Giữa 'ma trận' thông tin nghèo khổ trên mạng xã hội: Vợ chồng tỉ mỉ đi xác minh

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
09/06/2020 12:19 GMT+7

Hơn một thập kỷ bỏ công sức và tài sản để xác minh những hoàn cảnh trước khi kêu gọi giúp đỡ , ông Trần Huy Đăng ( Hội thiện nguyện BDS ) được nhiều người gọi là “kẻ lắm chuyện" nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ.

Xác minh kỹ càng trước khi trao lòng tốt

Thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên kênh YouTube và Facebook, kênh của Hội thiện nguyện BDS do ông Trần Huy Đăng (49 tuổi, ngụ TP.HCM) đứng đầu khiến nhiều người xem phải rơi nước mắt vì những mảnh đời bất hạnh được hội giúp đỡ.
Năm 2008, ông Đăng và 3 người bạn của mình kinh doanh tại chợ Kim Biên đã bỏ tiền túi làm thiện nguyện và họ đặt tên hội là BDS (Bảo, Danh, Sỹ, Sang). Khi mới thành lập, hội chủ yếu giúp những hoàn cảnh khó khăn ở vùng quê, xây nhà tình thương, trao quà, học bổng...
Đến năm 2016 tài chính của các thành viên hội gặp khó khăn, hội không còn 4 thành viên, dù vẫn mang tên BDS nhưng từ đó đến nay chỉ còn ông Đăng. Những năm gần đây ông Đăng còn có vợ và con đồng hành.

Ba năm liền, ông Đăng kiên trì thực hiện chương trình lắp chân giả cho người nghèo khắp cả nước

Hội thiện nguyện BDS nói chung và ông Huy Đăng nói riêng hơn 10 năm nay đã đến nhiều vùng sâu vùng xa, vùng gặp thiên tai hay những hoàn cảnh khó khăn… để giúp đỡ. Ông Đăng cho rằng làm thiện nguyện không khó bằng việc xác định được sự thật để làm thiện nguyện đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm. Vì vậy, đằng sau những câu chuyện từ thiện là cả một quá trình xác minh gian nan không nhiều người biết.
Ông Đăng nói với Thanh Niên: “Hành trình làm thiện nguyện của tôi luôn coi trọng việc xác minh, đó là điều tiên quyết. Tôi phải chắc chắn trường hợp đó là sự thật, đáng giúp đỡ và không dàn cảnh thì mới dám kêu gọi quyên góp. Tiếp theo, tôi sẽ tính toán xem trường hợp ấy cần giúp thế nào, giúp bao nhiêu. Khi đã đủ hỗ trợ tôi phải công khai ngay để mạnh thường quân giúp đỡ những người khác. Việc xác minh dù gian nan, có người nói tôi là kẻ lắm chuyện, đã giúp người còn đi tìm tòi… nhưng tôi phải đi theo sự thật và nhờ vậy các mạnh thường quân luôn tin tưởng, đồng hành với tôi”. 
Cũng vì sự thẳng thắn, làm việc công khai và nhiều lần vạch trần các trang giả mạo thiện nguyện hay trường hợp dàn cảnh lợi dụng tiền của mạnh thường quân… ông Đăng nhiều lần bị các đối tượng xấu đe dọa, quấy rối.

Ông Đăng không bỏ quên những hoàn cảnh khó khăn vùng sâu vùng xa  

“Những người bóc lột tiền của mạnh thường quân hay của người nghèo thì tôi phải thẳng thắn. Có người nhắn hẹn tôi nói chuyện rõ ràng nhưng hẹn ở rừng cao su rất xa tại Đồng Nai. Tôi vẫn đi, đến đó họ đe dọa tôi. Còn có người nhắn tin, bình luận khuyên tôi nên bỏ công việc thiện nguyện… Nhưng rất may, đến mỗi địa phương làm thiện nguyện tôi luôn kết nối với chính quyền, việc này không những đúng quy trình, không làm việc một cách tự phát mà còn giúp tôi nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nếu gặp vấn đề không may”, ông tâm sự.

Từng nghèo khổ nên muốn giúp người nghèo

“Tôi từ nghèo khổ đi lên, chữ nghĩa không có nhiều, gia đình khổ cực nên 9 tuổi tôi đi bán trứng vịt lộn với mẹ, mẹ cho tiền làm vốn đến năm 12 tuổi tự đi bán trà trá, chuối chiên, dưa hấu… Lên 14 tuổi tôi đi theo xe than, qua nhiều năm lưu lạc Bắc - Nam… mãi vẫn làm ăn thất bại, đến khi tôi chuyển sang kinh doanh hệ thống camera, thiết bị báo động mới khá hơn. Năm 2008, lần đầu tiên tôi làm tình nguyện vì thấy người nghèo tôi nhớ lại cảnh ngày xưa của mình rồi cứ thế tôi làm đến giờ”, ông Đăng nhớ lại.

Sau những trận bão, lụt ông Đăng luôn cố gắng kêu gọi để kịp thời giúp người nghèo khôi phục tài sản

Không nhiều người biết rằng căn nhà ở và nơi kinh doanh của ông Đăng (Q. Bình Tân, TP.HCM) thường xuyên đón những người khó khăn, khuyết tật, không nơi nương tựa đến ở nhờ để tạo công ăn việc làm và giúp đỡ hòa nhập xã hội.  
“Tôi chữ nghĩa không giỏi, viết bài kêu gọi không được nên nhờ con cái làm giúp nhưng vì con cái cũng bận học hành nên tôi phải tập làm quen dần. Cứ cố gắng tìm kiếm, kết nối không ngừng và tôi kết nối được với các bác sĩ giỏi ở Việt Nam, Hoa Kỳ để thực hiện chương trình lắp tay chân giả cho người nghèo mọi vùng miền trong vòng 3 năm. Thời kỳ này tôi rất căng thẳng vì không kịp ăn uống, nghỉ ngơi, phải xác minh hồ sơ, sàng lọc thật kỹ nên rất gian nan. Thêm vào đó, bệnh nhân các miền tập trung về nhà tôi, tôi lo để ăn ở vì bên ngoài quá đắt đỏ nên gia đình tôi cũng khá vất vả”, ông tâm sự.
Cũng có nhiều lần ông Đăng chứng kiến cảnh đau lòng khi không thể níu kéo được sự sống cho những người nghèo. Ông ngậm ngùi kể về một trường hợp: “Dù tôi đã cố gắng chạy thật nhanh, vừa mở đèn xin ưu tiên vừa đưa đầu ra ngoài cửa sổ hét lên để tăng tốc, ngồi sau xe mẹ em bé bị đứt ngón tay vì để con cắn tay thay vì cắn lưỡi. Nhưng rất tiếc cháu không qua khỏi, tôi và cả gia đình cháu đã khóc rất nhiều, không ai đành lòng buông để đưa cháu về quê an táng”.  

Máy lọc nước được lắp đặt tại Bình Thuận

Để vừa làm thiện nguyện vừa cân bằng cuộc sống, ông Đăng được hỗ trợ rất nhiều từ người vợ là bà Lương Thị Thủy. Bà tâm sự rằng thời trẻ bà không làm thiện nguyện vì còn khó khăn nhưng khi lấy chồng thấy chồng say mê làm việc thiện, kể cả đi du lịch vẫn chở theo đồ giúp người nghèo nên bà bị... thu hút. Vì vậy, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, bà đã phát cơm miễn phí cho người nghèo mỗi ngày tại nhà riêng.
Một người quen của ông Đăng ở Bến Tre hay kết nối câu chuyện để làm thiện nguyện cho hay: "Anh Đăng kết hợp với một số mạnh thường quân đến tìm hiểu sự khó khăn của người dân tỉnh Bến Tre trong thời gian này. Người dân vừa chịu thiệt hại do hạn mặn, vừa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chương trình của hội thiện nguyện BDS đã tặng 100 tấn gạo và 10.000 thùng mì cho 4 xã khó khăn, mỗi xã phát hơn 200 phần quà bao gồm gạo và mì. Về phía địa phương, chúng tôi rất vui mừng, các đơn vị Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Dân quân tự vệ và cả các lãnh đạo xã, huyện cũng hỗ trợ hết mình".
Anh Thế Hiển, Bí thư đoàn xã Hưng Khánh Trung B (H.Chợ Lách, Bến Tre) là một trong những xã thuộc tỉnh Bến Tre nhận được 200 suất quà từ chương trình này cho biết: “Đợt dịch Covid-19 vừa qua, địa bàn xã Hưng Khánh Trung B gặp rất nhiều khó khăn. Rất may mắn, phía hội thiện nguyện BDS và anh Đăng đã ủng hộ xã chúng tôi 200 phần quà cho các hộ gia đình khó khăn. Các hộ gia đình là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn do địa phương lên danh sách và gửi về cho mạnh thường quân".
Hiện đang được hội thiện nguyện BDS tài trợ giúp đỡ để chữa trị đôi chân bị liệt, em Lê Thị Thanh Liên (quê Bình Thuận) tâm sự: "Hội thiện nguyện BDS và bác Đăng đã giúp em có cơ hội điều trị đôi chân bị liệt của mình. Em vào TP.HCM, bác là người đưa đón gia đình em đến bệnh viện, làm việc với các bác sĩ và còn cho gia đình em ở nhờ nhà bác những ngày chưa nhập viện. Đã 1 tuần kể từ khi em vào đây, em được dùng thuốc và lưng dần đỡ đau nhức hơn nhiều".

Thời gian dịch Covid-19 ông Đăng cùng gia đình, bạn bè đã chuẩn bị những phần cơm cho người nghèo đến nhận miễn phí

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.