Biến nghĩa trang cũ thành trang trại 'hái ra tiền'

Khánh Hoan
Khánh Hoan
08/11/2019 10:06 GMT+7

Đang làm tại công ty nước ngoài với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, Hồ Phúc Hoàng (xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bỏ việc về quê, thuê vùng đất là nghĩa trang cũ của xã để gây dựng thành trang trại “hái ra tiền”.

Từ ý tưởng “quái đản”…

Năm 2013, Hoàng về quê, cưới vợ và quyết định ở lại quê nhà lập nghiệp trên vùng đất nghĩa trang cũ nằm phía trước làng mình. Ý tưởng lập trang trại của chàng kỹ sư thủy sản sinh năm 1987 này được coi là quái đản. Khu đất này rộng 3,5 ha với hàng trăm ngôi mộ cũ bỏ hoang, nằm phía trước xóm Văn Đông. Ở quê Hoàng, người làng gọi đó là Cồn Ma.
“Nghĩa trang mới của xã đã được chuyển đến địa điểm khác từ lâu, những ngôi mộ này hầu hết là mộ không xác định được danh tính, nằm rải rác, nếu cứ để hoang thì rất phí đất”, Hoàng thầm nghĩ, và bàn với vợ quyết định thuê khu đất này. Lãnh đạo xã gật đầu đồng ý cho thuê đất ngay sau khi Hoàng trình bày ý tưởng biến vùng Cồn Ma này thành trang trại chăn nuôi và trồng rau sạch.
Được xã cho thuê đất, năm 2014, Hoàng bỏ ra hơn 200 triệu đồng thuê người cất bốc hơn 200 ngôi mộ cũ ở khu Cồn Ma quy tập về nghĩa trang của xã. Sau khi dời xong mồ mả, Hoàng tiếp tục thuê người cải tạo đất. Chỉ sau 3 tháng, khu đất 3,5 ha bỏ hoang đã trở thành vùng đất bằng phẳng. Hoàng vay vốn làm giàn, lắp hệ thống tưới tự động và đầu tư trồng 2.500 gốc gấc lai đen, một loại gấc dùng làm dược liệu, với hy vọng sẽ cho thu nhập tốt.
Nhưng, ngay lứa gấc đầu tiên, Hoàng đã nếm mùi thất bại, vì đầu ra cho trái gấc này quá khó khăn. Vốn liếng bỏ ra hàng trăm triệu đồng không thu hồi được khiến vợ Hoàng phát hoảng. Không nản lòng, Hoàng chuyển sang trồng các loại cây dây leo khác: bí đao, mướp đắng, dưa chuột. Những cây trồng này đầu ra khá tốt, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không có gì đột phá.

Đến lan tỏa mô hình làm giàu mới

“Phải thay đổi cách làm”, Hoàng bàn với vợ, rồi mời một chuyên gia cây trồng của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm VN về tận khu đất tư vấn, chuyển giao ứng dụng sản xuất theo công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Năm 2018, Hoàng bỏ ra 500 triệu đồng, xây dựng 1.000 m2 nhà lưới để trồng rau hữu cơ các loại: dưa lưới, dưa vàng, dưa chuột, cà chua. Các loại giống này được nhập về từ Nhật Bản và Israel, kể cả phân bón. Cú hích đổi mới táo bạo này đã mang lại hiệu quả tốt. Mỗi năm, Hoàng trồng 2 vụ dưa lưới, dưa vàng, 1 vụ dưa chuột và 1 vụ cà chua trong nhà lưới.
Sản phẩm được trồng và chăm sóc đúng theo quy trình của Nhật Bản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên đầu ra rất tốt, được nhiều khách hàng chọn sử dụng. Sau khi thu hoạch, thương lái đều thu mua nông sản ngay tại vườn. Mô hình rau hữu cơ này được huyện Quỳnh Lưu chọn làm mô hình điểm để nhân rộng, và vợ Hoàng nhận được suất học bổng du học 2 năm ở Nhật Bản để học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn của nước này.
Dù mới khởi đầu cho mô hình nông nghiệp sạch này, nhưng trên hơn 3 ha đất Cồn Ma, với mô hình rau hữu cơ kết hợp trồng táo, chăn nuôi gà, vịt, mỗi năm Hoàng thu được 600-700 triệu đồng, lãi gần 300 triệu đồng.
Hoàng cho biết, xã Quỳnh Bảng và Quỳnh Lương kề bên nằm gần biển, đất pha cát, là vùng sản xuất rau lớn nhất của Nghệ An hiện nay. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa tạo được thương hiệu rau sạch đúng nghĩa.
“Tôi sẽ mở rộng mô hình này trong thời gian tới. Mục tiêu của tôi là tạo được sản phẩm nông nghiệp sạch đúng nghĩa để cung cấp cho thị trường, và cũng hy vọng sẽ thay đổi được cách sản xuất nông nghiệp kiểu truyền thống, vốn sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học”, Hoàng nói về trang trại và kế hoạch của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.