Bên trong vẻ ngoài trí thức là một người chồng thô lỗ

27/11/2016 10:18 GMT+7

Ngay chính chị cũng nghĩ một người như anh sẽ không bao giờ có thể thốt ra những lời lăng mạ người khác hay nặng lời với ai, chứ đừng nói là với vợ mình.

Hơn mười giờ tối, cả dãy nhà giật mình bởi giọng nói chát chúa của một người đàn ông:
- Mẹ kiếp, cô đi làm đ... phương nào mà giờ mới về!? Cô biết giờ này là mấy giờ không?
Sau vài giây bất ngờ, mọi người càng ngỡ ngàng hơn khi xác định được giọng nói đó là của anh K., giảng viên một trường đại học danh tiếng có vợ là cán bộ phường xinh đẹp và giỏi giang.
Cứ mỗi sáng anh K. lại xuất hiện dưới bãi giữ xe trong trang phục chỉn chu sang trọng, đưa con đến lớp, chở vợ đi làm rồi mới đến trường. Ai cũng thấy đó là một gia đình kiểu mẫu mà nhiều người mơ ước. Chỉ những người ở cùng dãy nhà C mới biết được mặt trái của sự thật nơi cái gia đình trí thức đáng ngưỡng mộ ấy.

tin liên quan

Ai nói lấy chồng bộ đội là khô khan!
Trong suy nghĩ của một đứa học văn, hay thơ thẩn mộng mơ như tôi trước giờ, chuyện lấy một ông chồng theo binh nghiệp là ngoài sức tưởng tượng.
Một lần chị tâm sự với tôi rằng, ngày xưa anh K. từng đánh bại nhiều người khác trước khi chinh phục được chị và những bậc phụ huynh khó tính của chị bằng sự đạo mạo, trí thức của mình. Bố mẹ chị hết lời khen ngợi chàng trai trẻ có chí tiến thủ, sớm có được học hàm học vị khi tuổi đời còn rất trẻ, vừa nói năng nhã nhặn dễ thương.
Ngay chính chị cũng nghĩ một người như anh sẽ không bao giờ có thể thốt ra những lời lăng mạ người khác hay nặng lời với ai, chứ đừng nói là với vợ mình. Và những câu chửi thề, nói tục có lẽ càng xa lạ với anh hơn.
Thế nhưng ngay sau đám cưới chị đã ngỡ ngàng tột độ khi nghe anh thốt lên:
- Mẹ nó! Bạn bè kiểu chó gì mà đám cưới chỉ đi có từng này tiền!
Khi đó anh không hề say rượu. Chị tròn mắt nhìn anh, và bất ngờ hơn khi anh bồi thêm: Có gì mà em ngạc nhiên thế. Em tưởng anh là thần thánh chắc?!
Anh luôn tự hào mình là người trí thức, có địa vị xã hội. Mỗi khi nhà anh chị có đám tiệc thường bày biện nhiều mâm, nhưng bao giờ cũng phải “phân loại” khách khứa đâu ra đó. Nếu là bà con ở quê hay dân “lơ tơ mơ” thì ngồi những bàn khác, còn những người được liệt vào dạng có ăn có học sẽ ngồi một bàn riêng cho cùng đẳng cấp.
Ông nội của bé Bo, tức bố chồng chị, cũng hãnh diện nói về anh như thế. Ông bảo, từ nhỏ anh đã biết định hướng tư duy và sống rất rõ ràng, khuôn phép. Đi học anh chỉ chọn bạn là những đứa con nhà giàu, học giỏi để ngồi cùng, chơi cùng chứ không bao giờ đánh đồng mình với “mấy thứ tạp nham” khác.
Ông bảo, gia đình ông có truyền thống khoa bảng, toàn thành phần trí thức, người ít học nhất cũng tốt nghiệp đại học. Ông không hài lòng khi thấy thằng Bo đọc truyện tranh, ông bảo “tuổi trẻ mà không học về già sẽ hối tiếc”... nên cứ phải học, học và học thôi. Còn việc giải trí, vui chơi chỉ khiến tốn thời gian, tiền bạc chứ chẳng có ích lợi gì.
Ông muốn Bo, thằng cháu đích tôn của ông cũng phải biết chọn bạn mà chơi từ khi còn nhỏ, như bố nó. Thằng Bo có vẻ lĩnh hội tốt những lời giáo huấn của ông nội nên dạo này chị thấy nó không còn hòa đồng trong cách chơi bạn nữa mà thay vào đó là sự chọn lọc rất “đẳng cấp”.
Chị nói với tôi rằng ngày xưa bố mẹ chị cũng từng là giảng viên trước khi về hưu, ông bà cũng là thành phần trí thức nhưng rất bình dân và gần gũi với mọi người chứ không phân biệt trong cách đối xử với riêng ai.
Bố chị bảo: Trí thức là những người có kiến thức và trình độ chuyên môn nhằm phục vụ cho xã hội chứ không phải là tạo nên sự phân tầng xã hội. Ấy thế mà giờ đây, chị bất lực khi nghe con trai mình mạnh dạn tuyên bố như một người lớn rằng: “Trí thức là người có quyền quyết định trong gia đình và cả ngoài đời nữa”.
Chồng chị thì thích chí cười to khi nghe thằng Bo nói thế, còn chị thì ngao ngán thở dài. Ừ thì, trong cái gia đình này anh là người trí thức… hơn chị, xét về mặt học hàm học vị và số năm tháng tiêu xài cho việc học, nên anh có quyền lèo lái và quyết định mọi việc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.