Bỏ mặc dân vật lộn với nước ngầm nhiễm mặn

06/06/2016 19:05 GMT+7

Gần 5 năm nay, cuộc sống của hàng chục hộ dân ở xã Quảng Thái, H.Quảng Xương (Thanh Hóa) lâm vào cảnh khốn khổ vì nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Người dân đã nhiều lần kéo lên UBND xã kiến nghị, nhưng đáp lại là sự bất lực của chính quyền địa phương cùng thái độ thờ ơ đến khó hiểu của các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa.
Khoan giếng khắp vườn đều gặp nước mặn
Về xã Quảng Thái những ngày này, ngang qua các con đường chạy qua thôn 7, thôn 8, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp người dân với lỉnh kỉnh can, bình nhựa đi lấy nước về sinh hoạt. Thời tiết nắng nóng, nhưng bà con nơi đây chỉ dám dùng nước sạch cho việc ăn uống, còn mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt, rửa ráy, họ đành phải dùng nguồn nước bị nhiễm mặn từ các giếng khoan, sau đó tráng qua bằng vài gáo nước sạch để cơ thể bớt ngứa ngáy. “Nắng nóng như ri, nhưng 2 bà cháu cũng chỉ biết dùng khăn rửa mặt, lau người qua loa thôi, chứ không dám tắm. Tắm giếng nước khoan xong mà không có nước sạch tráng qua vài lần thì người ngợm nhớm nháp, ngứa ngáy khó chịu lắm chú ạ…”, bà Hoàng Thị Châu ở xóm 8, xã Quảng Thái than thở.
Tình trạng nước ngầm bị nhiễm mặt xuất hiện tại các thôn 7, thôn 8 của xã Quảng Thái từ gần 5 năm nay. Năm 2012 chỉ có 2 hộ bị nhiễm mặn, nhưng đến nay đã có 34 hộ tại 2 thôn bị ảnh hưởng. Gia đình bà Đào Thị Bình (thôn 8) là hộ đầu tiên bị ảnh hưởng do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, đồng thời cũng là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất vì liên tục phải khoan giếng tìm nước ngọt. Bình quân mỗi năm, gia đình bà Bình phải chi từ 4-5 triệu để khoan một giếng ngầm lấy nước. “Do không biết nguyên nhân vì sao nước giếng chuyển màu khi để qua đêm và có vị mặn không thể ăn uống được, nên gia đình tôi đã phải khoan tới 4 cái giếng trong vườn. Nhưng cái nào cũng chỉ dùng được 7-8 tháng là lại bị nhiễm mặn. Giờ phải khoan cái giếng thứ 5 trong vườn nhà người quen ở sâu trong thôn, sau đó kéo đường ống dẫn về dùng mới tạm ổn. Cả năm chỉ lo kiếm tiền để mượn người khoan giếng lấy nước ăn. Cực lắm!”, bà Bình bức xúc.
Tiếp xúc với Thanh Niên, người dân thôn 7, thôn 8, xã Quảng Thái cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nguồn nước ngầm tại địa phương bị nhiễm mặn là do dự án nuôi tôm trên cát tại khu vực ven biển ở xã Quảng Thái của Công ty Long Phú gây ra. Theo lý giải của bà con, do hệ thống bạt lót đáy của các hồ nuôi tôm lâu ngày không được thay thế, nên đã bị hoai mục, hư hỏng, dẫn đến nước từ các hồ ngấm xuống mạch nước ngầm, gây nên tình trạng trên. Bức xúc, người dân đã gửi đơn thư, thậm trí kéo nhau lên trụ sở UBND xã Quảng Thái, kiến nghị nhiều lần, nhưng suốt 5 năm qua, tình trạng trên vẫn không được quan tâm, xử lý.
Đoàn kiểm tra về nếm nước bằng lưỡi
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Phú Dũng, Chủ tịch xã Quảng Thái thừa nhận tình trạng nguồn nước ngầm tại thôn 7 và thôn 8 bị nhiễm mặn, gây bức xúc cho người dân là có thật. Cũng theo ông Dũng, mặc dù chưa có đơn vị nào khẳng định, nhưng việc người dân nghi ngờ nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn tại địa phương là do việc nuôi tôm trên cát của Công ty Long Phú gây ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi tình trạng trên chỉ xảy ra sau khi công ty này triển khai dự án nuôi tôm trên cát tại địa phương. “Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND H.Quảng Xương và các cơ quan chức năng đề nghi lập đoàn kiểm tra về làm rõ nguyên nhân nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân địa phương, bởi thẩm quyền của địa phương không thể xử lý được”, ông Dũng nói.
Người dân nghi ngờ các hồ nuôi tôm trên cát khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn Ảnh: Ngọc Minh
Người dân nghi ngờ các hồ nuôi tôm trên cát khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Mai Văn Tuấn, cán bộ Phòng TN-MT H.Quảng Xương cũng cho biết, lãnh đạo UBND H.Quảng Xương có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nguồn nước ngầm ở thôn 7 và thôn 8, xã Quảng Thái bị nhiễm mặn, đồng thời UBND H.Quảng Xương báo cáo lên Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý, nguyên nhân là do phía Công ty Long Phú không hợp tác. “Năm 2015, Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa có cử một đoàn cán bộ về phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại các hồ nuôi tôm của Công ty Long Phú để tìm hiểu nguyên nhân, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, đại diện của công ty này đã không chịu ký vào biên bản, nên đoàn công tác đành ra về. Từ đó đến nay, chưa thấy đoàn kiểm tra đưa ra kết luận gì. Tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa”, ông Tuấn băn khoăn.
Cũng theo ông Tuấn, tới thời điểm này, mặc dù có kiểm tra, nhưng chưa có bất kỳ đơn vị nào kết luận nguyên nhân vì sao nguồn nước ngầm tại xã Quảng Thái bị nhiễm mặn, cũng như mức độ nhiễm mặn như thế nào, vì chưa có kết quả phân tích, kiểm nghiệm. “Thực tế khi tiến hành kiểm tra, chúng tôi cũng chỉ dùng lưỡi nếm nước và phát hiện vị mằn mặn, cưng cứng trong nước thôi. Chứ nguồn nước bị nhiễm mặn ở mức độ nào, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người dân khi sử dụng hay không, thì chưa ai kiểm nghiệm cả.”, ông Tuấn nói thêm.
Khi được hỏi vì sao doanh nghiệp đóng trên địa bàn không chịu hợp tác, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý, cũng như việc đến bao giờ thì tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn mới được xử lý, thì ông Tuấn không trả lời, vì “không có thẩm quyền phát ngôn”. Chúng tôi cũng đã cố gắng lien hệ làm việc với lãnh đạo UBND H.Quảng Xương để tìm câu trả lời, nhưng bất thành. Câu hỏi đặt ra là không biết đến bao giờ, hàng chục hộ dân ở xã Quảng Thái mới hết cảnh khổ cực vì thiếu nước sinh hoạt?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.