Bí thư Hà Nội: Các dự án đường sắt 'cứ nhẹ nhàng mà chậm'

18/02/2017 18:18 GMT+7

Chỉ rõ 5 hạn chế trong xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hiện nay, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, nếu đường sắt đô thị chậm chạp như hiện nay thì rất khó cho việc hạn chế phương tiện cá nhân .

Làm việc với Ban quản lý dự án đường sắt đô thị sáng nay 18.2, Bí thư Hoàng Trung Hải nhắc vui: hoạt động của ban đã có tiến bộ so với trước đây hoạt động như... du kích. Theo ông Hải, ban quản lý không chuyên nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến các dự án chậm chạp, minh chứng là việc xử lý gói thầu số 6 tuyến số 2, mất gần 2 năm mới xong.
“Hết năm 2020 mới có 75 km đường sắt đô thị, chỉ chiếm 20% chiều dài mạng lưới, đó là phải rất nỗ lực may ra mới đạt được, nếu chậm còn kéo dài hơn nữa. Như tuyến số 1, đã 4 năm nay không chuyển động gì, tuyến số 6 thì 2 năm nay. Theo kế hoạch đưa ra, tới năm 2030, dự kiến mới đạt được 30% chiều dài, tổng vốn theo quy hoạch. Các dự án cứ nhẹ nhàng mà chậm”, Bí thư Hoàng Trung Hải chỉ rõ.
Cũng theo ông Hải, sắp tới thành phố tính tới việc hạn chế phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy thì phải có phương tiện thay thế hiện đại, văn minh, tiện lợi người dân mới đi. Nếu không có giải pháp đặc thù, không đẩy nhanh tiến độ các dự án thì thảm họa, sẽ không còn chỗ mà đi, tắc đường 3 - 5 tiếng, cả hệ thống không hiệu quả, người dân bức xúc.
“Đường sắt đô thị có vai trò rất quan trọng với giao thông, đặc biệt là giảm ùn tắc. Việc triển khai dự án quá chậm chạp như hiện nay không thể đáp ứng yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cũng “bắt bệnh” các dự án đường sắt đô thị với 8 khó khăn chính là: thủ tục đầu tư phức tạp, luật Đấu thầu mới khó khăn, thủ tục ODA khó khăn, trần nợ công, giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa có cơ chế đặc thù cho các dự án…
“Gần đây có một số nhà đầu tư trong nước có văn bản xin đầu tư đường sắt đô thị. Hôm qua chúng tôi làm việc với tập đoàn Xuân Thành, sau khi nghe trình tự đầu tư, phương án tài chính, thủ tục…, nhà đầu tư cũng thấy khó khăn. Nếu làm BT thì khó đủ đất cho nhà đầu tư hoàn vốn, nếu làm BOT thì không thu phí được, chỉ kết hợp BT và BOT, quỹ đất các khu đô thị dành cho nhà đầu tư, còn bao nhiêu quay lại cho thu phí BOT và trợ giá. Nhưng trước mắt đến 2020 vẫn phải kiên trì với nguồn vốn ODA”, ông Tứ cho hay.
Còn theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, tuyến số 2 - 3 hiện nay đã rất chậm, nếu không quyết tâm đến năm 2021 cũng chưa xong. Trước kiến nghị của Ban quản lý thay thế Tư vấn trưởng Systra, ông Hùng cho rằng, ban phải quản lý sâu sát, không để tư vấn tự tung tự tác quá nhiều, giao thời hạn cho tư vấn, không làm được phải thay.
Hà Nội cần 32 tỉ USD cho 9 tuyến đường sắt đô thị
Theo quy hoạch chung, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài 372,5 km (bao gồm các đoạn kéo dài các tuyến đường metro trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh). Trong đó: 140,8 km cầu cạn, 167 km cầu cạn kết hợp với đi bằng và 64,7 km đi ngầm. Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700.801 tỉ đồng, tương đương 31,42 tỉ USD. Đến năm 2030 cần 18,29 tỉ USD, sau năm 2030 cần 13,13 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.