Besançon bừng tỉnh sau phong tỏa chống Covid-19, người Việt 'tung tăng' mua sắm

26/07/2021 14:52 GMT+7

Lũ trẻ hào hứng hết nấc như lần đầu được nghỉ hè sau bao ngày nước Pháp phong tỏa vì Covid-19 . Đường phố râm ran những kế hoạch nọ kia. Nước Pháp nói chung và Besançon nói riêng bừng tỉnh sau hơn một năm sống cầm chừng.

Sống trong "chảo lửa" Covid-19

Thứ tư, 9.6.2021, nước Pháp tiến hành những bước đầu tiên trong cuộc gỡ bỏ các biện pháp cấp bách áp dụng trong cuộc đại phong tỏa chống Covid-19, bao gồm bốn giai đoạn: nới lỏng giờ giới nghiêm, lần lượt mở cửa các cửa hàng ăn uống với những điều kiện vệ sinh dịch tễ, các địa điểm hoạt động văn hóa và vui chơi hoạt động trở lại (cửa hàng, phòng thể thao, hồ bơi, nhà hàng, rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng). Bắt đầu từ 0 giờ ngày 30 tháng 6, tất cả các biện pháp giới nghiêm được bãi bỏ với một số điều kiện: có chứng nhận vắc xin Covid-19 cho những sự kiện có 1.000 người tham gia, mỗi sự kiện được tổ chức với số lượng tối đa là 2.500 người và bắt buộc mỗi người phải duy trì những biện pháp phòng dịch (tẩy trùng thường xuyên ở các địa điểm công cộng, sát khuẩn và bắt buộc đeo khẩu trang trong khu vực khép kín).
Thành phố Besançon là một thành phố cỡ trung tại Pháp, nằm ở miền Đông giáp biên giới Thụy Sĩ. Nơi đây từng là chảo lửa đầu tiên của Covid-19. Số lượng người lây nhiễm tăng mạnh qua mỗi giờ, từ trăm người mỗi ngày đến cả nghìn người… chỉ tính những ca đã qua xét nghiệm.
Trước khi Pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài gần hai tháng lần thứ nhất, Besançon đã phải thực hiện di chuyển bệnh nhân về các khu vực lân cận. Khoa cấp cứu cũng như tất cả các khu vực không chức năng (hành lang, phòng chờ…) của bệnh viện được biến thành những bệnh viện dã chiến.
Sống trong tâm bão: Kết quả của phong tỏa

Phòng chờ tiếp nhận điều trị

ẢNH: QUYÊN GAVOYE

8 giờ sáng chủ nhật, 4.7.2021, vì một sự bất cẩn nhỏ dẫn đến bị thương, chúng tôi có mặt tại khoa cấp cứu của bệnh viện trực thuộc thành phố Besançon. Sau khi qua cửa tiếp nhận, chỉ người cần tiếp nhận cứu chữa được phép đi vào khu vực cứu thương để tránh sự tiếp xúc không cần thiết.
Phòng chờ tiếp nhận điều trị của khoa cấp cứu, giữa bốn bức tường trắng tinh lác đác vài ba chiếc giường đẩy có người nằm, những chiếc còn lại trống trơn. Cô y tá tiếp nhận tôi sắp xếp giường nằm và tiến hành thử PCR để phân loại khu vực điều trị. Trong lúc chờ kết quả, chúng tôi trò chuyện để thả lỏng và làm dịu bớt cơn đau gây ra bởi vết thương.
Nữ y tá giải thích rằng, tính từ đầu dịch đến hôm nay, số nạn nhân trực tiếp của Covid-19 tại Pháp khoảng 111.000. So với con số trên dưới 30.000 người phải nhập viện mỗi ngày (vào thời gian đỉnh của dịch), hiện tại nước Pháp chỉ còn dưới 1.000 người. Số nạn nhân cũng theo đó giảm sâu, từ con số vài trăm người chết vì Covid-19 xuống còn trung bình dưới 50 nạn nhân sau mỗi 24 giờ.
Nữ y tá khẳng định việc gỡ bỏ phong tỏa là một quyết định mang tính đột phá của chính phủ trong cuộc chiến Covid-19 tại Pháp. Nó ngầm thừa nhận những kết quả khả quan của hơn một năm thực hiện các biện phong tỏa khác nhau trên toàn lãnh thổ và những trái ngọt đạt được từ chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn quốc. Tính đến nhôm nay, 64% dân số Pháp trên 18 tuổi đã nhận được một liều, 46% dân số đã được tiêm hai liều, trong đó 84% người trên 65 tuổi đã hoàn thành việc tiêm chủng. Bắt đầu từ ngày 15.6, nước Pháp mở rộng việc tiêm chủng tới lứa tuổi trên 12 tuổi.
Từ hơn một tháng nay, khoa cấp cứu đã lấy lại nhịp làm việc bình thường dù Covid-19 vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày.
Sống trong tâm bão: Kết quả của phong tỏa

Robot thu ngân Décathlon

ẢNH: QUYÊN GAVOYE

Người Việt trải nghiệm tính tiền với robot

Thứ tư, ngày 7.7.2021, lũ trẻ chính thức nghỉ hè. Chúng tôi tranh thủ đi shopping sau hơn một năm mua bán những nhu yếu phẩm không cần thiết (đồ chơi, giày dép, quần áo…) qua mạng.
Cửa hàng đầu tiên chúng tôi lựa chọn là chuỗi đại lý lớn nhất nước Pháp về văn hóa và các vật dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ “Cultura”. Khác với trước đại dịch, giấy gói quà được cắt sẵn, đặt trên bàn ngay ở lối ra cửa hàng, người tiêu dùng được khuyến khích mang giấy về nhà thay vì gói quà tại cửa hàng để tránh tiếp xúc phòng Covid-19.
Sống trong tâm bão: Kết quả của phong tỏa

Khách hàng có thể mua một mặt hàng và trả tiền tại chỗ không cần qua robot thu ngân

ẢNH: QUYÊN GAVOYE

Ở chuỗi cửa hàng bán trang thiết bị thể thao và du lịch “Décathlon”, nơi có số lượng khách hàng lên tới hàng nghìn lượt mỗi ngày, nhất là vào đầu dịp nghỉ hè, các quầy thu ngân có người ngồi đã được thay thế bằng các robot giúp giảm được sự ùn tắc vào giờ cao điểm.
Khác với những quầy tự động với kỹ thuật scanner bằng tay trước đây (người mua tự quét mã hàng), bây giờ chỉ cần đặt cùng lúc toàn bộ số lượng hàng hóa vào giỏ, các robot của Décathlon sử dụng kỹ thuật RFID (Nhận dạng tần số vô tuyến) để giảm sự tương tác giữa với môi trường xung quanh.
Chỉ trong vài giây RFID quét tất cả các mã hàng có trong giỏ mà không có sự tiếp xúc với người trung gian và làm giảm thời gian chờ đợi của đám đông. Tất nhiên, số lượng nhân viên thu ngân của cửa hàng được chuyển sang chế độ giám sát tránh sai sót và trợ giúp những khách hàng gặp khó khăn với công nghệ mới.
Sau hơn một năm, lũ trẻ nhà tôi không có cơ hội đến các khu vực mua sắm để tránh sự lây nhiễm, chúng vô cùng hào hứng bới những thay đổi của môi trường xunh quanh. Cuộc phong tỏa chống Covid-19 trong một thời gian kéo dài đã có không ít ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi, nhưng chúng buộc phải học cách thích nghi và vô cùng hào hứng với cuộc sống mới...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.