Bé gái 7 tuổi là thiên thần dẫn đường cho cả cha mẹ

17/06/2018 12:31 GMT+7

Bé Nguyễn Phùng Xuân Trúc (7 tuổi, ngụ Đà Lạt) có đôi mắt to tròn như bù đắp cho cả người cha và mẹ khiếm thị. Và chính đôi mắt của thiên thần nhỏ bé này đã dẫn đường cho cả gia đình suốt bao năm qua.

Hạnh phúc mang tên đôi mắt
Anh Nguyễn Trung Trực (52 tuổi) và chị Phùng Ngọc Linh (43 tuổi) quen biết nhau ở Hội người mù tỉnh Lâm Đồng vì cả hai đều là người khiếm thị. Sau 6 năm yêu nhau, anh chị có ý định kết hôn nhưng gặp phải sự phản đối của gia đình. 
Với tình yêu mộc mạc chỉ cảm nhận được bằng trái tim, anh chị cũng thuyết phục được gia đình đồng ý. Một năm sau, bé Trúc ra đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình hai bên.
"Ai cũng sợ khi có con thì con sẽ khiếm thị giống cha mẹ, nhưng người nhà nói đôi mắt Trúc lại sáng long lanh như bù đắp tất cả cho vợ chồng tôi. Vậy nên ai nấy đều vui mừng", anh Trực nhớ lại.
Nói về đứa con gái bé bỏng của mình, anh Trực hạnh phúc kể: "Ai cũng nghĩ vợ chồng tôi đều không thấy đường nên việc chăm con gặp nhiều khó khăn. Ngày Trúc còn nhỏ, mỗi lần đưa muỗng cơm ra phía trước là Trúc lại tự ngoái cổ lên để ăn nên vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả. Trúc cứ từ từ lớn lên như vậy giống như người ta nói là con trời nuôi".
Cả gia đình dù khó khăn nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười Ảnh: Huỳnh Trang
Chị Linh cũng tự hào khi kể về con gái. Chị cho biết, từ lúc còn bé cho đến hiện tại, Trúc không để bố mẹ bận tâm chuyện gì mà luôn tự giác chăm sóc cho bản thân và chăm sóc cho cả bố mẹ.

Ngoài giờ học ở trường tiểu học Phan Như Thạch (TP. Đà Lạt), Trúc theo bố đến nơi làm việc ở Hội người mù. Nhờ vậy, Trúc hiểu hơn về người khiếm thị. Nhiều lúc bố mẹ không cần nói em cũng chủ động tìm cái này cái kia giúp bố mẹ khi thấy bố mẹ đang loay hoay gì đó. 
Thiên thần dẫn đường cho bố mẹ
Trúc có đôi mắt sáng long lanh như một thiên thần. Chúng tôi hỏi ở nhà con thường làm gì giúp ba mẹ, Trúc hồn nhiên trả lời: "Ở nhà con thường úp chén, quét nhà, rửa chén cùng mẹ. Con thấy như vậy ba mẹ rất vui nên con sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa và giúp đỡ ba mẹ".
Nghe con nói vậy, anh Trực cũng hãnh diện kể thêm: "Trước có giấy tờ gì là hai vợ chồng đều phải nhờ hàng xóm, còn bây giờ đưa hết cho Trúc đọc, không cần nhờ ai hết. Rồi giờ khi có giấy thông báo của trường cháu cũng tự đọc rất rõ cho bố mẹ nghe".
Khi anh Trực vừa dứt lời, bé Trúc ngại ngùng nấp mình vào vòng tay của ba.
Mới 7 tuổi nhưng Trúc đã làm hết mọi việc trong nhà để phụ giúp ba mẹ Ảnh: Huỳnh Trang
Mái ấm nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc là vậy nhưng đằng sau ấy là nỗi lo của anh Trực và chị Linh luôn thấp thỏm bởi miếng cơm từng ngày và con đường đến trường của cô con gái nhỏ ngày càng chật vật hơn.
Hiện anh Trực đang đi dạy chữ nổi ở Hội người mù và số tiền phụ cấp chẳng đáng là bao. Chị Linh thì đi bán vé số, ngày nào đắt khách lắm thì mới được 100 tờ, lời 110.000 đồng. Chưa kể, vì khiếm thị nên chuyện mất vé số với chị xảy ra như cơm bữa. 
Đôi tay nhỏ thay thế gậy dẫn đường của ba Ảnh: Huỳnh Trang
Bé Trúc càng ngày càng lớn, đường đến trường cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Liệu số tiền bán vé số của mẹ có đủ nuôi dưỡng ước mơ đến trường của em hay không khi công việc của bố mẹ thu nhập còn bấp bênh, chật vật lắm mới đủ qua ngày.
Vậy nhưng, bàn tay nhỏ của Trúc vẫn cầm lấy tay ba dẫn ba đi khắp nơi. Từ ngày có Trúc, anh Trực đã không cần đến cây gậy dẫn đường nữa, bởi luôn có một cây gậy nhỏ trong bàn tay anh. 
Bán vé số là nguồn thu nhập chính của cả gia đình Ảnh: Huỳnh Trang
Sau giờ học, Trúc lại theo ba đến Hội người mù Ảnh: Huỳnh Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.