Bắt phụ nữ sống theo khuôn mẫu là quá sai?

29/03/2019 11:35 GMT+7

Giữa những ồn ào về vai trò của đàn ông và phụ nữ thời hiện đại, nhiều người khá trăn trở về việc xây dựng tổ ấm. Liệu phụ nữ có sẵn sàng lui về hậu phương để chồng kiếm tiền hay xông pha nơi "chiến trường"?

Phụ nữ Việt Nam là những siêu nhân

Là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes vinh danh, anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng, 1 trong 12 lãnh đạo dân sự 12 quốc gia tham gia Chương trình Học giả Quỹ Obama tại Mỹ cho rằng, việc xây tổ ấm không phải việc của riêng một người, quan trọng nhất, vẫn là nền tảng, luôn tôn trọng, thông cảm cho nhau.
Chị chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Cuộc sống vợ chồng thời hiện đại thường bị chi phối bởi quá nhiều cái căng thẳng trong cuộc sống, ai cũng thấy mệt mỏi, tự cho mình cái quyền được khó chịu với người kia, hoặc là suy nghĩ theo kiểu “việc anh anh làm việc tôi tôi làm”, không thấy có nhu cầu phải giúp đỡ người kia; hoặc người kiếm được nhiều tiền hơn trong gia đình thì cho phép mình đóng vai “cửa trên”, nghiễm nhiên coi việc chăm lo gia đình là trách nhiệm của người “cửa dưới”, tôi cho rằng như thế đều khiến ngôi nhà hết “ấm”.
"Nhà, phải là nơi vợ chồng phải nói chuyện, chia sẻ với nhau được, sợ nhất đến lúc không còn có thể cùng nhau nói, hay tranh luận vấn đề gì đó”, chị Hồng nói.
Cũng theo giám đốc tổ chức CHANGE, những phụ nữ tham gia nhiều hoạt động xã hội, cống hiến nhiều vì cộng đồng thường chịu nhiều thiệt thòi khi thời gian cho các con và gia đình của mình sẽ ít đi. Tuy nhiên, phụ nữ phải biết yêu thương chính bản thân mình, đừng quá ôm đồm công việc dẫn tới stress, bởi chỉ khi nào mình vui vẻ, hạnh phúc, mình mới có thể lan toả yêu thương tới người khác.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh: NVCC
“Con trai tôi ngày bé hay khóc và bảo, mẹ ở nhà với con ít quá. Tôi nhớ mãi khi còn khoảng 4, 5 tuổi, chúng tôi tổ chức Giờ Trái Đất, cuối tuần vẫn phải đi làm, hoặc phải đi nói chuyện với tình nguyện viên (TNV). Có một hôm chủ nhật, con nhất định không cho tôi đi, nó bảo là phải ở nhà chơi với con, nó chỉ muốn tôi là một mình của nó. Tôi nghĩ con nói đúng. Vậy là tôi cho con đi theo, để tôi cũng làm được việc của mình, nó được ở cạnh tôi. Đến lúc phải lên nói chuyện với cả trăm TNV, nó cũng không chịu rời mẹ, thế là tôi bế con lên sân khấu nói chuyện với các bạn trẻ luôn...”.                                                         
Chị Hồng bế con trai 4 tuổi trong một buổi nói chuyện với hàng trăm tình nguyện viên trước chương trình Giờ Trái Đất nhiều năm về trước. Ảnh: NVCC
“Tôi luôn nghĩ phụ nữ chính là các “siêu nhân”, nhất là phụ nữ Việt Nam. Chúng ta làm được hầu hết các việc nam giới làm, cũng kinh doanh, cũng nghiên cứu khoa học, cũng thành công trong mọi ngành nghề, nhưng chúng ta còn làm cả những việc nam giới không làm nổi: mang nặng đẻ đau, chăm con, bế ẵm cả đêm, trong khi chồng ngủ say, lo đủ thứ để “tổ” của mình được ấm. Nhiều người phụ nữ mong muốn “thay đổi thế giới’, làm các việc nhân đạo giúp đỡ người khác và đồng thời cũng mong muốn gia đình trọn vẹn, do đó, phụ nữ phải yêu mình nhiều hơn, chiều chuộng bản thân nhiều hơn, bớt hi sinh hơn”.

Tại sao bắt phụ nữ ở nhà cho vừa nhanh già và xấu?

Nhiều phụ nữ hiện đại cho hay, họ không ủng hộ cách nghĩ, phụ nữ nên lui về hậu trường, chăm lo nhà cửa còn chuyện kiếm tiền để cho người chồng của mình.
Chị Nguyễn Thùy Linh, 35 tuổi, nhân viên công ty công nghệ, trú đường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM nêu quan điểm: “Tùy hoàn cảnh gia đình và sự thoả thuận của vợ chồng, mỗi gia đình sẽ có cách giải quyết khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, trừ phi bạn đang ở các nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, phụ nữ ở nhà làm nội trợ cũng có lương, người vợ được nắm tài khoản của chồng và được chính phủ bảo hộ, còn ở Việt Nam thì chưa có quy định này, nên phụ nữ ơi, hãy độc lập. Phụ nữ phải tự kiếm tiền được, có tiền có thể thuê người dọn dẹp nhà cửa hay chăm con nếu mình cảm thấy mệt…
Ở nhà không làm ra tiền, vừa nhanh già, xấu, chồng lại không trân trọng, chưa kể nhiều anh mang tiền về nhà như bố thí cho mình, mà mình lại đang hi sinh rất nhiều. Tôi kết hôn với người nước ngoài, và ở nhà tôi đều có sự thoả thuận, cùng làm việc nhà, cùng đi kiếm tiền, đó là hiển nhiên, tuy nhiên, nhiều người đàn ông Việt Nam luôn coi việc nhà ư, phụ nữ hãy làm hết đi, chúng tôi chỉ làm những điều “to tát”. Đó là quá phi lý”.

Tuổi trẻ mà chỉ ở nhà là lãng phí thanh xuân

Nhà văn trẻ Gari Nguyễn chia sẻ suy nghĩ cá nhân: “Trừ phi bạn lấy được đại gia hay một người chồng gia trưởng quá mức, bạn mới có thể nghĩ đến việc… trở thành nội trợ, lui về hậu trường và để chồng kiếm tiền. Không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế vật chất để có thể chỉ một thành viên trong gia đình đi kiếm tiền, còn lại ở nhà chỉ lo chuyện cơm nước.
Nhà văn trẻ Gari Nguyễn. Ảnh: NVCC
Hơn nữa, lúc mới kết hôn, thời điểm phụ nữ lúc ấy còn xuân sắc, ở nhà mà không làm gì là lãng phí thanh xuân, dễ bị bỏ lại phía sau và cũng không đủ mạnh mẽ để một ngày nào đó, có thể gầy dựng lại từ đầu nếu chẳng may “gặp chuyện”.
Thời buổi này, trụ cột gia đình là cả người chồng và người vợ. Mỗi người có một điểm mạnh riêng, những đóng góp riêng cho xã hội, và mỗi người đều có quyền tự do về mặt tài chính để sống hạnh phúc và độc lập.
Nếu bạn kết hôn với một người đàn ông bình thường về mặt hình thức lẫn hoàn cảnh, việc bạn ngưng kiếm tiền liệu có khiến cuộc sống đủ đầy, dư dả đến mức… ăn không ngồi rồi hay không? Anh ta sẽ đủ kiên nhẫn để chấp nhận việc vợ mình “héo úa” khi ngồi lì một chỗ, không làm gì và cũng không cập nhật kiến thức hay không?
Nếu một người phụ nữ phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình, anh ta có thể “giữ chân” người phụ nữ chỉ bởi vấn đề kinh tế, không phải là giữ trái tim của cô ta. Thế nên, nếu thật sự yêu nhau thì nên để mỗi người phát triển theo cách riêng của mình và hỗ trợ lẫn nhau khi cần, mối quan hệ đó mới thật sự bền vững. Bởi khi ấy, dù có sóng gió ập đến lúc nào, cả người vợ lẫn người chồng đều có khả năng bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau”.

Phụ nữ phải có toàn quyền quyết định mình muốn làm gì

Theo anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng, dù phụ nữ làm gì, như khởi nghiệp, kinh doanh hay lui về chăm sóc gia đình, chị hoàn toàn ủng hộ. Nhưng đó phải là mong muốn của chính người phụ nữ, mọi người trong gia đình cần phải ủng hộ mong muốn đó, cùng bàn bạc xem sẽ chia sẻ công việc trách nhiệm thế nào để cả hai vẫn được làm việc của mình và vẫn đảm bảo chăm lo gia đình.
“Nếu người phụ nữ muốn đi làm, mà lại bắt họ phải ở nhà cho đúng “truyền thống”, hay theo những “khuôn mẫu” “thước đo” nào đó, thì tôi thấy là sai quá sai trong xã hội ngày nay. Ngay cả khi người chồng đi làm kinh tế, và người vợ ở nhà chăm lo gia đình con cái, thì người chồng cũng không nên cho là mình mới là trụ cột gia đình, coi thường vợ không kiếm được tiền, bởi vì làm việc hậu trường, đối với mình thì mình thấy còn mệt hơn đi làm, công lao đóng góp của người vợ chắc chắn là không thua kém gì so với người chồng cả”.
Sơn Ngân

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.