Bố bỉm sữa chăm con - Kỳ 1: Khéo như 'nhà thơ vạn bản' Nguyễn Phong Việt

26/07/2017 10:02 GMT+7

Khi có dịp được trải lòng về 'cuộc chiến chăm con', Nguyễn Phong Việt đã khiến nhiều người bất ngờ và cảm phục trước sự 'đảm đang' và cách chăm con tình cảm của mình.

Nhắc đến vấn đề các ông bố bỉm sữa chăm con, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?” hay thích thú với hình ảnh các ông bố nổi tiếng xoay xở chăm con một mình như thế nào.

Ông bố một con và khả năng chăm con "thần sầu" khiến nhiều người ngưỡng mộ Ảnh: NVCC
Song, không phải chỉ những người tham gia chương trình mới được cho là khéo chăm con. Bởi đơn giản, trong giới những người nổi tiếng không thiếu những ông bố "giỏi việc nước, đảm việc nhà", giúp đỡ vợ trong việc nuôi dạy con cái. Và chính những hình ảnh được ghi lại trong những khoảnh khắc các ông bố nổi tiếng đang hết lòng chăm lo cho con của mình mới càng khiến cho khán giả thêm ngưỡng mộ và yêu quý họ.
Con cái cũng chính là bạn bè
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt (37 tuổi) nổi tiếng với những câu thơ lãng mạn về cuộc sống, tình yêu và gia đình… Nhưng khi có dịp được trải lòng về “cuộc chiến chăm con”, anh đã khiến nhiều người bất ngờ và cảm phục trước sự “đảm đang” và cách chăm con tình cảm của mình.
Mối tình của Nguyễn Phong Việt và bà xã Thanh Xuân đã đẹp lại càng viên mãn hơn khi sinh được cậu con trai Thiên Anh bụ bẫm, đáng yêu. “Ở nhà thì bạn ấy tên là Haro, tiếng Nhật nghĩa là heo rừng con. Bạn ấy đã sắp sửa được bốn tuổi rưỡi rồi”.
Việt tâm sự: “Lúc mới biết tin bà xã mang thai, tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng. Nhưng mà cảm xúc rõ rệt nhất vẫn là sự háo hức, mong muốn nhìn thấy đứa con của mình. Muốn được nhìn ngắm bạn ấy lớn lên, như một cách được nhìn lại tuổi thơ của mình vậy”.
Nguyễn Phong Việt là một trong số rất ít những nhà thơ có thể kiếm tiền bằng "con chữ" Ảnh: NVCC
Thấy tôi có vẻ thắc mắc về nhân vật “bạn”, anh liền giải thích: “Nói thật thì tôi là người khá nóng tính, nhưng từ khi có con tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, bớt nóng nảy và cộc cằn đi một chút. Kinh nghiệm quý giá nhất mà tôi học được khi chăm con là phải trở thành bạn của con”.
Đối với ông bố nhà thơ thì việc dành thời gian để nói chuyện với con là rất quan trọng. “Haro của tôi cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, ngang bướng và quấy khóc đều là những “khủng hoảng tuổi lên ba” của hầu hết bọn trẻ. Mỗi lần con khóc là đầu óc tôi cứ lùng bùng, rất khó chịu”.
Con trai của Nguyễn Phong Việt hiện đã được bốn tuổi rưỡi, anh thường gọi yêu con là "chàng trai 14.2" Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, vỏ quýt dày tất sẽ có móng tay nhọn, thay vì dỗ dành và chiều chuộng hết mực mỗi khi con khóc, Việt lại giải quyết bằng cách đưa ra thỏa thuận công bằng với con: “Bất kỳ lúc nào bạn ấy ngang bướng vì một chuyện gì đó, tôi sẽ để bạn ấy khóc thỏa thích, còn mình thì ngồi… đợi”.
Theo lời Việt, việc chờ đợi này sẽ giúp con có thời gian để bình tĩnh lại và sau đó là “trần tình lý do vì sao quấy như vậy. Nếu bạn ấy sai thì bạn ấy phải xin lỗi, nếu người lớn trong nhà sai thì người lớn cũng phải trực tiếp nói lời xin lỗi bạn ấy. Rất công bằng”.
Thế nhưng, trước khi có được hòa bình như hôm nay thì hai bố con Nguyễn Phong Việt cũng không ít lần phải “lên bờ xuống ruộng” cùng nhau Ảnh: NVCC
Ông bố nhà thơ tâm sự, có một lần “cậu bạn nhỏ” của anh bị rối loạn tiêu hóa vào lúc nửa đêm, cả gia đình nhốn nháo đưa ngay “bạn ấy” vào bệnh viện. “Suốt cả đêm tôi chỉ biết nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Haro để bạn ấy yên tâm”.
Anh cũng kể thêm, mỗi khi thấy con giật mình, anh liền trấn an con bằng cách thì thầm vào tai: “Haro yên tâm nhé, có ba ở đây rồi thì con không phải sợ gì hết”. Bởi anh tin “đôi khi một giọng nói thân quen cũng đủ sức để làm cho người nghe cảm thấy yên lòng”.
"Con cứ đi về phía trước, ba sẽ luôn luôn tiếp bước cho con từ phía sau" Ảnh: NVCC
Tự nhận mình là người có bệnh “cuồng con”, Việt cho biết anh rất thích cảm giác được con quan tâm, hỏi han. “Haro của chúng tôi khá nhanh nhạy và nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên bạn ấy hỏi tôi có mệt không để bạn ấy đấm lưng dùm cho. Hay khi bạn ấy chạy đến ôm chầm và nói con yêu ba lắm. Đặc biệt là hầu như ngày nào bạn ấy cũng nói với tôi là: “Con rất thích chơi với ba!”. Tôi lại hỏi: “Vì sao con thích?”. “Vì ba đáng yêu”, anh tự hào kể.

Không muốn con cái tự tạo cho riêng mình một vỏ bọc
Có một điều thú vị là, trong hầu hết những kỷ niệm gắn liền với “đôi bạn cha con” mà Việt kể với tôi, hoàn toàn không có sự xuất hiện của những tình huống trớ trêu hay làm khó anh, thậm chí Việt còn khẳng định: “Tôi chưa bao giờ lúng túng hay bối rối khi phải chăm con nhỏ một mình”. Và như muốn bổ sung thêm ý cho câu khẳng định vừa rồi, anh nói tiếp: “Chăm con là một năng khiếu, chắc hẳn là tôi có khiếu bẩm sinh rồi”.
Khi tôi hỏi làm thế nào để một ông bố bận rộn như Phong Việt có thể phân bổ thời gian cho công việc, gia đình và chăm sóc con cái một cách hợp lý? Anh im lặng hồi lâu, không đáp… Trong một chốc, tôi có cảm giác là câu hỏi vừa rồi dường như chạm đến một nỗi niềm nào đó đang ẩn sâu trong lòng Việt.
Mà đúng thật, bởi sau khi trầm tư, Việt bắt đầu nói về gia đình mình: “Nhà tôi có 7 anh em, tôi là con út. Cả gia đình tính cả ba tôi là có tổng cộng 8 người đàn ông, duy nhất mẹ tôi là phụ nữ. Tôi nhớ hoài cảnh sống trong thời bao cấp, nhiều khó khăn vô cùng”.
Một gia đình "ngược đời" khi bố mẹ đổi vị trí cho nhau Ảnh: NVCC
Lúc ấy, tất cả những gì ba mẹ Việt có thể làm vì các con chính là mỗi ngày đều cố gắng kiếm cơm ăn, kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền khiến ba mẹ Việt không còn thời gian để chơi với con, không có những giây phút gần gũi hay chia sẻ cùng con cái.
“Anh em tôi đều phải tự học, tự làm tất cả mọi thứ. Có lẽ vì vậy nên, những lúc gặp chuyện buồn hay khó khăn, trắc trở trong cuộc sống thì tôi không biết nói với ai, chỉ im lặng giữ lại trong lòng…”, anh hồi tưởng.
Dần dà theo thời gian, cậu bé Việt ngày ấy vô tình tự tạo cho riêng mình một vỏ bọc, việc thu mình lại khiến Việt phần nào thấy an tâm hơn. Cho đến hôm nay, khi Việt đã là một nhà thơ, nhà báo, là một ông bố từng trải… trong lời kể của anh vẫn có chút gì đó đau đáu, như thể anh vừa biết ơn cha mẹ, mà cũng vừa tủi thân khi nhớ về năm tháng tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình… Bất giác tôi thấy cay cay nơi sống mũi.
“Khi có con, tôi tự nhủ với chính bản thân phải dành thời gian cho con thật nhiều. Bởi tôi hiểu rõ một đứa bé khao khát tình thương, sự quan tâm và thấu hiểu từ những bậc làm cha làm mẹ nhiều như thế nào”, Việt tâm sự.
Với Phong Việt, chỉ cần thương con thì không bao giờ ngại khó Ảnh: NVCC
Anh cũng chia sẻ thêm, vì đã chuyển hẳn sang làm freelance (làm việc tự do) nên việc sắp xếp thời gian cũng không quá khó khăn. “Tôi nghĩ người vợ, người mẹ trong gia đình vẫn là quan trọng nhất. Vì phụ nữ họ nội trợ và chăm sóc con cái rất hay. Tuy nhiên, đôi khi vì tính chất công việc nên vai trò của hai vợ chồng tôi có sự đảo ngược. Tôi chăm sóc gia đình và con tốt hơn còn bà xã ra ngoài làm việc tốt hơn”.
Ông bố một con cũng thẳng thắn nêu quan điểm, việc đó là hoàn toàn bình thường, miễn sao hai vợ chồng có thể chia sẻ và thấu hiểu cho nhau ở vai trò của mỗi người. Đối với riêng anh: “Việc chăm sóc con tôi cũng từng nghĩ là rất khó, nhưng làm rồi lâu dần thì có kinh nghiệm. Và quan trọng nhất vẫn là mình thương con thì việc gì cũng không ngại khó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.