nếu đầu tư thì sinh lời như thế nào, thu hồi vốn ra sao”, chuyên gia này chia sẻ.
Theo vị này, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường cũng cần có vai trò trong việc định hướng, khuyến cáo người dân, bên cạnh việc chỉ đưa ra số liệu, ghi nhận thị trường một cách chung chung. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.