Bí quyết học tiếng Việt của cầu thủ ngoại

23/07/2005 21:54 GMT+7

Đang ngồi "lai rai" cùng "đám" bạn thân là cầu thủ bóng đá trong ngày cuối tuần được xả hơi, bỗng một giọng hát trong veo vang lên: "Người yêu ơi có biết anh nhớ em nhiều lắm, những đêm trong giấc mơ tay nắm tay nghẹn ngào...". Trời! Một bài nhạc trẻ của Duy Mạnh (PV)! Cứ thế, ca sĩ này hát thêm vài câu nữa trong ánh mắt tò mò của những người có mặt. "Hắn" là Manit - cầu thủ Thái Lan mới qua Việt Nam chưa đầy nửa năm.

Theo chân các đàn anh như Isawa, Worawood Srimaka..., Manit chuyển đến chơi cho CLB V-League Hoa Lâm Bình Định hồi đầu mùa. Hôm ấy, Manit đi cùng một đồng nghiệp người Việt đang chơi bóng tại Thái. Sau này hỏi lại anh mới biết: "Chàng ta chỉ cố gắng hát nhái theo vì đâu biết mặt chữ như thế nào. Hắn cũng nói ngọng nghịu được một số câu đơn giản, nhưng chủ yếu vẫn lãnh hội sự chỉ đạo của HLV qua động tác chân tay, nhiều hơn bằng tiếng Việt. Song dù sao, cậu cũng đã học tiếng Việt rất nhanh, vì thực tế vào thời điểm đó, Manit chỉ mới qua Việt Nam được hơn 3 tháng".

Câu nói của cầu thủ đang chơi bóng tại Thái khiến chúng tôi tò mò. Suốt ngày quần quật với trái bóng, ngoại binh lấy thời gian đâu mà học tiếng Việt? Ngoài ra, một vài người chỉ có hợp đồng ngắn hạn với các CLB Việt Nam thì học tiếng Việt để làm gì?  Và chúng tôi đi tìm câu trả lời...

Học "đa phương tiện"

Chắn chắn chẳng có trường lớp nào cả! Vì quỹ thời gian của cầu thủ trong một ngày chủ yếu để tập luyện và thi đấu. Như cái cách Niweat Siriwong - chàng trung vệ người Thái, đội trưởng của Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina, thì quả là tỉ mỉ chẳng ai bằng. "Mỗi lần nghe ai nói gì không hiểu, Niweat lập tức hỏi lại người bạn đi cùng - thường trong những tình huống này là thủ môn - đội phó của Đông Á - Thép Pomina Thế Anh phải ứng cứu (PV). Sau đó, mình cố gắng ghi nhớ ý nghĩa của các từ đó, hoặc nếu có giấy bút thì ghi lại, câu nói của họ đề cập đến điều gì và "thứ" đó khi phát âm được nói như thế nào. Trên sân tập, tôi đề nghị HLV và trợ lý ngôn ngữ chỉ dùng tiếng Anh khi thật sự cần thiết. Tôi sẵn sàng hỏi lại khi chưa hiểu, nhưng cũng vẫn chỉ dùng tiếng Việt mà thôi. Cứ như thế, vốn tiếng Việt của tôi khá dần lên sau 2 năm thi đấu cho Đông Á. Ngày xưa, khi còn chơi bóng ở giải S-League (giải VĐQG Singapore), tôi cũng làm những thao tác tương tự để làm quen với tiếng Anh" - cầu thủ 2 lần xuất sắc nhất Thái Lan (năm 2000 và 2004) cho biết. Ngoài khả năng chuyên môn tuyệt vời, sự mẫu mực trong và ngoài sân cỏ, Neweat được tín nhiệm giao chiếc băng đội trưởng hồi đầu mùa giải hạng nhất 2005 cũng nhờ khả năng nói tiếng Việt đạt đến độ hoàn hảo của anh. "Tôi không cần phải tiếp xúc với nhiều người. Thậm chí tại bản doanh của CLB, tôi cũng chỉ ở một mình một phòng. Điều quan trọng là bạn phải biết cách lắng nghe và cố gắng hỏi cho hết ý người khác nói. Sau đó tập lại nhiều lần. Bất đắc dĩ lắm mới phải dùng vài từ tiếng Anh để làm cầu nối. Tôi đã luôn cố gắng như thế" - Niweat Siriwong cho biết thêm. Giờ với tư cách là đội trưởng, từ việc nhắc nhở đồng đội trên sân, đến sinh hoạt hằng ngày, trả lời báo chí hay pha trò, nói chuyện tình yêu..., Niweat chỉ dùng mỗi một thứ ngôn ngữ: tiếng Việt Nam. Có lần gọi điện về Thái Lan cho mẹ, Niweat còn vô tình nói một vài câu tiếng Việt khiến mẹ anh chẳng hiểu mô tê gì. Niweat hiện đang "yêu một cô gái Việt Nam, ở Sài Gòn". Dự định 2 năm nữa hai người sẽ làm đám cưới tại Việt Nam.

Cách đây 2 năm, tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội đang ăn cơm trưa thì có tiếng chuông reo liên hồi. Khách nào mà "dữ" như hổ. Hai cầu thủ da màu Achilefu và Esele đóng bộ comple, rủ nhau bắt xe taxi từ khách sạn Melia đến 218 Tây Sơn. Hỏi sao biết địa chỉ, Achilefu rút từ trong túi ngực tờ Báo Thanh Niên và bảo: "Thì nhìn vào đây chứ sao. Sáng sớm, ra sạp báo mua hai tờ Thanh Niên và Thể Thao. Không biết tiếng Việt nhưng mua báo để xem ảnh mình được lăng - xê cũng thấy khoái!". Đang tươi cười hớn hở, Achilefu nhăn mặt: "Lúc nãy gặp chuyện bực mình. Hai thằng đã tính bắt xe ôm nhưng mấy ông lái xe cứ làm như mình không biết gì về Hà Nội. Đi từ phố Lý Thường Kiệt về đây mà bắt chẹt 50.000 đồng. Đây đã tham khảo mấy cậu trong đội rồi nhé, chỉ 20.000 đồng là hết cỡ. Bỏ ra từng ấy tiền đi taxi sướng hơn". Ba tháng sau gặp lại, "Phu" khoe đã biết đọc và nói được một chút tiếng Việt, nhưng viết thì chịu chết vì không thể nhớ được các dấu. Anh chàng lém lỉnh này xin lãnh đạo Sở TDTT Nam Định và Ban huấn luyện cho được ở riêng với mục đích rất dễ thương và rất khó từ chối: học ngoại ngữ cho tiện. Vợ chồng con cái thuê một cái nhà gần chợ, nơi mà chẳng ở đâu ngôn ngữ cuộc sống lại phong phú bằng. Cựu tiền đạo Nam Định này luôn có một quyển sổ, đi đâu cũng ghi ghi chép chép. Giờ thì vốn từ vựng về... tiếng lóng của "Phu" cũng khá ra phết. Một bữa,  Báo Thanh Niên có bài đăng về cầu thủ Mouricio Louis của CLB ACB, sáng sớm hôm sau đang tranh thủ ngủ nướng thì phóng viên bị dựng cổ dậy bởi cú điện thoại của Achilefu (lúc này đã rời Nam Định về đầu quân cho ACB): "Này, đọc báo chưa! Tôi đang dịch cho Louis nghe đây. Louis khoái lắm! Tất nhiên là vừa dịch vừa... bịa vì có hiểu hết được đâu. Hà... hà!".

Tiếng Việt có thực sự khó học?

Phần lớn các cầu thủ nước ngoài đang chơi bóng tại Việt Nam một thời gian dài đều có thể nói, nghe thậm chí hát tiếng Việt. Nhưng tới mục viết, thì cũng phần lớn phải "potay.com". Nhiều nhất, họ chỉ có thể viết những tin nhắn không dấu, ngắn gọn bằng điện thoại hay Yahoo Messenger (chat). Song với anh chàng Zico Thái - Kiatisak, mọi chuyện nay đã khác.

Thỉnh thoảng, Zico lại ôm cây ghi-ta rong ruổi giữa tập thể với các bài hát Thái hoặc bài hát tiếng Anh phổ biến. Nhưng giờ, Kiatisak còn có thể Hát với dòng sông theo cách của ca sĩ Mỹ Tâm hay ca vọng cổ giống chất của người đồng đội của Quang Trãi - cầu thủ quê gốc miền Tây. Khả năng nói tiếng Việt của Zico thuộc hạng "siêu" nhất trong số các cầu thủ ngoại đang chơi bóng tại Việt Nam. Về điều này, Zico hoàn toàn có thể sánh ngang với cựu GĐKT LĐBĐ Việt Nam, ông Rainer Wilfeld người Đức. Qua Việt Nam 4 năm trước, Kiatisak cũng chẳng biết mô tê gì một câu tiếng Việt. Nhưng với bản năng ham học hỏi, sự điềm đạm và một nụ cười thân thiện luôn nở trên môi bất luận mọi tình huống..., Zico Thái tiến bộ rất nhanh. Chiếc băng đội trưởng đội bóng phố núi HAGL trên tay Zico đã nói lên mọi thứ. "Trên sân, ngôn ngữ là bóng đá. Nhưng cũng có một thứ tiếng rất quan trọng khác tôi vẫn thường sử dụng. Đó là... tiếng Việt. Thứ tiếng tôi đã cố gắng học thật nhanh, thật chính xác để có thể nói chuyện được với đồng đội và HLV. Đến nay tôi đã có thể viết được một lá thư hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Bản thân tôi cũng còn hơi... bất ngờ (cười)" - Zico vui vẻ tâm sự.

Một trường hợp tương tự là thủ thành người Ugranda Samuel Kawala Mujabi (thường được gọi với cái tên thân mật Kawalya), hiện đang chơi bóng tại Tiền Giang. Samuel Mujabi không nói tiếng Việt sành như Kiatisak hay Niweat. Khi nói chuyện với chúng tôi, anh vẫn phải dùng tiếng Anh. Nói được ít, viết được còn ít hơn nhưng Kawalya nói, anh có thể hiểu được ý đồ truyền đạt của HLV và đồng đội. Anh chàng da màu này cũng rất sành về sử dụng tiếng "lóng". Nên đừng dại gì mà chửi thề hay nói xấu anh ta trước mặt nhé.

Tại sao họ lại học tiếng Việt?

Các trợ lý ngôn ngữ tại các đội bóng luôn nói với họ cần phải học tiếng Việt càng nhanh càng tốt. Vì trước nhất tiếng Việt giúp các ngoại binh thuận lợi hơn trong công việc mưu sinh tại Việt Nam. Nhưng chưa đủ! Trên hết, đó là một thái độ hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp. Người ngoại quốc vốn cũng rất ham học hỏi. Những cầu thủ chuyên nghiệp muốn lãnh hội hết cuộc sống trong và ngoài sân cỏ tại bất cứ nơi đâu họ đến. Niweat Siriwong chia sẻ về điều này: "Tôi không biết khi kết thúc hợp đồng với Đông Á - Thép Pomina tôi sẽ ở lại Việt Nam hay quay về Thái Lan. Nhưng để phục vụ tốt nhất cho việc thi đấu trong khoảng thời gian ở đây, trước nhất bạn phải biết tiếng bản địa. Chẳng ai nghe bạn nói tiếng Thái ở Việt Nam cả. Bạn phải tự tìm cách thích nghi thôi". Tận dụng những tuần nghỉ phép, Niweat vẫn tham gia các trận bóng đá phong trào cùng dân nghiệp dư chúng tôi. Anh từng nói với tôi muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam - nơi anh có rất nhiều fans hâm mộ, để được thi đấu cho CLB ở đây như một cầu thủ nội. Đó là một thái độ hết sức nghiêm túc bởi từ lâu, Niweat đã rất yêu mến đất nước, con người Việt Nam.

Lan Phương - Điệp Anh - Đỗ Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.