Bị chồng cầm dao rượt, đánh cả trăm lần: Vợ miền Tây vẫn nhịn vì ở nhà chồng

23/09/2019 10:06 GMT+7

Suốt 8 năm trời, chị Thảo (*) 36 tuổi, quê Vĩnh Long không nhớ nổi bao nhiêu lần bị chồng đánh , cầm dao rượt lên bờ xuống ruộng. Có lần phải nhập viện nhưng chị vẫn chịu đựng hết vì con và vì sống chung với cha mẹ chồng.

Trong 9 năm yêu nhau, chị Thảo bị anh Quang (36 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) đánh nhiều lần nhưng vẫn cưới anh vì không muốn lời ra tiếng vào. Và cuộc hôn nhân 8 năm sau đó của chị là những ngày khủng khiếp khi vừa phải nhìn chồng công khai ngoại tình, vừa phải chịu những trận đánh vô cớ. Chị Thảo bị chồng đánh ở nhà, trên đường đi làm, trong công ty và ở cả trong trường học mầm non của con. Hễ vợ nói câu gì không vừa ý là anh Quang lập tức thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

‘Chồng đánh chắc… 100 lần!’

Ngày 19.9, chị Thảo nước mắt ngắn dài tìm đến Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM cầu cứu vì không thể chịu được nữa sau gần 17 năm trời nhẫn nhịn.
Mắt đỏ hoe, chị Thảo kể, năm 2002 chị gặp và yêu anh Quang. Cả hai đều làm công nhân của công ty Pouyuen ở quận Bình Tân (TP.HCM). Trong thời gian yêu nhau, dù nhiều lần bị anh Quang đánh nhưng chị Thảo vẫn không chia tay vì… thương.
“Quen đến năm thứ 9, tôi cũng ngại chia tay vì sợ người ta nói ra nói vô là con này sống sao nên quen 9 năm rồi còn bị người ta bỏ nên tôi làm đám cưới. Nào ngờ, sau đám cưới anh ta đánh tôi nhiều hơn nữa”, chị Thảo nghẹn ngào.
Xã hội cực kỳ lên án hành động vũ phu, bạo lực gia đình. Thế nhưng vẫn còn đó những chuyện đau lòng, cam chịu của người vợ. Để tố cáo và góp phần nói không với bạo lực gia đình, Thanh Niên Online sẽ khởi đăng các câu chuyện: Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt hãy lên tiếng! để tố cáo và ngăn chặn thói xấu này. Bạn đọc, những người vợ nếu lâm vào hoàn cảnh này, có thể chia sẻ qua email: doisong.thanhnien@gmail.com để cùng dẹp bỏ nạn vũ phu.
Bài viết và ý kiến của bạn đọc được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của Thanh Niên. Xin trân trọng cảm ơn!
Chị Thảo kể, vì làm chung công ty, chung giờ giấc nên đi vợ chồng thường về chung xe, vậy nhưng chồng vẫn kiếm lý do để ghen tuông rồi đánh, hoặc nói gì không vừa ý anh cũng đánh. Anh Quang từng đánh chị ngay trong công ty, trên đường chở chị đi làm về anh cũng dừng xe đấm thẳng vào mặt chị hoặc hất cùi chỏ khiến chị choáng váng không biết bao nhiêu lần.
“Con được 18 tháng, anh công ra, đi ngủ qua đêm với người ta nhưng hễ về nhà là kiếm chuyện với tôi. Bất kể chuyện gì, ảnh không cần nghe tôi giải thích hay trả lời, cứ không vừa ý là anh nghiến răng lại đánh. Tuần nào tôi cũng bị đánh từ 1-2 lần, chỗ bầm này chưa tan là lại đến chỗ khác, đau nhức khắp người. Tính ra tới khi ly hôn thì ảnh cũng đánh tôi trên dưới 100 lần”, chị Thảo nói.

Chị Thảo phải nhập viện vì bị chồng đánh

Vũ Phượng

Theo lời chị Thảo, thời gian đầu, nghe tiếng anh chị đánh nhau ở trong phòng riêng, ba chồng còn lên can ngăn và bênh con dâu. Nhưng sau đó thêm chồng nói những câu khó nghe nên ba chồng cũng không bảo vệ chị nữa.
Dù bị chồng đánh rất nhiều lần như vậy nhưng chị Thảo không báo với hội phụ nữ ở địa phương vì nghe lời khuyên trong ấm ngoài êm của ba mẹ chồng. Chị cũng sợ con cái lớn lên mà không có đầy đủ cha mẹ ở bên cạnh nên đành im lặng chịu đựng suốt những năm tháng dài đằng đẵng như thế. Nhưng chị càng nhịn, chồng chị lại càng làm tới.
Cũng nhiều lần chính quyền tới vì gia đình gây ồn ào nhưng rồi đâu lại vào đó, anh Quang vẫn đánh chị như cơm bữa.
Chị Thảo nhớ lại: “Có lần vào dịp lễ, chồng ôm can rượu qua nhà bạn. Tôi nói anh canh về sớm cho nhà người ta nghỉ ngơi cũng bị ảnh đánh cho tơi tả, không dám ý kiến gì nữa. Rồi khi đưa con đi học lớp lá, ảnh đánh tôi ngay trong sân trường trước mặt con và bao nhiêu đứa trẻ khác. Lần khác về quê tôi ảnh cũng đánh trước mặt mẹ tôi…”.

Bị giành quyền nuôi con

Sau nhiều năm tháng, sự uất ức bị dồn nén đã lên đến đỉnh điểm, chị Thảo nộp đơn ra tòa xin ly hôn để giải thoát cho chính mình. Ngày 19.8.2019, phiên tòa ly hôn của anh chị diễn ra, chị Thảo được quyền nuôi con. Nhưng gia đình anh Quang đã giành lấy đứa bé ngay tại tòa.
Chị Thảo đau đớn chạy theo con nhưng không dám giật lại vì sợ con bị đau. Chị quay lại nhà chồng nhưng những người trong nhà đóng cửa, chỉ cho bé gặp chị qua khung cửa sắt. Không thể chịu đựng được nữa, chị Thảo tìm đến Hội phụ nữ địa phương xin trợ giúp. Sau khi đại diện địa phương qua nói chuyện với gia đình, nhà anh Quang mới đồng ý cho chị Thảo gặp con ở trước cửa nhà vào mỗi buổi chiều.

Thời gian đầu, chị và con gái chỉ có thể gặp nhau qua khung cửa sắt

Vũ Phượng

“Sáng sớm khi bé được nhà nội đưa đi học, tôi thường tới trường để mở sách vở của con xem con học bài sao. Chiều một lần nữa tôi qua nhà thăm, nhưng chỉ được ngồi ngoài đường hoặc trước nhà hàng xóm, hỏi con thích ăn gì thì tôi mang đến. Nhiều lần bé ôm tôi nói mẹ ơi con nhớ mẹ lắm, con muốn ngủ với mẹ, tôi nghe mà chỉ biết ôm con khóc. Cũng không thể nào ôm con trốn đi được vì con đang học tại đó, tôi ôm bé đi người ta cũng bắt lại mấy hồi. Nên tôi đang làm đơn để nhà chồng trả lại quyền nuôi con cho tôi”, chị Thảo nấc nghẹn khi nhắc đến con gái.
Nhìn lại những ngày tháng vừa qua, chị Thảo ví đó như những ngày sống trong ngục tù vì không có quyền tự do, cũng không có tiếng nói. Tới giờ, khi ly hôn rồi, chị vẫn sợ không biết chồng cũ có thể tìm tới đánh mình bất kỳ lúc nào…
Chị M. (hàng xóm của chị Thảo) cho biết, chị từng chứng kiến rất nhiều lần anh Quang đánh chị Thảo. Thậm chí, 29 tết, anh Quang vẫn đè chị Thảo ra bóp cổ, cầm dao rượt chị Thảo chạy vòng vòng nhưng không thấy chị Thảo phản ứng.
“Hàng xóm cũng nhiều lần can ngăn anh Quang đánh chị vợ, nhưng sau đó anh Quang quay sang đe dọa chính những người can ngăn. Và sự việc này diễn ra quá thường xuyên nên hàng xóm riết nản không ai tới can nữa”, chị M. nói.
Ông Nguyễn V.T, Trưởng khu phố ở P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân cho biết, nhiều lần vợ chồng chị Thảo đánh nhau, chính ba anh Quang là người gọi điện thoại báo khu phố để ông Thuận kêu bảo vệ dân phố đến.
“Nhưng khi đến thì anh Quang thường đi nơi khác hoặc chuyện đã xong rồi. Ba anh Quang còn nói chúng tôi đi tìm giùm ảnh đưa về phường nhưng biết ở đâu mà tìm. Hồi đầu, ba anh Quang cũng bênh vực con dâu, nhưng sau thì không bênh nữa, tôi cũng không biết tại sao”, ông T. chia sẻ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, phụ nữ bị chồng đánh thường nói cam chịu vì con. Nhưng thực ra, trong nhiều phiên tòa vị thành niên, chính những người mẹ cho biết ngày trước thấy ba đánh mẹ sao là giờ trẻ gây án y chang hành vi đó. Những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình có bạo lực thường bị sang chấn tâm lý và có những hành vi sai trái.
Theo luật sư Nữ, phụ nữ khi bị chồng đánh cần liên hệ ngay với hội phụ nữ địa phương để được trợ giúp pháp lý vì hiện đã có luật liên quan đến bạo hành gia đình, nếu không đủ tỉ lệ thương tật để khởi tố, người đánh vợ có thể bị quy vào tội hành hạ người khác. Hội cũng sẽ hỗ trợ pháp lýt để trong trường hợp ly hôn, phụ nữ sẽ được quyền nuôi con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.