Bi hài chuyện đỗ xe ở phố

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
09/12/2018 10:06 GMT+7

Một hôm nói với mọi người, đời sống khu phố mình cao thật, nhà nào cũng có ô tô, dễ đến năm sáu chục chiếc. Hóa ra không phải.

Rất nhiều người mua xe để chạy Grab và họ đỗ ở đường Thi Sách vì đó ngay cạnh sân bay Đà Nẵng. Sân bay lên xuống nhiều chuyến, gọi cái là họ chạy cho nhanh.
Đỗ hết đường lớn họ vô kiệt (hẻm). Không gì bực mình bằng mỗi sáng lấy xe đi làm đã thấy một chiếc ô tô đỗ chắn ngang cửa. Mở cửa đi tìm chẳng thấy tài xế đâu.
Một hôm tôi làm cái giấy treo trước cửa: “Đậu xe xin để lại số điện thoại ngay dưới bảng này để khi cần thì gọi”. Sáng ra thấy cái bảng nằm dưới gầm xe của anh Grab.
Trên nhiều tuyến phố sầm uất của Đà Nẵng, thỉnh thoảng lại gặp một cái bảng đặt ngay trên vỉa hè, sát mép đường: “Không được đỗ xe ô tô” dù trên đường có kẻ vạch cho đỗ xe.
Hôm đó, tầm trưa, chọn chỗ có vạch đỗ xe trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng), dừng xe chờ người. Vẫn ngồi ghế lái, máy nổ, xi nhan (để xe khác biết mình sẽ đi nhanh thôi và họ có chỗ đỗ).
Một thanh niên chừng 27 - 28, mặc bộ đồ đen, đi từ khách sạn R. ra, gõ cửa xe mạnh khác thường: "Ông đánh xe đi đi". Tôi hỏi: "Vì sao? Đây có vạch cho phép đỗ xe mà?". Anh ta mặt đằng đằng: “Đây nhà người ta, đi đi".
Tôi cự: "Trên đường Nguyễn Văn Linh này có chỗ nào không nhà người ta, có vạch cho đỗ rồi mà ai cũng nói thế thì xe đỗ đâu? Vả lại tôi đang ngồi trên xe chờ người xí đi liền, không đỗ". Anh ta đe: "Ông dừng đó có gì tui không chịu trách nhiệm mô nghe. Đừng trách!".
Quá bất ngờ vì cách nói năng hiếm nghe ở Đà Nẵng (cũng có chỗ họ không cho dừng nhưng không đe nẹt kiểu đó), tôi tắt máy, xuống xe: "Xe tôi không cần anh chịu trách nhiệm, nhưng đụng vào là tôi không chịu trách nhiệm à nghe".
Vì bực mình về thái độ của anh nhân viên ở khách sạn mà làm cứng thế thôi chứ thực ra nếu gây gổ kiểu đó thì có mà gây… suốt ngày. Nhưng chuyện này đã thành phổ biến, nhiều người cứ coi đường phía trước nhà họ như là… của mình là không phải. Ấy là chưa kể trên vỉa hè họ đã để đầy xe máy không còn chỗ lách chân. Mình buôn bán thì người ta cũng thông cảm thôi, nhưng đôi khi cần việc, ví như vào giao dịch hoặc mua bán chỗ gần đó họ đỗ xí thì cũng phải thông cảm cho họ chứ.
Người Nhật tổng kết văn hóa của họ chỉ bằng một câu ngắn gọn: “Không làm phiền người khác”. Chúng ta xây dựng văn hóa đô thị với rất nhiều tiêu chí nhưng có lẽ, chỉ nhớ điều đó là đủ.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: nhipsongdothi@thanhnien.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.